Góc khuất sau thú chơi tượng linga
Là những phiến đá hình dương vật hiện diện nhiều ở các đền tháp Chăm, linga hiện đang bị các tay buôn cổ vật săn lùng ráo riết phục vụ cho những vị khách hiếm muộn con cái và một số mày râu muốn trở thành “nhà vô địch” trong mắt chị em.
Chính niềm tin thái quá ấy đã gây nên thực trạng “chảy máu” bộ sinh thực khí Linga - Yoni, là cội nguồn nuôi dưỡng những thủ đoạn lừa của phường gian thương lắm mưu mô, mánh lới...
Cơn lốc chưa có điểm dừng
Theo bật mí của nhiều tay chơi, những cái sinh thực khí có chu vi lớn, khối lượng nặng và niên đại lâu đời thì giá cả càng cao. Có người sẵn sàng trả hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để được sở hữu những cái linga càng lớn càng tốt.
“Tục thời linga (biểu trưng của dương vật) và yoni (âm vật) bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn sùng “Thần Mẹ” ở Ấn Độ. Bên cạnh phiến đá hình âm vật của thần Mẹ (coi âm vật đàn bà là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo), bao giờ cũng có biểu tượng của “Thần Nam” là phiến đá hình dương vật, biểu trưng của sự phồn thịnh, con đàn cháu đống”.
Sau lý giải trên, một môn đồ của linga ra vẻ sành điệu: “Mấy cái linga khoảng năm mười chai (5 - 10 triệu đồng) trở lại chỉ là loại tầm thường nhỏ xíu và chỉ nặng có vài ba ký! Chứ những cái linga nặng từ 30kg trở lên, giá cả khác xa với mức giá cứ một triệu đồng một ký mà làm tới”.
Sờ linga cầu tự và niềm tin linga thái quá của nhiều người đã tạo cơ hội cho bọn gian trục lợi.
Theo mách nước của tay chơi, chúng tôi đảo qua phố cổ vật Lê Công Kiều (quận 1) “săn hàng”. Vờ phóng xe rề rề quanh các cửa hàng đồ cổ, khách được nhiều con buôn túa ra mời chào.
Tại quầy cổ vật B.S., chúng tôi thấy phía trong cùng có bày hai bộ linga nhỏ, dài khoảng 20cm, phần đầu của linga tròn nhẵn, bóng lưỡng chứng tỏ đã có nhiều người dùng tay chà vuốt lên cái sinh thực khí bằng đá này.
Xông thẳng vào quầy hàng đánh bài ngửa với bà chủ phốp pháp “Tôi cần mua một bộ linga, vui lòng cho biết giá?” thì bà này nhoẻn miệng cười: “Tiếc quá, hàng người ta đặt trước rồi”.
Tiếp đó bà chủ tuôn một tràng: “Cái này có nguồn gốc ở Quảng Nam vốn được gắn trên nóc các ngôi đền. Qua khảo định các chuyên gia đoán nó khoảng 500 năm tuổi. Giá của nó là 10 chai (10 triệu đồng). Em muốn linga, cứ để số điện thoại lại đây, khi nào có hàng chị gọi”.
Hôm “tiến công” vào khu phố bán đồ cổ Lê Công Kiều, chúng tôi làm quen với một người đàn ông tóc muối tiêu, vóc dáng bệ vệ tên Quốc, giám đốc một công ty may mặc có tiếng ở quận Bình Tân.
Ông này chia sẻ: “Linga được đẽo tạc từ đá, được tôi luyện với nắng mưa qua bao tháng năm, được truyền hơi ấm từ bàn tay, bộ ngực của biết bao đàn ông, phụ nữ và nhất là do ở nơi khí vượng, hấp thụ được mọi linh khí của đất trời nên tiềm tàng biết bao sức mạnh vô hình và sự linh thiêng là điều hiển nhiên. Có nó trong nhà, anh em mình hổng lo bị mấy bà xã chê…”
Coi chừng sụp bẫy
Những đền tháp Chăm ở miền Trung - nơi đang lưu giữ những biểu tượng linga ngàn năm tuổi.
Lân la đến nhiều cửa hàng cổ vật ở phố cổ vật Lê Công Kiều, chúng tôi lấy làm lạ khi thấy không ít cửa hàng, dù có trưng bày bộ phận sinh thực khí bằng đá của đàn ông (linga) và của cả đàn bà (yoni) nhưng khi hỏi giá cả thì các ông bà chủ đều lắc đầu, bảo đó là “hàng có người đặt sẵn và sắp lấy”.
Cái sự lạ gia tăng bội phần khi chúng tôi bất ngờ đáo trở lại cửa hàng cổ vật của bà chị phốp pháp lúc nãy. Thay vào vị trí cái linga mà bà này giao cho chị nọ là nguyên bộ linga - yoni còn vấn vương vết bùn đất, như thể nó mới được đào bới từ lòng đất nên chưa được “tắm rửa” chăng?
Để kiểm chứng sự ngờ vực của mình, chúng tôi nhờ một bạn đồng nghiệp đóng giả vai người đi mua linga. Đón khách, bà chủ phốp pháp lại đon đả tuôn một mạch chuyện giá cả, tuổi thọ của linga, yoni và sau đó kết thúc vấn đề bằng lời nhắn: “Cái này đã có người đặt trước rồi…”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết tường tận nhiều mánh khóe mua bán tinh vi của giới con buôn. Theo một người buôn bán lưu niệm lâu năm tên Bính thì “Bọn họ chỉ nhiệt tình với những người mà họ chắc mẩm là người thực sự có nhu cầu”.
Cũng từ ông Bính, chúng tôi được biết phần lớn linga được rao bán ở khu phố Lê Công Kiều toàn “đồ rởm” mới được đục đẽo chứ không phải trăm năm, ngàn năm như lời người bán rêu rao.
Một tay chơi từng dính đòn linga giả phân tích: Để chiếm niềm tin tuyệt đối của khách, ngay lần gặp mặt đầu tiên, dù khách có nhiệt tình hỏi mua cỡ nào đi nữa thì giới chủ sẽ không bao giờ vồ vập. Họ chỉ xin số điện thoại rồi im lỉm chờ con mồi tự dẫn xác đến thôi…
Chỉ khi khách liên tục alô nhắn hỏi “Có hàng thì báo ngay cho anh (chị) biết nghen” thì tụi nó mới tung bài. Lúc đó chúng sẽ hẹn “hàng đang vào, vài ngày nữa em sẽ alô cho anh chị”...
Theo Thành Dũng
Báo Công an Nhân dân
Báo Công an Nhân dân