1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gợi ý 5 tư lệnh trả lời chất vấn tuần tới

(Dân trí) - Đoàn thư ký kỳ họp gửi phiếu hỏi ý kiến các ĐBQH về các Bộ trưởng chọn đăng đàn trả lời chất vấn kỳ này. Danh sách gợi ý gồm Bộ trưởng Nội vụ, Thông tin-Truyền thông, Khoa học-Công nghệ, Nông nghiệp&Phát triển nông thôn và Chánh án TAND tối cao.

Gợi ý 5 tư lệnh trả lời chất vấn tuần tới
Kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trực tiếp đăng đàn "chốt" lại phiên trả lời chất vấn.
 
Từ danh sách gợi ý này cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), 4 Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ được lựa chọn chính thức để trả lời chất vấn trước QH. Thời lượng phiên chất vấn kỳ này tăng thêm nửa ngày (từ 2,5 lên 3 ngày), trong đó có nửa ngày dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn dũng trực tiếp trả lời chất vấn, nửa ngày dành để Quốc hội thảo luận về báo cáo thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ sau 3 lần chất vấn ở các kỳ họp trước.

Đoàn thư ký kỳ họp cho biết, tính đến chiều ngày 8/11 đã có 101 văn bản chất vấn của 45 vị đại biểu gửi đến Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Cùng với danh sách các Bộ trưởng, Trưởng ngành gợi ý, Đoàn thư ký cũng xin ý kiến đại biểu về dự kiến các nhóm vấn đề sẽ chất vấn với từng vị.

Cụ thể, với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, có các nhóm vấn đề như giải pháp nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với quản lý biên chế, tinh giản biên chế, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận được nhiều vấn đề rất thời sự liên quan đến việc quản lý các trang thông tin điện tử, nội dung thông tin điện tử; ngăn chặn tác hại và chấn chỉnh những vi phạm trong việc kinh doanh trò chơi trực tuyến; trách nhiệm và giải pháp khắc phục tình trạng tin nhắn rác, tin quảng cáo, rao vặt và các cuộc gọi tiếp thị trên điện thoại di động.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son là 1 trong 5 tư lệnh được gợi ý chọn trả lời chất vấn tại kỳ họp trước nhưng sau đó không nằm trong danh sách 4 vị chính thức đăng đàn khi đó.

Bộ trưởng Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân phải chuẩn bị trả lời về các nội dung: hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ, nguyên nhân chưa thu hút được sự tham gia của các doanh nghiệp vào lĩnh vực này; giải pháp để các trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ công lập có thể tự chủ, tự chịu trách nhiệm; nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ 3 khu công nghệ cao.

Với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, đoàn thư ký gợi ý chất vấn về chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi cải tạo cây trồng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo người trồng lúa có lãi trên 30%, khắc phục những bất cập trong chính sách thu mua tạm trữ lúa, gạo…

Nếu được chọn, đây sẽ là kỳ họp thứ 2 liên tiếp Bộ trưởng Cao Đức Phát đăng đàn. Kỳ họp đầu năm 2013, Bộ trưởng NN&PTNT đã được chọn trả lời chất vấn trước QH.

Vụ án oan mới phát hiện tại Bắc Giang gây chấn động dư luận 2 tuần qua chính là một nội dung trong nhóm vấn đề duy nhất Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình. Cụ thể, đó là vấn đề về trách nhiệm và biện pháp khắc phục hậu quả do vụ việc bị xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng đã thi hành án, xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm với các bản án…

Dự kiến, ngoài 4 vị tư lệnh được chọn, trong phiên chất vấn cũng sẽ có nhiều vị bộ trưởng, trưởng ngành thường trực, sẵn sàng “chia lửa” cho các Bộ trưởng, trưởng ngành trên ghế nóng.

Theo chương trình, từ sáng thứ 3 tuần sau (19/11), phiên chất vấn sẽ bắt đầu với việc Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5.

Chiều 21/11, sau khi phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người  cuối cùng đăng đàn, khép lại phiên đối thoại, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp này.
 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm