1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội 70 năm trước qua ký ức Đội trưởng Đội tự vệ xung phong

(Dân trí) - “70 năm Cách mạng tháng Tám 1945 đã qua, thế nhưng những phút giây lịch sử đặc biệt đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Chỉ qua một ngày, tất cả những gì của Pháp, Nhật đã thuộc về Việt Minh và cũng chỉ một ngày từ dân nô lệ trở thành người làm chủ đất nước”.

Gặp chúng tôi, Đại tá Nguyễn Hải Hùng (88 tuổi) - cựu Đội trưởng Đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội chia sẻ, tuổi già có lúc quên quên, nhớ nhớ, thế nhưng những việc sâu sắc trong đời như không khí sôi nổi, hào hùng, hàng vạn nhân dân Hà Nội xuống đường đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch 70 năm về trước thì từng chi tiết nhỏ cũng không phai mờ trong tâm trí ông.

“Cách mạng tháng Tám có ý nghĩa rất lớn với dân tộc ta, phải nói đó là cuộc đổi đời của đất nước. Cuộc cách mạng ra đời trong hoàn cảnh thực sự đặc biệt, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng, từ đó chớp được thời cơ nghìn năm có một”, Đại tá Nguyễn Hải Hùng, cựu Đội trưởng đội tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội đánh giá.

img-9947-5e4e8
Ông Nguyễn Hải Hùng nhớ lại những ngày dẫn đầu đoàn tự vệ xung phong đánh chiếm cơ quan đầu não của địch

Sinh ra trong một gia đình có truyền thông cách mạng, lớn lên trong thời kỳ đất nước gặp nhiều khó khăn khi bị thực dân Pháp đô hộ, rồi phát xít Nhật chiếm đóng, khi mới 17 tuổi, câu học sinh Nguyễn Hải Hùng đã được tuyên truyền giác ngộ cách mạng.

Ông Hùng cho biết, từ đầu năm 1940, do địch liên tục bắt bớ, khủng bố, Thành ủy Hà Nội có tới 7 ban chấp hành bị tan rã, lực lượng cách mạng phải chạy ra ngoại thành. Vì vậy, Thành ủy có chỉ thị mở rộng căn cứ ra bên ngoài để nội và ngoại thành thành một căn cứ liên thông mạnh mẽ.

Thời điểm đó ông Hùng mới 17 tuổi đã được đưa ra ngoại thành với nhiệm vụ tổ chức bằng được cơ sở và phong trào Việt Minh. Đến khi Nhật, Pháp bắn nhau thì ông Hùng kiêm thêm nhiệm vụ Đội trưởng Đội tự vệ xung phong.

Gần 90 tuổi, ông Hùng cho biết, không hiểu sao thời điểm đó, khi còn rất trẻ mình đã làm được những nhiệm vụ lớn lao đến vậy. Công việc cụ thể của cậu học sinh thời đó là phải tuyên truyền đường lối của Mặt trận Việt Minh và tổ chức phong trào quần chúng giác ngộ cách mạng đứng lên đấu tranh giành chính quyền. Ngoài ra, lực lượng bên ngoài ngoại thành phải có nhiệm vụ trấn áp, vô hiệu hóa hoặc lôi kéo bè lũ tay sai thân Pháp đi theo cách mạng.

Nhiệm vụ quan trọng nữa, ông Hùng phải đảm nhận thời điểm đó là tổ chức đội tự vệ xung phong ở ngoại thành. Khi mới thành lập, đội tự vệ xung phong chỉ có dao, mã tấu, gậy gộc. Đánh giá nếu dùng vũ khí thô sơ mà đương đầu với giặc Pháp, phát xít Nhật thì khó có thể giành thắng lợi, lực lượng tự vệ xung phong đã đi vận động những tên lính gác trong pháo đài Láng bán lại súng cho mình. Gần đến ngày khởi nghĩa, lực lượng tự vệ xung phong ngoại thành có 8 khẩu súng trường và gần 10 khẩu súng lục.

Thời điểm nhân dân gặp nạn đói, lực lượng tự vệ xung phong ở ngoại thành đã tổ chức phá kho thóc Nhật ở làng Quang Nhân (nay là Nhân Chính, Thanh Xuân) để chia cho từng gia đình. Qua phong trào đó, theo ông Hùng nhân dân đã thay đổi ý nghĩ và cho rằng, Việt Minh đã lớn mạnh, không có gì là không thể làm được. Từ đó, đã đẩy phong trào cách mạng lớn mạnh từng bước.

