Kinh tế “mới ốm dậy” nên phải tiếp tục kích cầu

Việc Chính phủ thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Một trong những câu hỏi đặt ra là cơ sở nào để Chính phủ quyết định tiếp tục trợ giúp doanh nghiệp?

Kinh tế “mới ốm dậy” nên phải tiếp tục kích cầu - 1
Chính phủ nhận định, tình hình của doanh nghiệp hiện nay có thể xem như một “cơ thể” mới ốm dậy nên cần phải tiếp thêm sức.
 
Được sự ủy quyền của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Hà đã trả lời những băn khoăn trên, khi trao đổi với VnEconomy tại buổi họp báo Chính phủ ngày 30/10.

Ông Hà nói: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra trong hai ngày 29 - 30/10, Chính phủ đã quyết định sẽ triển khai gói chính sách hỗ trợ thứ hai đối với doanh nghiệp.

Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhưng mức độ, thời gian và đối tượng thụ hưởng sẽ được cắt giảm, thu hẹp.

Vậy, cơ sở nào để Chính phủ đưa ra những quyết định trên, bởi trong thời gian qua cũng có một bộ phận ý kiến phản đối việc tiếp tục triển khai kích cầu, thưa ông?

Để đưa ra quyết định trên Chính phủ đã phải dành thời gian gần hai ngày để bàn thảo với nhiều phương án, ý kiến khác nhau.

Việc tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ đưa ra trên cơ sở hai nhân tố quan trọng, đó là hiệu quả của gói kích cầu thứ nhất và đánh giá, tình hình kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ.

Chính phủ nhìn nhận, gói kích cầu thứ nhất đã góp phần thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối thu chi ngân sách Nhà nước, tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế… được đảm bảo; lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất; tốc độ tăng trưởng được duy trì hợp lý và bền vững.

Đặc biệt, trong quá trình triển khai gói kích cầu thứ nhất, những tiêu cực, hạn chế cũng không phải là quá lớn, nên với kinh nghiệm có sẵn, chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục hỗ trợ kích thích kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhận định, dù nền kinh tế đã thoát khỏi khủng hoảng và đang phục hồi với tốc độ khá nhanh nhưng vẫn còn gặp khó khăn. Tăng trưởng trước mắt vẫn chưa bền vững. Tình hình của doanh nghiệp hiện nay có thể xem như một “cơ thể” mới ốm dậy nên cần phải tiếp thêm sức.

Vừa qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến rằng, nếu có gói kích cầu tiếp sẽ tốt hơn vì lãi suất cơ bản của chúng ta vẫn còn khá cao. Vậy, tại sao Chính phủ không chọn hạ lãi suất cơ bản mà lại chọn giải pháp tiếp tục kích cầu?

Đúng là các nước hiện nay đang áp dụng cách thức là hạ lãi suất cơ bản nhưng không phải thích hạ thì có thể hạ ngay, mà phải tùy vào tình hình thị trường ở mỗi giai đoạn nhất định.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này không thể thực hiện được vì điều kiện chúng ta không cho phép.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng khẳng định sẽ chấm dứt các biện pháp hỗ trợ khác về tài chính, đồng thời sẽ quyết định theo lãi suất thị trường, trong thời điểm cụ thể có thể sẽ hạ lãi suất xuống, nhưng không có chuyện bao cấp, bảo hộ.

Nguồn vốn cho gói kích cầu thứ hai sẽ được sử dụng như thế nào, khi mà phần lớn gói thứ nhất vẫn chưa giải ngân hết?

Toàn bộ gói kích cầu năm 2009 (bao gồm cả hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế...) trị giá khoảng 8 tỷ USD, nhưng theo yêu cầu của Quốc hội là loại trừ những khoản chi hàng năm, nên Chính phủ đã tính toán lại và có giảm đi một chút.

Cụ thể, theo thông tin mới nhất, quy mô của gói kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 122 nghìn tỷ đồng, tức là khoảng 6,9 tỷ USD. Ước thực hiện trong năm 2009 khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng, tương ứng với khoảng 5,7 tỷ USD. Số còn lại sẽ được sử dụng trong thời gian tới.

Với gói hỗ trợ ngắn hạn theo quyết định 131, theo tính toán ban đầu, khoản hỗ trợ lãi suất ngắn hạn này, dự kiến sẽ chi 1 tỷ USD, tức là khoảng 18.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ lãi suất ước tính hết năm nay chỉ đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, nghĩa là sẽ còn khoảng 8.000 tỷ để triển khai trong năm tới.

Về thời hạn đối với hỗ trợ lãi suất, Chính phủ quyết định: đối với gói hỗ trợ ngắn hạn chỉ kéo dài thêm 3 tháng đối với các hợp đồng vay vốn mới và giải ngân.

Còn đối với gói trung và dài hạn, hỗ trợ mua máy móc thiết bị của nông dân (theo quyết định 443 và 497), thời điểm hết hiệu lực giải ngân sẽ được kéo dài thêm một năm, tức đến 31/12/2010.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất không chấm dứt ngay mà hạn cuối để các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ lãi suất là 31/12/2011. Với những ưu đãi đó, tôi tin rằng, các khoản hỗ trợ trong năm 2010 sẽ được giải ngân đúng theo kế hoạch.

Vậy, với việc tiếp tục kích cầu, liệu Chính phủ có đảm bảo giữ vững các cân đối vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát, bội chi ngân sách… trong năm tới?

Chính phủ đã quyết tâm, trong năm 2010, dù đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm nay nhưng vẫn phải ổn định kinh tế vĩ mô, không để tái lạm phát. Đặc biệt, Thủ tướng đã cam kết, lạm phát năm 2010 sẽ không quá hai con số.

Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, nếu tiếp tục tung tiền ra mà không làm được gì thì chắc chắn sẽ lạm phát cao. Tuy nhiên, nếu làm tốt thì hiệu quả sẽ rất lớn. Với kinh nghiệm kích cầu trong thời gian qua, Chính phủ tin chắc sẽ đảm bảo các cân đối vĩ mô ở mức hợp lý, đặc biệt là lạm phát sẽ dưới 7%.

Theo Từ Nguyên
VnEconomy