Hà Nội “chìm” trong bụi
(Dân trí) - Mỗi tháng có khoảng 10.000m2 đường của TP bị đào bới để thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật; chưa kể trên 1.000 công trình xây dựng lớn nhỏ kéo dài hàng năm. Tình trạng xây dựng lê thê và liên miên khiến Hà Nội luôn “chìm” trong bụi.
Bụi tràn phố!
Theo số liệu của Cục Bảo vệ môi trường, nồng độ bụi bẩn ở Hà Nội ngày một cao, có những nơi vượt quá tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 2-4 lần. Nghiêm trọng nhất là các khu vực đang tiến hành xây dựng, cải tạo và sửa chữa như ngã Tư Sở, đường Láng Hoà Lạc, Văn Điển, Bắc Thăng Long... Nồng độ bụi đặc biệt kinh khủng vào mùa hanh khô.
Kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên - Môi trường & Nhà đất tiến hành hai lần, từ đầu năm 2006 đến nay, cho thấy hàm lượng bụi ở Thủ đô đều vượt quá TCCP và có xu thế tăng so với năm 2005. Tại 4 quận nội thành, bụi bẩn vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần.
Cụ thể: Theo con số quan trắc đợt 1 ở 7 tuyến đường thuộc quận Cầu Giấy, hàm lượng bụi vượt TCCP trên tất cả các vị trí đo. Tập trung chủ yếu ở các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng, Phạm Hùng, vượt TCCP 7,5 lần.
“Sánh” cùng quận Cầu Giấy là quận Đống Đa, hàm lượng bụi đo được ở một số tuyến phố vượt TCCP là 7 lần. Tiếp theo là các tuyến đường thuộc quận Thanh Xuân như đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Trường Chinh, hàm lượng bụi vượt TCCP 6,75 lần.
Hai quận được coi là trung tâm thành phố là quận Hoàn Kiếm và Ba Đình kết quả quan trắc đợt 1 cũng cho thấy hàm lượng bụi vượt TCCP 6,3 lần... Đợt quan trắc lần 2, hàm lượng bụi tuy có giảm nhưng vẫn ở mức rất cao, gấp 4,3 lần TCCP.
Theo đánh giá, tác nhân gây bụi là do mật độ xây dựng ở Hà Nội cao, thải ra lượng bụi PM10 lớn (gồm bụi do phá dỡ, thi công công trình, bụi do đốt nhiên liệu hoặc khí axit ngưng đọng lại).
Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ xu hướng sức khoẻ của người dân ngày càng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường không khí. Những người có thời gian sống tại TP hơn 10 năm có tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính về tai, mũi, họng, cảm cúm cao hơn những người sống dưới 3 năm.
Một kết quả điều tra khác cũng cho thấy, tại một số khu vực, tỉ lệ các hộ mắc bệnh chiếm gần 73% và 43% người mắc bệnh mãn tính về tai, mũi, họng, viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm phổi, các bệnh ngoài da và mắt.
Càng xử phạt càng vi phạm
Theo con số thống kê của Thanh tra giao thông công chính qua việc xử phạt các vụ vi phạm về vệ sinh môi trường vài năm gần đây cho thấy mức độ vi phạm vệ sinh môi trường ngày càng nhiều.
Đi tìm giải pháp cho vấn đề giảm thiểu bụi bẩn do các công trình xây dựng gây ra, tại cuộc hội thảo sáng nay về “hiện trạng ô nhiễm bụi và việc thực hiện các quy định liên quan đến công tác giảm bụi tại các công trường xây dựng trên địa bàn Hà Nội”, Thạc sĩ Tạ Quỳnh Hoa - Giảng viên trường Đại học Xây dựng - cho rằng, về mặt công tác quản lí nhà nước còn thiếu đồng bộ, chưa chặt chẽ, ỷ lại nhau; nhiều nơi còn buông lỏng quản lý.
Trả lời câu hỏi của Dân trí: Các vụ vi phạm về vệ sinh môi trường ngày càng bị xử phạt nặng hơn, nhưng số vụ vi phạm vẫn không hề giảm mà còn tăng? Thạc sĩ Tạ Quỳnh Hoa cho biết, nhiều chủ công trình chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của TP về đảm bảo vệ sinh, tránh bụi bẩn đối với các công trình xây dựng, chưa có rào che chắn công trình, chưa che phủ các bãi tập kết vật liệu thi công. Một số khác có thực hiện nhưng qua loa và không đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra. Vì thế bụi bẩn vẫn có thể phát tán ra môi trường xung quanh.
Nhiều xe chở vật liệu xây dựng, phế thải xây dựng không được che đậy kín, chở quá trọng tải làm rơi vãi ra đường phố. Việc rửa xe khi ra khỏi công trình thực hiện vẫn chưa nghiêm túc khiến bụi bẩn vương vãi ra đường. Trong khi đó hầu hết các chủ công trình không nắm được các văn bản pháp luật hướng dẫn về đảm bảo vệ sinh môi trường mà chỉ nắm được về mức độ xử phạt nặng nhẹ.
Thạc sĩ Tạ Quỳnh Hoa cho biết thêm, ngoài vấn đề xử phạt nặng những người vi phạm về vệ sinh môi trường cũng cần tuyên truyền cho họ hiểu về trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường. “Theo tôi ý thức của những người vi phạm vệ sinh môi trường mới là quan trọng. Làm sao phải “gò” họ vào thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường thì mới mong Hà Nội giảm bụi”, bà Hoa kết luận.
Tuấn Hợp