Giọt nước mắt mồ côi

Ngày 1/4/2007, cậu bé Lê Minh Long mới vừa qua 2 tuổi đã phải rời khỏi nhà đến sống tại nhà trẻ dành cho trẻ bị nhiễm HIV/AIDS ở Trung tâm Giáo dục lao động số II Hà Nội. Cả tháng sau, Long vẫn mếu máo ngọng nghịu: “Đi về nà mìn”. Đứa bé non nớt đâu hiểu rằng mình đã trở thành đứa trẻ mồ côi.

Mất cha, mất mẹ

 

HIV/AIDS đã cướp đi gia đình của bé. Mẹ bé là chị Đinh Thị S đã bỏ đi hơn 1 năm nay.  Chị vốn là một thôn nữ ở Phú Thọ, phiêu dạt xuống TP cảng, xin được chân làm tại quán cà phê. Bố Long là anh Lê Anh T - công nhân cơ khí - họ gặp nhau và sống với nhau. Khi có cu Long, gia đình cho họ làm đám cưới. Khi Long ra đời, bác sĩ dặn là mẹ S không được cho con bú, bởi chị bị nhiễm HIV.

 

Bố Long choáng váng khi đi xét nghiệm và biết mình cũng đã nhiễm bệnh. Anh xin nghỉ làm, và từ đó suy sụp, kiệt sức, một năm sau thì mất, khi cu Long vừa đầy tuổi. Chị S nuôi con thêm 1 năm, rồi sau ngày giỗ đầu của chồng, chị bỏ hòn máu của mình lại cho bà nội.

 

Đứa bé mất cha, giờ mất nốt mẹ. Hai bà cháu - một người 74 tuổi, một người 1 tuổi – “chăm” nhau. Cả 3 lần xét nghiệm HIV, cu Long đều dương tính. Cả ngày bé chỉ được quanh quẩn trong nhà, vì bà không dám cho đi chơi xa. Lúc trái nắng trở trời, bà cũng không còn sức quản đứa cháu hiếu động, lanh lợi.

 

Rồi trại trẻ dành cho trẻ HIV/AIDS là bước ngoặt thứ ba trong đời Long. Ngày cô chú Long đưa Long lên trại, bà nội nước mắt lưng tròng. Đứa cháu tội nghiệp hôm ấy được đi chơi xa thích lắm!

 

Bác sĩ Hoàng Bảo Vân - chịu trách nhiệm chăm sóc y tế cho tất cả các trại viên và các cháu bé ở nhà trẻ - đã rất cẩn thận, chọn một mẹ ở nhà trẻ mát tay đón Long, để hy vọng nuôi dạy nó được suôn sẻ. Trong nhà trẻ, bé Long có rất nhiều bạn ngang tuổi, chứ không phải như ở nhà suốt ngày lủi thủi, và rất nhiều đồ chơi. Được một lúc, sực nhớ ra, Long lại mếu máo đòi về.

 

Trở lại trung tâm sau 1 tháng, tôi không còn nhận thấy sự linh lợi của một cậu bé 2 tuổi nữa. Gầy gò, ánh mắt lờ đờ và khuôn mặt rầu rĩ. Khi lũ trẻ chạy tới cửa ra vào, đón các cô chú sinh viên tình nguyện đến dạy học thì Long vẫn đứng tách ra ở phía sau, thẫn thờ.

 

Nhưng khi tôi gọi lại, bế Long lên tay thì bé ôm chặt lấy, không chịu rời. Hỏi cái gì, bé cũng lí nhí: “Bà, bà”. Chị Hằng - một trong những mẹ nuôi - kể lại, Long không chủ động tham gia các trò chơi, thích mẹ nào hơn thì chỉ rón rén đến ngồi cạnh, không dám đòi bế. Cu Long ở giữa những người cùng cảnh ngộ, nhưng dường như không vượt qua được cú sốc này, vẫn một mình bơ vơ...

 

Mẹ ơi, mẹ ở đâu?

 

Hơn 30 đứa trẻ nhiễm HIV đang được chăm sóc tại Trung tâm Giáo dục xã hội số 2 này, Long là thành viên mới nhất. Cháu Nguyễn Thị Thuỷ - 11 tuổi - là chị cả của nhà trẻ, cũng đã ở đây gần 3 năm. Quê ở Hải Dương, Thuỷ còn một em trai, nhưng cả hai đều không biết mặt bố. Hai mẹ con Thuỷ lên Hà Nội, trọ ở Nghĩa Tân và mẹ bán hàng thuê cho một quầy hoa quả.

 

Khi phát bệnh, tay mẹ Thủy lở loét, đầu óc lúc tỉnh lúc lẫn, hai mẹ con dắt nhau đi ăn xin. Rồi mẹ Thuỷ mất và người bác đưa Thuỷ lên trung tâm này. Thuỷ vẫn nói với mẹ Hằng: “Ở nhà trẻ với các mẹ và các em con chẳng thiếu thứ gì, nhưng vẫn thích ở với mẹ hơn”.

 

Giờ đây, Thuỷ cũng hiểu được HIV là gì, rằng em đã lây bệnh từ mẹ. Mẹ mất rồi, em cũng đã được cho đi làm con nuôi. Thuỷ bảo: “Cháu vẫn nhớ mặt mẹ. Ra mộ là cháu nhận ra ngay”. May mắn là Thuỷ vẫn rất lạc quan: “Bác sĩ bảo là năm 2010 sẽ có thuốc chữa khỏi bệnh. Nhưng dù lúc đó không có thuốc thì cháu cũng không giận mẹ đâu, vì có mẹ thì mới có cháu”.

 

Ở trung tâm, các cháu được ăn uống, thuốc thang điều trị đầy đủ. Nhưng trong những tâm hồn non nớt này vẫn khao khát được chở che của vòng tay gia đình. Cho dù trong những người thân của các cháu, không ít người đã vô tình mà quay đi trước những giọt nước mắt nức nở trẻ thơ.

 

Theo Quang Duy

Lao Động