1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Giữ chân công chức giỏi: một thách thức lớn với Chính phủ VN”

(Dân trí) - Công tác quy hoạch nhân sự còn yếu, gian lận trong tuyển dụng, mức lương chưa thoả đáng, “chảy máu chất xám”, hối lộ… là những tồn tại đáng lo ngại về nguồn nhân lực công vụ đã được đưa ra tại hội thảo về Cải cách hành chính công mới đây tại Hà Nội.

Biên chế không xuất phát từ nhu cầu
 
Phát triển nguồn nhân lực công vụ là một trong 6 nghiên cứu chính sách mới nhất về cải cách hành chính ở Việt Nam do ông Jairo Acuna-Alfaro - cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng của UNDP Việt Nam điều phối và biên tập.
 
Kết quả của nghiên cứu đã được giới thiệu tại hội thảo chương trình cải cách hành chính quốc gia: hiện trạng và khuyến nghị diễn ra ngày 12/3 do Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (Cecodes) và Ban dân chủ và pháp luật (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) thực hiện.
 
“Giữ chân công chức giỏi: một thách thức lớn với Chính phủ VN” - 1
Chỉ tiêu biên chế không lúc nào cũng xuất phát từ nhu cầu
thực tế (ảnh minh họa).
 
Theo báo cáo, hiện không có số liệu thống kê chính xác về số lượng nhân sự của khu vực công. Ước tính con số cán bộ, công chức ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện là 300.000 người, con số viên chức làm việc trong cơ quan sự nghiệp là 1,4 triệu và con số cán bộ công chức cấp xã là 200.000 người.
 
Theo Tiến sỹ Yeowo Poon, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Hùng và Tiến sỹ Đỗ Xuân Trường, tác giả của bản nghiên cứu trên thì, công tác quản lý công vụ ở Việt Nam còn tồn tại những thiếu sót nghiêm trọng đó là: công tác quy hoạch nhân sự còn yếu, vẫn còn các hiện tượng đút lót, hối lộ, gian lận trong tuyển dụng, mức lương chưa thỏa đáng…
 
Hiện nay, quy hoạch nguồn nhân lực dựa trên chỉ tiêu biên chế và chỉ tiêu này lại chủ yếu căn cứ vào đề xuất của từng cơ quan.
 
Những đề xuất về biên chế đó không phải lúc nào cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế, dẫn đến những chi tiêu ngân sách không cần thiết và tình trạng nhân sự lại vừa thừa, vừa thiếu.
 
Trong tuyển dụng và đề bạt, nghiên cứu cho thấy đã có sự thay đổi nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, điểm hạn chế trong công tác tuyển dụng và đề bạt hiện nay là cuộc thi chỉ chủ yếu đảm bảo công bằng, công khai và khách quan.
 
Do nội dung thi tuyển không liên quan tới công việc nên không thể chọn ra những ứng cử viên tốt nhất theo yêu cầu công việc. Ngoài ra, hiện tượng chạy chọt, quen biết trong tuyển dụng vẫn còn phổ biến ở cả cấp trung ương và địa phương.
 
Nội dung thi tuyển cũng có xu hướng khuyến khích các thí sinh học thuộc lòng và nhớ kiến thức một cách máy móc thay vì hiểu và sử dụng kiến thức một cách sáng tạo, từ đó dẫn đến các công chức có xu hướng đạt yêu cầu về mặt lý thuyết nhưng lại thiếu kỹ năng, nghiệp vụ thực tế về công tác hành chính và quản lý.
 
“Chảy máu chất xám” vì lương thấp
 
Đánh giá kết quả thực thi công việc của công chức cũng có nhiều bất cập. Cụ thể hệ thống không có khả năng đánh giá công việc của cán bộ, công chức một cách chặt chẽ để thu được những kết quả có ý nghĩa thực chất về năng lực làm việc của họ.
 
Trên thực tế, đôi khi các tiêu chí này được sử dụng sai mục đích như là cơ chế biểu quyết để lựa chọn ứng cử viên cho các vị trí cần đề bạt.
 
Nền công vụ của Việt Nam ngày càng khó khăn trong việc tuyển dụng được sinh viên có chất lượng cao.
 
Ví dụ, chỉ có 17 trong số 300 sinh viên xuất sắc tốt nghiệp từ các trường đại học tại Hà Nội trong giai đoạn 2003 - 2005 lựa chọn làm việc cho cơ quan nhà nước. Các cơ quan nhà nước cũng phải đối mặt với nạn “chảy máu chất xám” đang ngày càng gia tăng, gây trở ngại cho hoạt động của các cơ quan này.
 
Trong giai đoạn 2003 - 2007, 16.000 công chức đã tự nguyện rời bỏ cơ quan nhà nước, riêng tại TPHCM, con số này là 6.400. Đặc biệt, các cán bộ, quản lý, lãnh đạo thậm chí ở cấp cao là nhóm đối tượng chính rời bỏ cơ quan nhà nước.
 
Một số cơ quan thuộc Chính phủ như Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi nạn “chảy máu chất xám” vì nhu cầu về lao động có trình độ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của khu vực tư nhân ở Việt Nam gần đây đã tăng lên.
 
Theo kết quả điều tra, nguyên nhân chính dẫn đến việc công chức rời bỏ cơ quan nhà nước là mức lương không thoả đáng, thiếu các biện pháp khuyến khích và thiếu cơ hội phát triển.
 
Do kết quả cải cách công vụ còn hạn chế nên việc giữ những công chức có năng lực vẫn là một thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam.
 
Lan Hương