1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội 9,2 triệu người nhưng có tới 9 triệu phương tiện lưu thông

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Sở GTVT Hà Nội đề xuất dùng gần 400 tỷ đồng thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong 3 năm nhằm triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1.

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa trình UBND thành phố chấp thuận chủ trương triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn thành phố, thực hiện trong giai đoạn 2025-2027.

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đề xuất thành phố cho phép triển khai hệ thống ITS giai đoạn 1 trên địa bàn theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, với chi phí hơn 392 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố thực hiện giai đoạn 1 (năm 2025-2027).

Hà Nội 9,2 triệu người nhưng có tới 9 triệu phương tiện lưu thông - 1

Tắc đường là nỗi ám ảnh của người dân Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Hải).

Giai đoạn đầu, Sở GTVT sẽ triển khai đề án thành lập Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội (trên nền tảng Trung tâm Quản lý điều hành giao thông công cộng hiện nay) để hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, triển khai thực hiện khai thác 9 chức năng ban đầu của hệ thống ITS.

Sở GTVT Hà Nội sẽ triển khai đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng trung tâm (tại số 1 Kim Mã), như cải tạo sửa chữa trụ sở; lắp đặt hệ thống máy chủ, hệ thống màn hình; hệ thống phần mềm lõi dùng chung; hệ thống phần mềm gắn với 9 chức năng khai thác giai đoạn đầu.

Bên cạnh đó, lắp đặt hệ thống các thiết bị ngoại vi, gồm hệ thống camera (giám sát tốc độ; đo đếm lưu lượng; xử phạt giao thông); hệ thống bảng báo điện tử; hệ thống tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông; hạ tầng truyền dẫn.

Phạm vi thực hiện bên trong Vành đai 3, gồm 55 nút trên các tuyến Vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm tương ứng với số lượng thiết bị ngoại vi cần lắp đặt là 600 camera, 20 biển báo giao thông thông minh, 10 tủ điều khiển đèn tín hiệu thích ứng.

Các chức năng chính của hệ thống gồm giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý đỗ xe; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.

Ông Nguyễn Phi Thường cho hay theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt 20-26% cho đô thị trung tâm; diện  tích đất cho giao thông tĩnh phải đạt 3-4%.

"Hiện nay, dân số của thành phố là trên 8 triệu người, chưa bao gồm 1,2 triệu dân vãng lai thường xuyên sinh sống, làm việc và học tập tại thành phố. Số lượng phương tiện giao thông đường bộ là trên 7,8 triệu phương tiện các loại, chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019-2023 là trên 10% đối với ô tô và trên 3% đối với xe máy, trong khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đến nay mới đạt khoảng 12,13% dẫn đến hiện tượng quá tải trên các tuyến đường giao thông", ông Thường lý giải.

Mặt khác, việc triển khai áp dụng khoa học công nghệ cũng như đầu tư hệ thống ITS trong quản lý điều hành giao thông vận tải mới chỉ trong giai đoạn đầu và chưa có định hướng một cách đồng bộ, tổng thể.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng việc tổ chức nghiên cứu triển khai thực hiện giai đoạn 1 đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất cần thiết.

Việc này nhằm khắc phục kịp thời các tồn tại hạn chế hiện nay, dần dần hình thành hệ thống  giao thông thông minh của thành phố; thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng  lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Đây cũng được kỳ vọng là công cụ quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quản lý, điều hành giao thông.