1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội chống dịch như thế nào khi số ca tăng mạnh?

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, vài ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 của thành phố luôn ở top đầu cả nước. Hà Nội đã thực hiện đồng bộ 3 tầng điều trị cho các bệnh nhân.

Hôm nay (5/1), Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Hà Nội chống dịch như thế nào khi số ca tăng mạnh? - 1

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Quốc Chính).

Hà Nội triển khai 3 tầng điều trị

Phát biểu tại hội nghị trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong năm 2021, thành phố đã quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn với dịch bệnh này, vừa đảm bảo an sinh - xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh.

"Suốt năm 2021, Hà Nội đã chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân. Trong các đợt chống dịch, chúng tôi đã tổ chức các đợt tiêm chủng với quy mô rất lớn. Hiện nay chúng tôi đã tiêm cho công dân độ tuổi 18 trở lên đạt trên 99%", ông Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói thêm, hiện tại, nhóm có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 là người cao tuổi, với số lượng trên 12.000 người. Hiện nay, Hà Nội đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho nhóm này với số lượng lớn, hiện chỉ còn hơn 17.000 người già chưa được tiêm.

Nói về việc điều trị cho các bệnh nhân Covid-19, ông Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội triển khai đồng bộ 3 tầng điều trị, với tinh thần phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở. 

Hà Nội đã huy động đội ngũ bác sĩ tuyến Trung ương, tư nhân, lực lượng y bác sĩ về hưu, lực lượng tình nguyện và kết hợp với "Tổ Covid cộng đồng", hệ thống y tế cơ sở để thực hiện có hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Thành phố đã bố trí 3.200 tổ hỗ trợ cho các F0, F1 điều trị, theo dõi sức khỏe tại nhà.

"Vài ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội lên top đầu, số ca đang điều trị là trên 54.000, trong đó trên 22.000 ca đã khỏi bệnh. Tỷ lệ bệnh nhân ở tầng 1 chiếm trên 93%, tầng 2 là 5,36%, tầng 3 chiếm hơn 1,15%, số tử vong dưới 0,3%. Hà Nội  kiểm soát chặt chẽ việc điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 ở tầng 3", ông Chu Ngọc Anh nói thêm.

Hà Nội chống dịch như thế nào khi số ca tăng mạnh? - 2

Hà Nội đang thực hiện cách ly, điều trị F0 tại nhà. (Ảnh: Minh Nhật).

Về kiến nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương về phân cấp, phân quyền và đạt được những kết quả quan trọng. TP Hà Nội cũng đã bám sát và triển khai hiệu quả chủ trương này, nhất là trong bối cảnh dịch.

"Thực tiễn chúng tôi áp dụng phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện trong chống dịch, giải ngân đầu tư công thì hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây," ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; chuyển đổi đất lúa, đất rừng; cấp phép khu công nghiệp; tách dự án giải phóng mặt bằng khỏi các dự án khác... Đi kèm với đó là cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường, kiểm tra giám sát.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng đề nghị Chính phủ cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Phân cấp phân quyền cho các địa phương

Trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đề xuất thí điểm một số chính sách về chỉ định các gói thầu tư vấn, gói thầu về đền bù giải phóng mặt bằng, phân cấp, phân quyền cho các tỉnh, thành phố thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa phương.

"Đây không chỉ là quyết tâm của Chính phủ mà còn là các giải pháp, động lực cho các địa phương chủ động tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tổ chức thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội," Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhấn mạnh.

Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với kiểm tra, giám sát đối với các địa phương trong một số lĩnh vực như chủ trương đầu tư các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị cần sửa đổi Nghị định 82 ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, nếu muốn sửa đổi Nghị định 82 thì cần sửa điểm c, khoản 1, Điều 8 hoặc khoản 4, Điều 17 của Luật Đầu tư về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với khu công nghiệp, khu kinh tế. Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét vấn đề này.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là trong phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch, cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp, tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây dựng.

Ông Phan Văn Mãi đề nghị Chính phủ cho phép TPHCM nghiên cứu, vận dụng thực tiễn theo hướng bổ sung thêm ngân sách của địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp với tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, thành phố đề nghị các bộ, ngành sớm hướng dẫn ngay các chính sách được kỳ họp bất thường của Quốc hội thông qua để các chính sách sớm đi vào cuộc sống.

Là địa bàn bị ảnh hưởng lớn của làn sóng dịch lần thứ 4, đến nay TPHCM đã hoàn thành cơ bản việc tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi. Bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch, thành phố đã tập trung các nguồn lực chăm lo an sinh xã hội, đã chi hơn 12.000 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Thành phố cũng đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025, triển khai chiến lược về y tế trên địa bàn thành phố.

"Việc quyết định áp dụng một số biện pháp khẩn cấp, tăng cường lực lượng hỗ trợ kịp thời, lấy xã, phường làm pháo đài, đưa chăm sóc y tế đến người dân sớm nhất, nhanh nhất cùng với sự sáng tạo trong phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn, chăm lo an sinh để an dân và đồng hành với doanh nghiệp là những nhân tố để thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn," ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.