1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Gỡ vướng” cho các dự án giao thông trọng điểm

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu phê duyệt ngay nút giao Trung Hòa, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long trên đường vành đai III để sớm khởi công công trình, cương quyết bàn giao nốt mặt bằng cho cầu Nhật Tân trước tháng 9…

19 dự án, công trình trọng điểm của ngành GTVT vừa nhận được chỉ đạo cụ thể của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm của ngành để gỡ những điểm vướng, gút mắc đang làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng các công trình. Trong đó, rất nhiều công trình nằm ở “điểm nút” Hà Nội, TPHCM.

Cụ thể, tại Hà Nội, dự án xây dựng đường vành đai III giai đoạn 2 (Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm), Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương phê duyệt hạng mục nút giao Trung Hòa, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đẩy nhanh các thủ tục còn lại để sớm khởi công thực hiện.

Với dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, UBND Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai cần hoàn thành dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng cho công trình. Bộ GTVT và TCty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) thực hiện các yêu cầu của Hội đồng nghiệm thu nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cho thời điểm hoàn thành toàn tuyến vào cuối 2014.
 
“Gỡ vướng” cho các dự án giao thông trọng điểm
Cầu Nhật Tân đã bị chậm tiến độ bàn giao mặt bằng 1,5 năm, dẫn đến chuyện nhà thầu Nhật Bản yêu cầu trả thêm 200 tỷ đồng cho những chi phí phát sinh vì chậm trễ.

Dự án cầu Nhật Tân cũng “vướng” vì giải phóng mặt bằng, Phó Thủ tướng chốt thời hạn cuối cùng cần có biện pháp hành chính cương quyết để bàn giao cho đơn vị thi công trước tháng 9 năm nay.

Liên quan dự án này, UBND Hà Nội được yêu cầu xác định giá đất tái định cư, xây dựng ngay hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư, giao đất trên quy hoạch để các hộ dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn (nằm trên đường nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài) yên tâm nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng. Chính sách hỗ trợ tạm cư và thưởng tiến độ cũng được yêu cầu thực hiện.

Với dự án xây dựng nhà ga T2 - cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc cần thực hiện hoàn trả đường giao thông nội đồng.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (quốc lộ 3 mới) được thúc đẩy nhanh tiến độ để kịp thông xe toàn tuyến vào 31/12/2013.

Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng nhận yêu cầu rà soát tiến độ từng gói thầu, hạng mục của nhà đầu tư VIDIFI đề hoàn thành dự án, đáp ứng tiến độ thông xe năm 2015.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên – Ngọc Hồi), Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT làm việc với UBND thành phố thống nhất quan điểm về vị trí, phương án kiến trúc cầu sắt vượt sông Hồng, phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng ga Hà Nội.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được nhắc tiến độ một số vị trí cần hoàn thành trước quý III năm nay như hạ tầng kỹ thuật các nhà ga, đường ống nước tránh quốc lộ 6, các trụ cầu và nhà ga Văn Khê trên quốc lộ này. Tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, thành phố cần di chuyển công trình ngầm nổi khu vực depot và đường dẫn để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.

Từ đầu mút TPHCM, dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đôn đốc VEC tập trung năng lực, đẩy nhanh tiến độ để thông xe đoạn từ vành đai II TPCHM – Long Thành vào cuối năm nay; khẩn trương phê duyệt đấu thầu các gói thầu còn lại để đạt mục tiêu thông xe toàn tuyến vào cuối 2014.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT cân đối đủ vốn đối ứng cho dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, nhất là đoạn phía tây cầu Bình Khánh về TPHCM.

Dự án đường sắt đô thị TPHCM tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), cả TPHCM và tỉnh Bình Dương cùng phải nỗ lực hoàn tất giải phóng mặt bằng trước 30/9/2013. Tuyến số 2 (Bến Thành – Tham Lương), chủ đầu tư nhận nhắc nhở hoàn tất thủ tục để sớm khởi công dự án đúng kế hoạch…

Nhắc nhở chung, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường rà soát điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để giảm giá thành công trình; từng bước nâng cao chất lượng các Ban quản lý dự án của ngành theo hướng chuyên nghiệp hóa, áp dụng khoa học quản trị tiên tiến trong quản lý dự án.

Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương có liên quan nghiên cứu xây dựng, phát triển các tuyến vận tải thủy để giảm áp lực giao thông vận tải đường bộ.

UBND các tỉnh, thành phố có liên quan (đặc biệt là Hà Nội và TPHCM) được lưu ý, tập trung hoàn thành công tác GPMB các dự án, không để xảy ra tình trạng cố tình, không chấp hành chính sách, pháp luật của nhà nước, làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án trọng điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng tăng cường công tác nghiệm thu, kiểm tra chất lượng các công trình, dự án, không chỉ ở giai đoạn nghiệm thu bàn giao công trình; nghiên cứu sửa đổi quy định về thiết kế phí cho phù hợp, tránh tình trạng tăng quy mô, chi phí công trình bất hợp lý.
 

Hiện cả nước đang có 30 công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông với tổng kinh phí khoảng 658.000 tỷ đồng, trong đó 19 dự án đường bộ với chiều dài 4.400 km, 6 dự án đường sắt chiều dài 199,93km, hàng không 2 dự án và hàng hải 3 dự án.

Đến nay có 7 dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng, gồm cao tốc TPHCM - Trung Lương, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Láng -Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, tuyến phía Nam Vành đai III Hà Nội, Cảng Hàng không Phú Quốc, Cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải.

P.Thảo