1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội chưa bỏ qui định cấm đăng ký xe máy

(Dân trí) - Bãi bỏ hay tiếp tục giữ qui định cấm đăng ký xe máy ở Hà Nội là vấn đề “nóng” trong buổi họp sáng nay của HĐND thành phố. Có đến 9/12 đại biểu đề nghị bãi bỏ qui định này. Tuy nhiên, HĐND vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Có thể trưng cầu ý kiến nhân dân

 

Do có quá  nhiều dư luận và ý kiến về qui định cấm đăng ký mô tô, xe gắn máy của thành phố Hà Nội, nên HĐND thành phố đã đưa thêm nội dung này vào chương trình kỳ họp. Đặc biệt sau khi Bộ Công an bãi bỏ quy định mỗi người chỉ được đăng ký một xe máy, do quy định này vi phạm Hiến pháp và Luật Dân sự, thì dư luận càng tỏ ra bức xúc hơn.

 

Sáng nay (9/12), Phó chủ tịch UBND Thành phố Đỗ Hoàng Ân đã báo cáo trước HĐND về kết quả thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện thực trạng giao thông đô thị trong thời gian qua.

 

Theo đó, ngày 13/2/2003 HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 34/2003/NQ-HĐ đưa ra 9 giải pháp cơ bản trong đó có giải pháp hạn chế gia tăng mô tô, xe máy. Nghị quyết cũng giao cho UBND thành phố xây dựng lộ trình hợp lý để tiến tới dừng đăng ký xe máy trên toàn thành phố. Từ Nghị quyết này, Thành phố đã ban hành các Quyết định hạn chế, tạm dừng đăng ký xe máy trên địa bàn 4 quận và sau đó tăng lên 7 quận trên địa bàn Hà Nội.

 

Báo cáo của Công an Thành phố cho thấy, sau 3 năm tạm dừng đăng ký xe máy, đã giảm được 174.671 chiếc, tương đương với 39% so với 3 năm trước đó  (2000-2002).

 

Tuy nhiên, quyết định này ra đời đã kéo theo những tiêu cực như bao tên đăng ký xe máy, mua suất đăng ký xe máy… khiến tình hình trở nên rất phức tạp. Các cơ quan chức năng chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Sau khi phân tích về hiệu quả biện pháp cấm đăng ký xe máy, UBND thành phố cho rằng, chủ trương này là đúng đắn, có cơ sở pháp lý, phù hợp với thực tiễn Hà Nội. Ủy ban đề nghị HĐND giao UBND thành phố tiếp tục tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả của việc thí điểm này một cách khách quan và toàn diện, báo cáo thường trực HĐND thành phố và có thể đưa ra trưng cầu ý kiến của nhân dân.

 

Hãy bớt mệnh lệnh đi…

 

Vấn đề có nên bãi bỏ qui định cấm đăng ký xe máy đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu HĐND. Trong ý kiến của mình, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, khẳng định: “Tai nạn và ùn tắc giao thông là do chúng ta chứ không phải do nhân dân”.

 

Ông nêu lý do: “Quĩ đất dùng cho giao thông còn ít, đầu tư cho giao thông chưa thoả đáng, chúng ta chưa có giải pháp thực hiện đồng bộ ở cả thành phố và  trung ương để giải quyết vấn đề này. Hiệu quả của Dự án tăng cường giao thông đô thị như thế nào chúng ta chưa đánh giá được”. Ông kết luận: “Hãy bớt mệnh lệnh đi, nên điều tiết bằng những cơ chế phù hợp”. Đại biểu Nam cũng cho rằng, việc người dân đăng ký xe máy là thay thế xe cũ bằng những xe mới cho văn minh hơn nên việc cấm đăng ký xe là không hiệu quả.

 

Đại biểu Phạm Thị Thành cũng đồng ý với kiến nghị bãi bỏ qui định này vì theo bà, đây là quyền lợi của người dân. “Tôi biết nhiều người phải ra cả tỉnh ngoài để đăng ký, rồi xe đó vẫn được sử dụng tại Hà Nội, vừa tốn kém vừa không hiệu quả”, bà Thành ta thán.

 

“Báo cáo của UBND TP cho rằng đã giảm 174.000 xe máy nhưng không xác định được có bao nhiêu xe máy đăng ký ở ngoại tỉnh đang lưu hành ở Hà Nội”, đại biểu Nguyễn Minh Đạo chỉ ra điểm sơ hở và nhận định, nếu chỉ đưa ra con số đăng ký giảm ở Hà Nội mà không xác định được lượng xe đăng ký ngoại tỉnh đổ vào Hà Nội thì rất khó để đưa ra một phương án thực sự hiệu quả.

 

“Đi bộ mà không cẩn thận cũng dễ xảy ra tai nạn chứ không riêng gì xe máy”, đại biểu Vũ Đức Tân ví dụ như vậy và cho rằng việc hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông cần một giải pháp đồng bộ chứ không phải chỉ qui hết “tội” cho xe máy. “Một số nội dung của Nghị quyết 34 (Nghị quyết 34/2003/NQ-HĐ 13/2/2003-PV) đưa ra hơi vội vàng, mới chỉ đứng ở góc độ quản lý mà chưa đứng về phía người dân”, ông kết luận.

 

Đại biểu Vũ Huy Hùng cũng đề nghị hãy để người dân tự lựa chọn phương tiện đi lại phù hợp với mình và kiến nghị: “Tôi đề nghị bãi bỏ quy định này”.

 

Kết luận sau khi các đại biểu có ý kiến, Chủ tịch HĐND Thành phố Phùng Hữu Phú cho rằng, nhu cầu đi lại của người dân là chính đáng, xe máy là  phương tiện  tiện dụng của người dân, nhưng việc hạn chế tai nạn và giảm ùn tắc cũng là việc cần phải thực hiện, cần phải xét đến lợi ích chung của cả cộng đồng.

 

“Thành phố đã rất thận trọng khi đưa ra quyết định tạm dừng đăng ký xe máy. Chúng ta không bảo thủ, không lẩn tránh trách nhiệm nhưng cần phải thận trọng”, Chủ tịch HĐND thành phố phát biểu và đề nghị giao cho UBND thành phố khẩn trương sơ kết, đánh giá toàn diện và sâu sắc về hiệu quả của việc tạm dừng đăng ký xe máy, trình lên HĐND để báo cáo Quốc hội và Chính phủ. “Phải thực hiện trong vòng một tháng, chậm lắm là đến đầu tháng 1/2006 phải có. Nhân dân đang chờ, công luận đang chờ chúng ta”, ông Phú kết luận.

 

Đức Hoà