1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gói kích thích kinh tế thứ hai vẫn phải chờ Quốc hội

(Dân trí) - Chính phủ đã thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai từ 30/10, tuy nhiên chiều 2/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tiến sỹ Đinh Văn Nhã cho biết, gói này sẽ chỉ được triển khai sau khi Quốc hội xem xét, thông qua.

Gói kích thích kinh tế thứ hai vẫn phải chờ Quốc hội - 1
Gói kích thích kinh tế thứ hai tiếp tục hỗ trợ lãi suất 2%.
 
Bên lề kì họp Quốc hội, TS Đinh Văn Nhã đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí VnEconomy.
 
Việc Chính phủ quyết định tiếp tục kéo dài hỗ trợ lãi suất nguồn vốn vay ngắn hạn đến hết quí I/2010 và hỗ trợ các nguồn vốn vay trung hạn, dài hạn đến hết năm 2010 sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế, thưa ông?

Nếu chúng ta tiếp tục hỗ trợ lãi suất sẽ giúp cho các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đã được hưởng hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 có thêm một nguồn lực, một đà mới để phục hồi vững chắc hơn.

Nhưng vẫn có những ý kiến cho rằng, tiếp tục hỗ trợ lãi suất như vậy chính là bao cấp cho doanh nghiệp khi nền kinh tế đã sáng sủa hơn?

Bao cấp cho doanh nghiệp cũng là một ý kiến. Nhưng quan điểm của tôi, trong tình hình khó khăn như thế này, doanh nghiệp là người trực tiếp sản xuất mà nền kinh tế của chúng ta mạnh hay không phụ thuộc vào sự phát triển của sản xuất và hiệu quả của sản xuất nên chúng ta cũng không nên quá lo về sự bao cấp không lớn.

Nếu để doanh nghiệp chúng ta giảm sút về sản xuất, giảm sút về khả năng cạnh tranh, không có điều kiện vươn lên và trở nên yếu kém thì hậu quả còn lớn hơn.

Chính vì thế, tôi nghĩ doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách thì nhà nước cũng nên dành một phần người ta gọi là “bao cấp” đó để hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Gói kích thích kinh tế thứ 2 được đưa ra khi các chỉ tiêu vĩ mô cân đối cho năm 2010 như tăng trưởng GDP, lạm phát đã được Chính phủ và 2 Ủy ban của Quốc hội cân nhắc “hòm hòm”. Vậy dòng tiền từ hỗ trợ lãi suất vừa được Chính phủ quyết định có ảnh hưởng tới chỉ tiêu lạm phát của năm tới không?

Gói kích thích kinh tế thứ hai vẫn phải chờ Quốc hội - 2

Tiến sỹ Đinh Văn Nhã.

Tôi cho rằng, với quan điểm điều hành của Chính phủ về chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, có mục tiêu và với việc tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức 7%, áp lực tạo ra những biến động lớn về lãi suất trong năm 2010, nhất là 6 tháng đầu năm, từ đó ảnh hưởng đến lạm phát là không lớn.

Từ nay đến cuối năm lạm phát chỉ 6%, không đến 7% nên tác động của hỗ trợ lãi suất đến lạm phát 6 tháng đầu năm 2010 chưa lớn lắm. Hơn nữa, chúng ta còn có thể điều chỉnh những chính sách khác như chính sách về thuế nhập khẩu, để không ảnh hưởng nhiều đến việc tăng giá đầu vào của doanh nghiệp...

Thưa ông, các gói hỗ trợ lãi suất trong năm 2010 được Chính phủ thông qua đã có thể coi là quyết định cuối cùng hay vẫn phải chờ Quốc hội quyết định?

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi được biết, sau khi Chính phủ họp đã có chủ trương tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất hay nói cách khác là kích thích kinh tế ở bước 2 và Chính phủ chưa có nghị quyết chính thức.

Tôi nghĩ nội dung này sẽ được Chính phủ báo cáo trong báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội và sau đó sẽ đưa tất cả chủ trương tiếp tục gói kích thích kinh tế 2010 vào trong Nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, mới có đủ cơ sở pháp lí để Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Nói như vậy thì giả sử số đại biểu Quốc hội đồng tình không quá bán thì gói kích thích kinh tế thứ hai sẽ không được thực hiện?(Câu hỏi của VnEconomy)

Tình huống đó theo tôi sẽ không xảy ra, vì qua thảo luận, nhiều đại biểu đã phát biểu muốn Chính phủ nghiên cứu để có gói kích cầu thứ hai, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Thưa ông, đầu kỳ họp này, cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế đều đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Song Chính phủ vẫn quyết định kéo dài đến hết quý 1 năm sau?(Câu hỏi của VnEconomy)

Số lượng đại biểu ở hai ủy ban chỉ chiếm số ít trong tổng số đại biểu, số đông có ý kiến khác. Khi thảo luận, còn rất nhiều ý kiến muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn lưu động, giảm mức hỗ trợ xuống 2% và nên thu hẹp về đối tượng.

Trên thực tế thì gói kích cầu thứ nhất đã có tác động tích cực. Năm 2010 nhiều dự án đầu tư mới được hỗ trợ giai đoạn 1 bây giờ vẫn rất cần vốn lưu động để sản xuất…

Như vậy, cá nhân ông tin chắc vào việc Quốc hội sẽ nhất trí cao với chủ trương của Chính phủ?(Câu hỏi của VnEconomy)

Tôi tin chắc.

Xin cám ơn ông!
 

Cân nhắc thêm về kéo dài hỗ trợ lãi suất ngắn hạn

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS. Trần Du Lịch cho rằng: “Chính phủ rất đúng đắn khi chỉnh quyết định 443 (hỗ trợ lãi suất trung hạn, dài hạn để đầu tư mới) theo hướng tập trung vào những đối tượng chuyển đổi cơ cấu, tái cấu trúc và tiếp tục quyết định 497 (hỗ trợ mua máy móc, thiết bị nông nghiệp) theo hướng sửa thủ tục và đa dạng hóa hình thức để tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Việc kéo dài trợ cấp hỗ trợ xã hội, tiếp tục đầu tư hạ tầng theo gói đã làm mà hiện nay chưa làm được, chưa giải ngân được là đúng.

Riêng việc kéo dài quyết định 131 (hỗ trợ lãi suất ngắn hạn) tôi cho rằng cần xem xét lại. Gói hỗ trợ lãi suất ngắn hạn này giải cứu nhất thời về thanh khoản, không giúp doanh nghiệp tái cấu trúc mà càng kéo dài càng thêm bất công. 131 như liều thuốc và bây giờ uống nữa là giống như quá chén…”

 Cấn Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm