1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Giữa rừng núi đá vôi khổng lồ vẫn “khát” đá xây dựng

(Dân trí) - Nằm giữa những dãy núi đá vôi khổng lồ, nhưng thời gian gần đây ngành xây dựng ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) lại “khát” đá vật liệu xây dựng một cách trầm trọng. Thực trạng này đang khiến nhiều doanh nghiệp trở nên lao đao.

“Khát” đá là do cấp phép quá ngắn?

Thời gian gần đây, các công ty, doanh nghiệp và những người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa luôn kêu ca về việc “khát” đá xây dựng. PV Dân trí đã vào cuộc điều tra và được biết, hiện tại ở huyện Minh Hóa còn có 2 đơn vị khai thác đá là HTX sản xuất vật liệu xây dựng Liên Hương đóng ở xã Hóa Tiến và Công ty TNHH Liễu Hạnh khai thác tại Lèn Hung, xã Yên Hóa. Tuy nhiên, trong năm 2013, cả hai mỏ đá này phải “ngủ yên” vì hết thời gian hoạt động. Điều đó, khiến cho huyện Minh Hóa vồn đã “khát” đá xây dựng, nay lại càng khan hiếm hơn.

Quảng Bình: Giữa rừng núi đá vôi khổng lồ vẫn “khát” đá xây dựng
Không ai giám nghĩ rằng, ở một huyện miền núi bao bọc bởi những dãy núi đá vôi không lồ như Minh Hóa lại "khát" đá xây dựng một cách trầm trọng

Đại diện một doanh nghiệp từng bỏ nhiều tỷ đồng đầu tư khai thác đá xây dựng ở huyện Minh Hóa cho biết: “Để đầu tư, quy hoạch và khai thác một mỏ đá, doanh nghiệp phải bỏ ra một số vốn không hề nhỏ. Vì thế, muốn đầu tư có hiệu quả thì cần phải có thời gian, tuy nhiên cái khó cho việc đầu tư khai thác đá ở Minh Hóa là mới đầu tư được một thời gian ngắn thì đã hết hạn cấp phép hoạt động nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, bởi thế nhiều doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà đầu tư”.

Qua tìm hiểu một số đơn vị khai thác đá, chúng tôi được biết ở huyện Minh Hóa hiện có 8 mỏ đá được quy hoạch. Trong đó có 5 đơn vị đã được cấp giấy phép và đi vào khai thác đá phục vụ cho nhu cầu xây dựng. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị đều làm ăn thua lỗ, thời gian cấp phép quá ngắn, việc đầu tư máy móc, trang thiết bị, thuê công nhân khai thác tốn kém nên có 3 đơn vị đã ngưng hoạt động.

Riêng hai đơn vị đang khai thác cũng hoạt động trong tình trạng “đâm lao nên phải theo lao”. Ông Đinh Xuân Huy, nguyên Giám đốc HTX vật liệu xây dựng Huy Hoàng cho biết, đơn vị nhận một mỏ đá tại huyện Minh Hóa và đi vào khai thác từ năm 2001. Trung bình mỗi năm, HTX khai thác được khoảng 50.000 khối đá, giải quyết việc làm cho 70 đến 80 lao động mùa vụ. Tuy nhiên, ông Huy phải bỏ mỏ đá năm 2012 vì giấy phép khai thác hết thời hạn. Việc xin cấp lại giấy phép, thăm dò cũng đang gặp rất nhiều khó khăn nên HTX đã ngừng khai thác.

Để hiểu hơn vấn đề này, chúng tôi đã đến Công ty TNHH Liễu Hạnh - đơn vị đang khai thác mỏ đá tại Lèn Hung, xã Yên Hóa. Công ty được cấp phép khai thác đá năm 2008. Sau đó, công ty cùng với một người dân trong xã góp vốn với số tiền 1,2 tỷ đồng để mua máy móc, xây kho mìn, bến bãi và đến cuối năm 2009, công ty đã đi vào khai thác.

Hoạt động khai thác đá nhỏ lẻ như 
Hoạt động khai thác đá nhỏ lẻ như Công ty TNHH Liễu Hạnh không thể cung cấp đủ nguồn đá xây dựng cho các doanh nghiệp ở huyện Minh Hóa

Từ khi đi vào hoạt động, mỏ đá công ty đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 đến 30 lao động, bán ra thị trường 15.000 khối đá/năm. Tuy nhiên, do thời gian cấp phép quá ngn (3 năm) nên đến tháng 6/2011, mỏ đá phải ngừng hoạt động khiến hàng chục công nhân phải nghỉ việc, vốn đầu tư thu hồi lại chưa được một nửa.

