Hà Nội: Chống ùn tắc, không thể dùng “sức”!
(Dân trí) - Ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT nhận định, với mức độ ùn tắc hiện nay của Hà Nội, việc “căng” hết lực lượng CSGT ra cũng không giải quyết nổi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trần Ngọc Chính cũng cho rằng, nếu không có một giải pháp đồng bộ, hết cấp bách này, chúng ta lại có cấp bách khác.
>> 6 giải pháp “cấp cứu” tắc đường Hà Nội
Các ý kiến này được đưa ra trong Hội nghị ban ngành, đoàn thể Trung ương phối hợp với Hà Nội thực hiện Nghị quyết 32/CP/2007, diễn ra hôm qua 27/9.
Cần tính toán kỹ quy định “lệch giờ”
Theo ông Đỗ Kim Tuyến, PGĐ Công an thành phố Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có khoảng 300 ngàn ôtô và 2,5 triệu xe máy. Tính ra, bình quân mỗi km đường Hà Nội phải chịu 500 ôtô và 5.500 xe máy. Đó là chưa kể lượng xe từ các tỉnh về Hà Nội mà theo tính toán chiếm khoảng 20-30% lượng xe lưu hành trên đường.
Trong khi đó, toàn thành phố chỉ có 400 cảnh sát trong nội đô và cao điểm nhiều nhất cũng chỉ huy động được 300 người đứng tại các nút giao thông. Thành phố chỉ có 2.000km đường nhưng có tới 600 nút giao thông, trong đó có khoảng 100 điểm thường xuyên đòi hỏi cần có CSGT túc trực khiến lực lượng luôn phải “căng” ra và khi có ùn tắc thì không thể đáp ứng xuể yêu cầu.
Về trật tự giao thông, trong 8 tháng qua, thành phố đã xử phạt hơn 190 ngàn trường hợp vi phạm giao thông và trên 200 ngàn vi phạm vỉa hè, lấn chiếm lòng đường. Theo ông Tuyến, con số này mới chiếm 30-40% lỗi vi phạm trong thực tế.
Cũng theo ông Tuyến thì việc xử lí vi phạm của ta chưa quyết liệt. Ở nhiều nước khác, vi phạm lần 2 có thể bị đưa ra toà; trong khi ở ta, vi phạm lần 2, lần 3, thậm chí lần 10 khung hình phạt vẫn như nhau.
Về các giải pháp chống ùn tắc, ông Đỗ Kim Tuyến cho rằng, nếu muốn qui định lệch giờ đi làm cần phải tính toán lượng công chức đang làm việc tại thủ đô chiếm bao nhiêu % và nếu thực hiện sẽ giảm được bao nhiêu. Ông đề xuất, các điểm đỗ xe của thành phố hiện nay quá ít và diện tích lại nhỏ, vì thế Bộ Xây dựng cần đưa vào qui chuẩn xây dựng đô thị qui định về việc có tầng hầm dành để xe. Theo ông Tuyến hiện tại một số doanh nghiệp, ngân hàng đã làm tầng hầm và giải quyết tốt chỗ để xe, trong khi nhiều cơ quan cũ chưa có thiết kế này.
Việc dừng đăng ký xe máy, ông Tuyến cho biết đó mới chỉ là một ý kiến, ngành chưa có đề xuất về việc này. Riêng thực hiện đội mũ bảo hiểm, từ 15/10, cảnh sát khu vực sẽ đến từng gia đình tuyên truyền về việc tuân thủ luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm.
Không nên chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT
Ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho rằng, đã đến lúc không thể dùng “sức” để giải quyết vấn đề ùn tắc. Với mức độ ùn tắc hiện tại, có “căng” hết lực lượng ra cũng không đủ, thậm chí cử 3-4 CSGT cho một nút vẫn không giải quyết được vấn đề. Ông cũng chia sẻ với các CSGT phải có mặt ở những điểm nóng, chịu nhiều khói bụi và áp lực.
Ông Hà cho rằng phải có những giải pháp đồng bộ, lâu dài mới khắc phục được vấn đề. Về những vấn đề trước mắt, theo ông phải đưa các xe buýt khổng lồ ra các con đường bên ngoài, chỉ nên sử dụng các xe buýt kích thước vừa trong nội đô. Thành phố cũng nên thực hiện tuần tra chuyên đề, chẳng hạn trong 2-3 tuần chỉ tập trung vào việc tuân thủ hiệu lệnh đèn đỏ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Trần Ngọc Chính chia sẻ nỗi niềm về ùn tắc giao thông khi chính ông cũng là người chịu ảnh hưởng. Trước đây ông chỉ mất khoảng 15 phút để tới cơ quan, nay nhiều khi phải mất đến 45 phút. Theo ông Chính, nếu chỉ đơn thuần cho công an túc trực thì đâu lại vào đó và theo thời gian ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn. “Nếu không có giải pháp đồng bộ, lâu dài, chúng ta giải quyết hết cấp bách này lại có cấp bách khác”, ông Chính phân tích.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, trên thế giới, thành phố có 1 triệu dân là đã có metro, trong khi Hà Nội đến nay vẫn chỉ có giao thông mặt đường. Theo ông Chính, trong qui hoạch vùng thủ đô đã có qui hoạch giao thông ngầm, giao thông trên cao,… Cũng theo qui hoạch này, sắp tới sẽ xây dựng vành đai 4 và những năm tới sẽ có vành đai 5 nên việc tính đến qui hoạch giao thông liên kết với các tỉnh xung quanh là rất quan trọng.
Ông Chính cho biết hiện tại Hà Nội đã phát triển qua vành đai 3, nhưng đường vành đai 3 vẫn chưa thấy đâu, thậm chí đường vành đai 1, vành đai 2 cũng đang còn dang dở. Việc xây dựng được đường vành đai 3 sẽ có ý nghĩa quan trọng trong điều tiết, điều hoà các phương tiện rồi xuyên tâm vào vành đai 2, vành đai 1.
Kết lại, ông cho rằng để giải quyết vấn đề cần tập trung nghĩ đến việc lớn, đừng chỉ trông chờ vào lực lượng CSGT đứng đường.
Mạnh Cường