1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Gỗ tung đại thụ "khủng" là điểm nhấn tại Buôn Ma Thuột

(Dân trí) - Đó là cây gỗ tung theo tiếng Ê-đê, được xác định lớn nhất ở TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với đường kính gốc hơn 20 người ôm, cao chót vót gần 60 mét… nằm ở cánh rừng đầu nguồn buôn Ky, phường Thành Nhất.

Gỗ tung đại thụ khủng là điểm nhấn tại Buôn Ma Thuột
Ông Bùi Tú Trà - Phó Ban thanh tra Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk bên cây gỗ tung tại buôn Ky, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột).

Già Siu Phi (63 tuổi) cán bộ lão thành cách mạng ở buôn Ky (phường Thành Nhất), nheo cặp mắt đen, sâu hoắm ngoái nhìn về phía cánh rừng trầm ngâm nói: “Trước kia rừng đầu nguồn của buôn rộng khoảng 3 ha với những cây gỗ quý như căm xe, cà te, bằng lăng, tung, sao… quý lắm! Bà con ở đây đã chọn nơi này làm bến nước để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Vì ở đây có mạch nước tốt nên trước kia người Pháp từng có thời gian đến lấy nước uống”. Cố gắng đoán định tuổi tác của cánh rừng quý hiếm này nhưng già Siu Phi không nhớ chính xác đến nay cánh rừng đã bao nhiêu năm tuổi, chỉ biết rằng rừng đã có từ xa xưa trước khi thai nghén buôn Ky của đồng bào Ê-đê.

Ngược dòng thời gian, già Siu Phi cho biết, trước những năm 90 của thế kỷ trước, rừng đầu nguồn ở buôn Ky là một trong những rừng đầu nguồn trù phú bậc nhất ở Buôn Ma Thuột thời bấy giờ. Thời điểm đó, mọi người trong buôn ai cũng tuân thủ luật tục bảo vệ rừng đầu nguồn như là cách bảo vệ bến nước, mạch nước ngầm… để làm nơi lấy nước phục vụ sinh hoạt của cả buôn làng. “Trước kia buôn làng quản lý nghiêm ngặt lắm! Nếu phát hiện ai phá rừng, không kể cây lớn hay cây nhỏ thì bắt phải trồng lại, hoặc là phạt cúng một con trâu khỏe”, già Siu Phi kể.

Bộ gốc đồ sộ ước tính trên 20 thanh niên ôm không xuể.
Bộ gốc đồ sộ ước tính trên 20 thanh niên ôm không xuể.

Ông Ama Juin - một người dân ở buôn Ky, nhớ lại: “Khi xưa các cụ vẫn răn đe nếu vào rừng chặt phá cây sẽ bị thần phạt. Người dân ngày trước không ai dám vào rừng. Tính ra năm nay tôi đã 60 tuổi. Ngay khi còn nhỏ về buôn, tôi đã thấy cây rừng to lớn rồi!”.

Ký ức về rừng đầu nguồn buôn Ky là vậy, nhưng thời gian qua nơi đây đang chịu sự xâm lấn, chặt phá cây cối để làm rẫy… khiến diện tích bị thu hẹp đáng kể, nhiều cây gỗ quý thẳng tắp trước kia giờ đã không tìm thấy trong rừng nguyên sinh đầu nguồn của buôn. Theo quan sát, rừng đầu nguồn buôn Ky hiện giờ còn lại rất ít những cây gỗ lớn. Trong số đó, có một cây gỗ tung có đường kính gốc bề thế, ước lượng trên 20 thanh niên trai tráng đứng vòng tròn nối tay nhau nhau ôm không xuể, chiều cao thân cây khoảng 50 đến 60 mét.

Ngoài gốc cây đồ sộ, thân cây cao lừng lững, người chứng kiến còn phải chóang ngợp trước bộ rễ cứng cáp, mọc kềnh kệch theo hình bạch tuộc, ước tính gần 10 mét, cắm xuống mặt đất. Qua đo đạc ban đầu cho thấy, những bộ rễ này có chiều cao còn vượt quá từ 0,8 đến gần 1 mét so chiều cao trung bình của một người trưởng thành.

Theo ông Bùi Tú Trà - Phó Ban thanh tra Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường tỉnh Đắk Lắk – cây gỗ tung tại buôn Ky được xem là một trong những cây gỗ lớn nhất trong các rừng đầu nguồn nguyên sinh hiếm hoi còn lại tại thành phố Buôn Ma Thuột. “Hiện nay ở thành phố Buôn Ma Thuột, việc còn sót lại rừng nguyên sinh đầu nguồn như ở buôn Ky là rất quý. Cây gỗ tung trong ở buôn Ky là cây gỗ lớn nhất thành phố Buôn Ma Thuột nhưng đáng tiếc rừng ở đây diện tích còn lại quá hạn chế”, ông Bùi Tú Trà nhận định.

Bộ gốc đồ sộ ước tính trên 20 thanh niên ôm không xuể.
Cây tung này được giới chuyên môn xác định hàng trăm năm tuổi, là cây đại thụ lớn nhất tại TP. Buôn Ma Thuột trong các cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn của bà con người đồng bào Ê-đê.

Ông Bùi Tú Trà cho hay, trong thời gian tới, các ban ngành liên quan sẽ sớm có đề nghị đưa cây gỗ tung lớn nhất TP. Buôn Ma Thuột ở buôn Ky vào danh sách cây di sản của tỉnh Đắk Lắk. “Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì trong tương lai số cây gỗ này sẽ không còn, người ta sẽ đốt rác xung quanh khiến các cây gỗ chết dần. Cây gỗ tung to lớn này cũng bị đe dọa từng ngày”, ông Trà cảnh báo.

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, ông Nguyễn Minh Tuấn - phó Chủ tịch UBND phường Thành Nhất, cho biết thời gian qua UBND Thành Nhất đã có biện pháp nghiêm cấm các hành vi chặt phá liên quan đến các cây gỗ ở rừng đầu nguồn ở buôn Ky. “Cây gỗ tung ở buôn Ky có thể lên tới hàng trăm năm tuổi. Hiện UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có chủ trương bố trí kinh phí để khôi phục, tôn tạo bến nước ở khu vực này, bảo vệ các cây rừng xung quanh”, ông Tuấn cho biết.

Viết Hảo