Ngày 17/8, Tổng hội công chức đang ra sức huy động quần chúng tổ chức một cuộc mít tinh lớn để ủng hộ nội các Trần Trọng Kim. Ông Nguyễn Hải Hùng cho biết, ngay lập tức, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã quyết định chiếm diễn đàn, biến cuộc mít tinh của chúng thành cuộc mít tinh của ta, vừa tranh thủ tập hợp quần chúng, vừa kiểm tra thái độ và mức độ phản ứng của quân Nhật và chính quyền bù nhìn.

“Từ việc Nhật, Pháp bắn nhau, cùng với những thắng lợi bước đầu của cách mang, nhân dân Hà Nội đã công khai theo Việt Minh. Thành ủy Hà Nội cũng nhanh chóng đưa ra nhận định thời cơ để cách mạng thành công đã đến, cần phải tiến hành đấu tranh giành chính quyền”, ông Nguyễn Hải Hùng nhớ lại.

Những ngày cách mạng sục sôi, ông Nguyễn Hải Hùng được giao nhiệm vụ dẫn đầu đội tự vệ xung phong ngoại thành cùng với nhân dân đi chiếm Đại Lý Hoàn Long (cơ quan cai trị ngoại thành thuộc lực lượng tay sai thân Pháp). Lực lượng ở ngoại thành làm sớm hơn cũng nhằm mục đích thử sức quân Nhật xem có can thiệp vào phong trào cách mạng của Việt Minh nữa hay không.

Khi nhận nhiệm vụ đó, ông Hùng phổ biến kỹ cho từng anh em trong đội tự vệ xung phong. Đầu tiên lực lượng tự vệ xung phong tổ chức cướp chính quyền ở làng Giáp Nhất, sang Chính Kinh… Đến khoảng 9 giờ sáng ngày 19/8, lực lượng tự vệ xung phong và quần chúng nhân dân tiến ra chiếm Đại Lý Hoàn Long.

“Đoàn tự vệ xung phong cầm lá cờ đỏ sao vàng đi đầu, hàng vạn quần chúng nhân dân từ thanh niên, trẻ nhỏ đến cụ già đi sau, vừa đi chúng tôi vừa hô lớn các khẩu hiệu giành chình quyền. Trên đường đi, chúng tôi gặp quân Nhật ngồi trên xe ô tô chở đầy vũ khí lên Sơn Tây nhưng chúng không hành động gì”, ông Hùng nhớ lại.

Ông Hùng cho biết, khi lực lượng tiến đến Đại Lý Hoàn Long cũng chỉ còn hơn 10 tên lính gác với đầy đủ súng ống nhưng không dám kháng cự. Sau khi được ông Hùng thuyết phục, những tên lính này đã trao vũ khí cho lực lượng tự vệ xung phong. Còn tên quan cai trị ở đó là Đặng Vũ Niết đã chạy trốn, nhưng đến tối cùng ngày đã ra đầu thú.

“Những tên lính gác cuối cùng đã giao súng, như vậy có thể nói toàn bộ ngoại thành đã thuộc về cách mạng. Khoảng 10 giờ sáng đội tự vệ xung phong ngoại thành kéo một lá cờ đỏ sao vàng lên trước cửa Đại Lý Hoàn Long. Anh Đỗ Lệnh Khang - người làng Thượng Đình thuộc đội tự vệ xung phong được tôi chỉ đạo cầm súng cắm cờ đỏ sao vàng đứng gác trang nghiêm trước cổng Đại Lý Hoàn Long”, ông Hùng nói.

Chiếm được cơ quan đầu não của địch ở ngoại thành, ông Nguyễn Hải Hùng và một số anh em tự vệ ở lại trấn giữ, còn toàn bộ lực lượng cùng quần chúng nhân dân tiếp tục tiến sâu vào nội thành cùng đi đánh chiếm những cơ quan đầu não khác của địch.

“70 năm Cách mạng tháng Tám 1945 đã qua, thế nhưng những phút giây lịch sử đặc biệt đó vẫn vẹn nguyên trong tâm trí tôi. Chỉ qua một ngày, tất cả những thứ của Pháp, Nhật đã thuộc về Việt Minh và cũng chỉ một ngày từ dân nô lệ trở thành người làm chủ đất nước”, người Đội trưởng Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội năm nào chia sẻ.

Quang Phong