1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Gói 30.000 tỷ đồng đi được… 1/4 chặng đường

(Dân trí) - Báo cáo về việc thực hiện lời hứa gửi đến Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 sẽ bắt đầu vào tuần tới, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng thông tin nhiều con số, kết quả mới về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản…

Cụ thể, về việc chỉ đạo rà soát, phân loại, điều chỉnh cơ cấu các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở, xử lý đất bỏ hoang, kết quả thể hiện, hiện trên cả nước có tổng số 4.015 dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư; tổng mức đầu tư ước tính xấp xỉ 4,5 triệu tỷ đồng. Tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228 ha; tổng diện tích đất xây dựng nhà ở theo quy hoạch là 36.076 ha; tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy hoạch là 2.354 ha. Hà Nội có 82 triệu m2 sàn; TPHCM có 79 triệu m2 sàn.

Qua sàng lọc, Bộ Xây dựng đã xác định cho 3.258 dự án (chiếm tỷ lệ 81%) tiếp tục triển khai. Các dự án cần phải điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp là 455 dự án (chiếm 12%). Trong đó, Hà Nội có 285 dự án cần điều chỉnh, TPHCM có 33 dự án cần điều chỉnh). Có 287 dự án với tổng diện tích đất khoảng 14.819 ha (14,5%) phải tạm dừng triển khai.

Hiện nay còn 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 ha là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo chi tiết.
 

Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, theo đó, được gắn với việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Bộ Xây dựng chỉ đạo cơ cấu lại thị trường, tập trung phát triển nhà ở xã hội để cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp.

Gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng, theo đó, nhằm vào đối tượng người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở đã được xã hội và đông đảo người dân, nhất là người dân nghèo ủng hộ và đánh giá cao. Nhờ đó, sau một thời gian “đóng băng”, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và trong 8 tháng đầu năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực.

Mặt bằng giá cả nhà ở tương đối ổn định, không tiếp tục giảm. Nhiều dự án giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%) thì trong 9 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp. Một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ (1-2%) so với năm 2013.

Tính đến 31/8/2014, tổng số tiền 5 ngân hàng đã cam kết cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng là 7.064 tỷ đồng (23,55%), đã thực hiện giải ngân là 3.074 tỷ đồng (10,25%).

Bộ trưởng Xây dựng cũng thông tin, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như chuyển mạnh sang phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại... Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng dẫn giải, thị trường bất động sản rất rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều loại thị trường khác, vì vậy để tháo gỡ khó khăn cho thị trường cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành Xây dựng mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương; các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thêm nhiều thời gian để đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
 

Về công tác đảm bảo chất lượng công trình, Bộ trưởng Xây dựng cho biết, Trong 6 tháng đầu năm 2014, theo báo cáo của 57 địa phương đã thực hiện thẩm tra 2.513 công trình, trong đó tỷ lệ hồ sơ thiết kế phải sửa đổi, bổ sung chiếm khoảng 43,8% số hồ sơ được thẩm tra, tổng giá trị dự toán trước thẩm tra khoảng 20.791 tỷ đồng, giá trị cắt giảm sau khi thẩm tra là 1.170 tỷ đồng (tương đương 5,63%).

Có 1.765 công trình đã được kiểm tra công tác nghiệm thu; trong đó, có 1.723 công trình (97,6%) được cơ quan chuyên môn về xây dựng chấp nhận đủ điều kiện để nghiệm thu đưa vào sử dụng, 42 công trình (chiếm 2,4%) không được cơ quan chuyên môn về xây dựng đồng ý nghiệm thu đưa vào sử dụng do có vi phạm các quy định về quản lý chất lượng.

Năm 2013, Bộ Xây dựng thực hiện kiểm tra, nghiệm thu 46 công trình trọng điểm; năm 2014 thực hiện kiểm tra, nghiệm thu 52 công trình, tính đến nay đã tổ chức 35 đợt kiểm tra chất lượng hiện trường tại các công trình trọng điểm.

Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình cầu treo, công trình thép dạng tháp trên phạm vi cả nước; kiểm tra, giám định và chỉ đạo xử lý sự cố chất lượng tại một số công trình trọng điểm, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng ( như sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà, sự cố nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, sự cố sập đổ tháp VOV tại Đồng Hới...)

P.Thảo