1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hà Nội: Cơ sở hạ tầng không theo kịp… xe buýt

(Dân trí) - Hà Nội hiện có 58 tuyến xe buýt cùng 1.197 điểm dừng, đỗ đón trả khách đã đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu đi lại của nhân dân. Thế nhưng, một thực tế là hệ thống cơ sở hạ tầng Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ cho sự phát triển và an toàn giao thông của xe buýt.

Từ bố trí nhiều điểm dừng, đón không hợp lý

Đã nhiều năm nay, khi tuyến xe buýt về đến khu vực xã Cổ Nhuế cũng là lúc tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra tại tuyến đường 69. Tại tuyến đường này thường xuyên có 2 tuyến buýt chạy qua là tuyến số 28 Giáp Bát - Đông Ngạc và tuyến số 31 ĐH Bách Khoa - ĐH Mỏ với tần suất vài chục lượt xe mỗi ngày.

Theo phản ánh của người dân, không hiểu Sở GTCC HN nghiên cứu cắm biển dừng đỗ xe buýt thế nào mà lại gây ùn tắc mỗi khi xe buýt vào điểm đón trả khách. Cụ thể, tại điểm dừng đỗ trả khách của Thôn Trù - xã Cổ Nhuế lại cắm ngay gần đường sắt và gần nút cổ chai nên đã thường xuyên gây ra ùn tắc giao thông nhất là vào giờ cao điểm.

Để giảm ùn tắc, người dân và UBND xã Cổ Nhuế đã kiến nghị với Sở GTCC HN nên cắm lùi biển dừng đỗ xe buýt xuống khoảng 50m đoạn trước cổng UBND xã nhưng những kiến nghị đều bị rơi vào ìm lặng và tình trạng ùn tắc giao thông vẫn tiếp tục diễn ra.

Mặc dù trong thời gian qua, Sở GTCC HN đã xóa bỏ 69 điểm dừng đỗ xe buýt, di chuyển 71 điểm đỗ thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Đã điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt như 11, 29, 37, 52... nhằm giảm mật độ lưu thông, tuy nhiên, với mật độ phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh nên việc ùn tắc giao thông vẫn tiếp diễn.

Được biết, dự kiến trong thời gian tới đây, Sở sẽ tiếp tục xóa bỏ 50 điểm dừng đỗ xe buýt bất hợp lý, di chuyển 40 điểm gần các nút giao thông, cơ quan trường học để bảo đảm ATGT, trong đó các điểm đỗ dừng xe buýt phải cách các nút giao thông từ 50m trở lên.

Đến những cái thiếu và yếu về cơ sở hạ tầng

Đánh giá về hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt hiện nay, theo các chuyên gia giao thông cho rằng, cơ sở hạ tầng này quá đơn giản. Với một mạng lưới xe buýt lớn và đang không ngừng mở rộng như của Hà Nội bây giờ, hạ tầng cần phải được bổ sung nhiều hơn nữa.

Cái thiếu rõ nhất là thông tin đến với hành khách. Trong số 1.197 biển báo ở điểm dừng cũng như biển báo lộ trình xe buýt hiện có, 303 chiếc đang ở tình trạng xuống cấp. Toàn thành phố cũng chỉ có 268 tấm bản đồ chỉ dẫn luồng tuyến xe buýt cho hành khách.

Đa số không có cơ hội để tiếp cận thông tin một cách đầy đủ nhất. Bên cạnh đó, số lượng điểm dừng đỗ có nhà chờ rất ít, đa số chỉ là tấm biển lắp đặt trên một chiếc cột để báo hiệu điểm dừng đỗ. Tại những điểm có nhà chờ thì lại bị lực lượng xe ôm đông đảo hoặc hàng nước chiếm dụng là nơi dừng đỗ, kinh doanh.

Một trong những cái thiếu trầm trọng nhất hiện nay là điều kiện tiếp cận của người tàn tật đối với phương tiện này tại các điểm dừng đỗ xe buýt. Toàn thành phố có khoảng 11.000 người tàn tật, khuyết tật, người khiếm thị đang sử dụng dịch vụ xe buýt nhưng không một điểm dừng đỗ nào được thiết kế, tổ chức để những đối tượng này dễ dàng tiếp cận với xe buýt.

Để người tàn tật được hưởng dịch vụ buýt hoàn thiện, Hà Nội trước hết cần có những điểm dừng được thiết kế bằng phẳng, xe buýt được trang bị hệ thống dốc cơ động, nối liền điểm dừng đỗ với sàn xe.

Được biết, hiện dự án hỗ trợ người tàn tật đi xe buýt hiện nay mới chỉ dừng ở hỗ trợ vé, còn hạ tầng hỗ trợ thì vẫn chỉ nằm trên giấy, vì vậy rất cần sự hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.

Mạnh Hùng - Quý Đô

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm