GS Hoàng Tụy góp mặt trong 10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2011
(Dân trí) - Giáo sư Hoàng Tụy được tặng giải thưởng toán học “Constantin Caratheodory Prize”. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bởi chính các nhà khoa học Việt Nam… Đó là 2 trong 10 sự kiện nổi bật nhất về Khoa học và Công nghệ năm 2011.
Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa công bố 10 sự kiện khoa học và công nghệ nổi bật nhất năm 2011 gồm:
Lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn
1. Đề án “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”
Đề án do GS.VS Phan Huy Lê làm Chủ nhiệm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chủ trì; nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, quá trình lịch sử và các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá vùng đất Nam Bộ của Việt Nam từ cội nguồn đến ngày nay. Kết quả nghiên cứu của Đề án đã: Xác lập được các vấn đề có tính phương pháp luận trong tiếp cận nghiên cứu vùng đất Nam Bộ; làm rõ được quá trình lịch sử, các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá và thiết chế quản lý phục vụ các nhiệm vụ phát triển, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng đất Nam Bộ; xây dựng cơ sở khoa học làm rõ và khẳng định cơ sở pháp lý chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam ở vùng đất Nam Bộ phù hợp với thông lệ quốc tế; bước đầu làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu đến cán bộ và nhân dân địa phương và nhân dân cả nước.
Lĩnh vực cơ chế chính sách
2. Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia
Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng được cấp từ ngân sách Nhà nước về hoạt động KHCN, Quỹ là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, hỗ trợ vốn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ.
3. Dành kinh phí lớn nhất cho dự án khoa học và công nghệ
Ngày 24/11, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Dự án thiết kế và chế tạo chíp, thẻ và đầu đọc được đầu tư 145,7 tỉ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách 124,8 tỉ đồng. Dự án này ứng dụng trong các lĩnh vực có liên quan đến thông tin cá nhân như: Chứng minh nhân dân điện tử, thẻ ra vào; kiểm soát chất lượng hàng hoá... Đây là số vốn lớn nhất từ trước đến nay dành cho một dự án khoa học công nghệ.
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
4. Giáo sư Hoàng Tụy được tặng giải thưởng toán học “Constantin Caratheodory Prize”.
GS Hoàng Tụy
Đại hội thế giới về tối ưu hóa toàn cầu lần thứ hai được tổ chức ở Hy Lạp đã quyết định trao tặng giải thưởng đầu tiên cho Giáo sư Hoàng Tụy, người có đóng góp tiên phong cho tối ưu hóa toàn cục.
5. Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được khởi động trở lại bởi chính các nhà khoa học Việt Nam
Đây là sự kiện không chỉ có ý nghĩa trong việc thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình và cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự kiện này còn đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng trên con đường phát triển của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử đội ngũ vận hành chỉ gồm những kỹ sư Việt Nam đã khởi động thành công lò phản ứng hạt nhân.
Lĩnh vực hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ
6. Hội nghị bộ trưởng các nước ASEAN về Khoa học và công nghệ
Từ ngày 21 - 26/11, Hội nghị AMMST-14 và COST-62 thảo luận các vấn đề nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác về khoa học và công nghệ trong khu vực ASEAN, hướng tới xây dựng cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ ASEAN, là cơ hội để tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế sau khi đã thể hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2010.
Lĩnh vực ứng dụng công nghệ
7. Giàn khoan tự nâng 90m nước
Ngày 10/9, tại Khu cảng Dầu khí Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ hạ thủy giàn khoan tự nâng 90m nước, khai thác khí mỏ Mộc Tinh. Công trình đã được cơ quan Đăng kiểm Hàng hải Hoa Kỳ cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế. Đây cũng cũng là dự án khoa học công nghệ về cơ khí có số vốn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay và là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia lần đầu tiên được thiết kế chi tiết và lắp dựng tại Việt Nam.
8. Máy soi cắt lớp điện toán trong công nghiệp
Do Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) thiết kế chế. Đây là loại máy chế tạo bằng 100% các thiết bị của Việt Nam. Nguyên lý hoạt động của máy là dùng tia gamma chụp vào lõi các vật thể để xác định cấu tạo bên trong, nhằm cho ra hình ảnh kín của các hiện vật để tìm ra khuyết tật... mà không cần phải mở những thiết bị máy móc hoặc mổ xẻ các hiệnvật ra. Cơ quan Nguyên tử quốc tế ( IAEA ) đã quyết định đặt mua sáu máy nói trên và chuyển tới sáu nước Thái Lan, Philippines, Pakistan, Mianmar, Indonesia, Sri Lanka; đồng thời giao cho trung tâm mở lớp chuyển giao công nghệ cho cán bộ kỹ thuật của sáu nước tiếp nhận máy.
9. Vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông hiện đại nhất Đông Nam Á
Trung tâm sản xuất Điện tử Viettel vừa chính thức đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông có công nghệ hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Dây chuyền có tổng giá trị đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Dây chuyền có công xuất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm; hoặc 3 triệu máy ĐTDĐ/năm; hoặc 900 nghìn máy tính/năm. Chất lượng sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Dây chuyền này hoàn toàn do người Việt Nam tự xây dựng cấu hình, lựa chọn, lắp đặt, vận hành các thiết bị hiện đại nhờ tiết kiệm kính phí đầu tư.
10. Phẫu thuật nội soi cắt khối tá - tụy tại Bệnh viện 103
Tháng 10/2011, các bác sĩ Khoa Ngoại Bụng (B2) - Bệnh viện 103 (Hà Nội) đã phẫu thuật nội soi thành công cắt khối tá - tụy. Đây là loại phẫu thuật khó nhất, phức tạp nhất, là kỹ thuật đỉnh cao trong các phẫu thuật ở ổ bụng. Thành công của ca phẫu thuật đã mở ra một hướng nghiên cứu mới, không chỉ để chứng minh cho tính hiệu quả và an toàn của phẫu thuật nội soi ổ bụng mà còn mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của phương pháp nói trên, kể cả đối với những trường hợp bệnh lý phức tạp.
P. Thanh