1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giữ hồn mặt nạ giấy

(Dân trí) - Trên phần cốt được ép bằng giấy báo cũ, ông vẽ mặt cho Thị Nở, vẽ mũ cho ông Tiến sĩ, vẽ mặt con lợn có cái mũi chùn chụt… Hàng nghìn cái mặt nạ, mỗi cái mang một hồn riêng do những thay đổi trong nét vẽ của ông Hòa.

Làm mặt nạ từ đầu những năm 80, khi chiếc mặt nạ giấy còn thịnh hành, là sở thích của bất kỳ trẻ nhỏ nào mỗi khi đi chơi Hàng Mã dịp Trung thu; tới nay ông Hòa đã theo nghề được 30 năm.
 
Chiếc mặt nạ mang khuôn mặt của những con vật, hay nét đặc trưng của những nhân vật trong phim, truyện mà các em nhỏ yêu thích. Trên phần cốt được ép bằng giấy báo cũ, ông vẽ mặt cho Thị Nở, vẽ mũ cho ông Tiến sĩ, vẽ mặt con lợn có cái mũi chùn chụt… Nét vẽ giản đơn nhưng điêu luyện giúp người khác chỉ thoáng nhìn qua đã nhận ra ngay mặt ai, mặt con gì.
 
Hàng nghìn chiếc mặt nạ được vẽ trong mùa Trung thu chẳng cái nào giống cái nào, mỗi cái lại có một hồn riêng do những thay đổi trong nét vẽ của bàn tay ông Hòa, cũng bởi đó là thứ đồ chơi “hand made” 100%. Cái hồn ấy, dĩ nhiên chẳng có máy móc nào bắt chước được.
 
Chiếc mặt nạ chỉ có mặt trước được làm đẹp, mặt sau vẫn còn nguyên những dòng chữ lớn nhỏ trên nền báo cũ, chồng chéo lên nhau cùng mùi hắc của sơn, mùi chua của hồ.
 
Ngày trước, mỗi dịp Trung thu đến, trẻ nhỏ chỉ mong ngóng bố mẹ đi làm về, phía sau chiếc xe đạp kẽo kẹt có một vài chiếc mặt nạ giấy Chí Phèo, Thị Nở… làm quà. Nay, cái thời ấy không còn nữa, niềm vui trẻ thơ đã xa xỉ hơn, một mình ông Hòa “độc quyền” mặt nạ giấy ở phố Hàng Than. Ông vẫn làm nó quanh năm, như muốn níu giữ một chút nghề xưa đã “trót” gắn bó.

Giữ hồn mặt nạ giấy - 1

Đã có một thời cái nghề tay trái này thu hút cả gia đình ông làm quanh năm

Giữ hồn mặt nạ giấy - 2

Mặt nạ Thị Nở

Giữ hồn mặt nạ giấy - 3

Vợ chồng ông Hòa nay đã về hưu, nguồn thu nhập từ làm mặt nạ giấy mỗi năm được khoảng 30 đến 40 triệu đồng

Giữ hồn mặt nạ giấy - 4

Gương mặt chú Tễu của dân gian

Giữ hồn mặt nạ giấy - 5

Con cái ông Hòa đều đã có công việc ổn định, chỉ còn vợ chồng ông làm, vừa để vui, vừa có thêm thu nhập phụ vào lương hưu

Giữ hồn mặt nạ giấy - 6

Mỗi chiếc mặt nạ được đổ buôn là 15 nghìn đồng cho các cửa hàng trên phố Hàng Mã

Giữ hồn mặt nạ giấy - 7

Một chiếc khuôn ép hình. Ông Hòa tự làm lấy mọi công đoạn cho đến khi chiếc mặt nạ hoàn chỉnh

Giữ hồn mặt nạ giấy - 8

Phía sau chiếc mặt nạ

Giữ hồn mặt nạ giấy - 9

Ông dùng sơn các màu để vẽ mặt nạ. Một số hình nay đã không còn nữa như: "con" Tiến sỹ; "con" Quan công; "con" Phăng - Tô - Mát...

Giữ hồn mặt nạ giấy - 10

Căn gác ba chật hẹp là xưởng sản xuất của vợ chồng ông Hòa


Giữ hồn mặt nạ giấy - 11

Nếu trời nắng thì cũng mất một buổi để cho mặt nạ khô sơn

Giữ hồn mặt nạ giấy - 12

Ông Hòa nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, dù làm nhiều nhưng công lại rẻ. Bây giờ làm ít hơn nhưng công cao. Có điều không biết cái nghề này còn tồn tại với ông đến bao giờ.

Hữu Nghị