Sau một thời gian khắc phục, làm thủ tục cấp phép, đến tháng 6/2013, mỏ đá này tiếp tục đi vào hoạt động với giấy phép khai thác có thời hạn 25 năm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đđầu tư nên công ty còn khai thác với quy mô nhỏ lẻ, mang tính thủ công, bởi thế chỉ cung cấp được một phần nhỏ đá xây dựng cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, ông Trương Quốc Toán, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Minh Hóa cho hay: “Mặc dù trong huyện có 8 mỏ đá được quy hoạch, trong đó có 5 mỏ được cấp phép, nhưng do thời gian cấp phép quá ngắn nên các đơn vị chỉ khai thác được một thời gian, lại thiếu đầu tư trang bị nên hiệu quả chưa cao, thậm chí doanh thu một số mỏ bị lỗ rồi ngừng khai thác. Vì vậy đá trên địa bàn rất khan hiếm, các đơn vị xây dựng rất khó khăn vì thiếu đá”.

Ngành xây dựng lao đao

Theo thống kê, trên toàn huyện Minh Hóa hiện có tất cả 47 đơn vị đăng ký hoạt động trên lĩnh vực xây dựng. Ngoài ra còn nhiều đơn vị nơi khác đến Minh Hóa để nhận làm công trình. Nhưng hầu hết họ đều phải về huyện Tuyên Hóa hoặc huyện khác để mua đá.

Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty xây dựng tổng hợp Hoàng Giang phân trần: “Công ty sử dụng mỗi năm hàng ngàn khối đá các loại để phục vụ cho việc xây dựng nhà cửa và các công trình khác. Tuy nhiên, việc mua đá ở đây gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể mua được vì đá quá khan hiếm. Vì vậy, để bảo đảm kịp tiến độ công trình, chúng tôi phải về huyện Tuyên Hóa mua và vận chuyển về với giá “cắt cổ” 250.000 đồng/khối. Trong khi đó, đá ở Minh Hóa chỉ có giá từ 130.000 đồng đến 150.000 đồng/khối”.

Không chỉ đơn vị đăng ký hoạt động trên địa bàn mà những đơn vị từ nơi khác đến cũng chịu cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Phúc, Đội trưởng Đội công trình phụ trách địa bàn huyện Minh Hóa thuộc Công ty xây dựng tổng hợp Quảng Ninh cũng than phiền: “Mỗi lần về Tuyên Hóa để mua đá đều rất vất vả, tốn kém và nguy hiểm nữa. Nhưng vì áp lực hoàn thành công trình đúng tiến độ nên công ty không còn cách lựa chọn nào khác”.

Khan hiếm đá xây dựng nên nhiều doanh nghiệp ở Minh Hóa đang trở nên điêu đứng
Khan hiếm đá xây dựng nên nhiều doanh nghiệp ở Minh Hóa đang trở nên điêu đứng

Theo ông Phúc, Công ty xây dựng tổng hợp Quảng Ninh nhận thầu một số công trình xây dựng trên địa bàn huyện, mỗi năm sử dụng khoảng 50.000 khối đá các loại. Tính trung bình mỗi khối đá mua tại xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa hết 130.000 ngàn đồng, cộng chi phí vận chuyển lên huyện Minh Hóa mất thêm 120.000 đồng. Nếu làm phép tính nhân đơn giản, mỗi năm công ty phải chi phí cho việc vận chuyển đá hết 6 tỷ đồng...

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Hữu Niên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết: “Tài nguyên đá xây dựng trên địa bàn huyện là rất lớn, và trên thực tế, huyện cũng đã rất quan tâm, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp khai thác đá, nhưng có lẽ do năng lực và điều kiện của doanh nghiệp còn hạn chế nên mới xảy ra tình trạng khan hiếm đá xây dựng như thời gian gần đây”. Tuy nhiên, theo điều tra của PV Dân trí, việc cấp phép lại các mỏ đá cũng đang gặp nhiều trở ngại do vấn đề thủ tục, thăm dò tốn kém nên nhiều đơn vị cũng không mấy mặn mà.

Có thể nói rằng, nguồn đá vôi phục vụ cho xây dựng trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa là rất khổng lồ, nhưng lại chưa được khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả. Trong khi đó, các doanh nghiệp xây dựng và người dân có nhu cầu sử dụng đá lại phải đi mua ở nơi xa với giá “cắt cổ”. Thiết nghĩ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành liên quan cần có những chính sách đầu tư kịp thời, hiệu quả để giải quyết những bất cập trên, nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động và tăng ngân sách cho huyện nghèo Minh Hóa.

Đặng Tài - Quy Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm