Gỡ vấn đề quốc tịch cho người di cư tự do tại vùng biên giới Việt - Lào
(Dân trí) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 03/2015 quy định điều kiện, trình tự, thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam và đăng ký khai sinh, kết hôn cho người di cư tự do tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với Lào, có hiệu lực từ ngày 16/5.
Theo Thông tư 03, đối tượng áp dụng theo Thông tư số 03 gồm: Người Lào di cư sang các huyện của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào thuộc đối tượng được phép cư trú tại Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thoả thuận được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt; công dân Việt Nam di cư sang các huyện của Lào tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Lào - Việt không thuộc đối tượng được phép cư trú tại Lào theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thoả thuận và do phía Lào trao trả được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Lào phê duyệt, được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam tiếp nhận.
Người Lào thuộc đối tượng trên nếu có nguyện vọng và có đủ các điều kiện sau đây thì được xem xét giải quyết cho nhập quốc tịch Việt Nam: Tự nguyện có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam; tự nguyện tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam; không vi phạm pháp luật hình sự; có cuộc sống ổn định, có nhà cửa tài sản cố định, có đất canh tác tại nơi đang cư trú; không phải là người đang bị truy nã hoặc đang phải thi hành án theo quy định của pháp luật Việt Nam; có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và ghi rõ trong Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Người Lào di cư được phép cư trú có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam thì đến UBND xã/thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn, hỗ trợ lập hồ sơ.
UBND cấp xã thuộc huyện biên giới nơi cư trú của người có yêu cầu khai sinh thực hiện việc đăng ký khai sinh. Hồ sơ đăng ký khai sinh gồm: Tờ khai đăng ký khai sinh (theo mẫu được ban hành kèm theo thông tư này) và Giấy chứng sinh (theo mẫu quy định). Trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản cam đoan về việc sinh.
Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, công chức tư pháp - hộ tịch xem xét, kiểm tra hồ sơ, đối chiếu với danh sách đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới Việt Nam phê duyệt, nếu thấy thông tin đầy đủ và hợp lệ thì ghi nội dung khai sinh vào Sổ đăng ký khai sinh, bản chính Giấy khai sinh, báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã ký và cấp cho người đi khai sinh một bản chính Giấy khai sinh.
Trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định được người cha, thì phần ghi về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với công dân Lào thì mục quốc tịch trong Giấy khai sinh của trẻ em được ghi theo thỏa thuận bằng văn bản của cha, mẹ; nếu cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì ghi quốc tịch Việt Nam.
UBND các cấp thuộc các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn.
Kha Xuân Lộc