1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Ngãi:

Giếng Vua hàng trăm năm tuổi đang bị “bức tử”?

(Dân trí) - Hơn 21.000 người dân trên huyện đảo Lý Sơn sống nhờ nguồn nước ngọt từ giếng Vua. Nhưng việc xây kè đang uy hiếp đến mạch nước ngọt và đưa giếng Vua nằm ngoài đoạn kè ven biển.

Tọa lạc tại thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, cách mép nước biển khoảng 5m, giếng Vua như “phao cứu sinh” cứu hàng ngàn người dân trên đảo thoát qua những đợt nắng hạn kéo dài suốt hàng trăm năm năm nay.
 
Giếng Vua hàng trăm năm tuổi đang bị “bức tử”?

Giếng Vua cổ hàng trăm năm tuổi

 

Truyền thuyết của người dân trên đảo kể rằng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, ông chạy dạt ra Lý Sơn. Lúc này Lý Sơn đang bị nắng hạn, lương thảo và nguồn nước ngọt của quân sĩ đã cạn kiệt. Vua Gia Long liền cho quân sĩ đào giếng khắp đảo, nhưng không có nước. Trong giấc mộng, ông mơ thấy có người mách cho nơi đào giếng. Ông sai người đào đến đúng vị trí đó; quả nhiên vừa đào xuống chừng vài mét đã có nước ngọt. Trước khi rời khỏi đảo, Nguyễn Ánh đã yêu cầu người dân phải giữ lại giếng này để dùng cho mai sau.

 

Cũng có tương truyền rằng, trong chuyến vi hành dọc các hòn đảo miền Trung, vua Gia Long đã đến đảo Lý Sơn vào thời điểm người dân trên đảo đang gặp hạn hán. Sau đó, ông lập đàn tế trời cầu mưa. Trong giấc ngủ, ông nằm mộng thấy địa điểm đào giếng nước ngọt. Ngay sáng hôm sau, vua Gia Long cho người đào giếng và tìm thấy nguồn nước ngọt. Từ đó, nhân dân trên đảo vượt qua hạn hán. Để nhớ ơn Vua, người dân đặt tên cho giếng là “Giếng Vua” hay còn gọi là “Giếng Gia Long”.

 

Ngoài ra, cũng có giả thuyết khác. Người Chăm Pa vốn rất giỏi về thuật phong thuỷ nên việc tìm địa điểm đào giếng nước ngọt giữa bốn bề biển cả, cũng như việc chọn loại đá và xây hệ thống tường bao bọc nhằm chống lại sự xâm nhập mặn, là một khả năng bí ẩn của đồng bào Chăm Pa.

 

Dù truyền thuyết như thế nào, nhưng người dân Lý Sơn coi giếng Vua như “báu vật gia truyền” đã cứu người dân đất đảo rộng 9,97 km2 vượt qua thời tiết khắc nghiệt.

 

Trong thời gian gần đầy, việc xây dựng đoạn kè chắn sóng Đông Nam chạy ngang qua khu vực giếng Vua cách miệng giếng khoảng 5m, “đẩy” giếng Vua nằm chính giữa kè chắn sóng và con sóng hung tợn mỗi khi mùa mưa bão ập về. Điều quan ngại hơn, việc xây dựng kè chắn sóng sẽ vô tình phá vỡ mạch nước ngầm ngọt lịm của giếng Vua, nguy cơ “khai tử” báu vật đất đảo trước mùa mưa bão năm nay.
 
Giếng Vua hàng trăm năm tuổi đang bị “bức tử”?
Thi công bờ kè cách giếng Vua chỉ chừng 5m

 

Hàng ngày, vượt hơn 3km để lấy hơn 30 lít nước từ giếng Vua về sinh hoạt trên chiếc xe đạp cà tàng, ông Đặng Thanh Toàn (50 tuổi, ngụ Khu dân cư số 8, thôn Tây, xã An Vĩnh) chua xót: “Các giếng nước khác trên đảo đều bị nhiễm mặn nên chỉ dùng để giặt đồ, tưới cây chứ không dám nấu ăn. Mỗi ngày, gia đình tôi sống nhờ giếng Vua ở đây, nếu không có giếng Vua thì nguy cơ đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, thiếu nguồn nước ngọt rất trầm trọng. Nếu chính quyền xây dựng kè chắn sóng bên ngoài giếng Vua thì có thể giữ lại được nguồn nước ngọt quý giá này”.

 

Quan sát tại hiện trường, PV Dân trí nhận thấy bề rộng kè đã đào rộng khoảng 10m, độ sâu đào, bới khoảng 5m, cát bụi bay tung tóe, một phần đất, cát hướng biển Đông rơi vải xuống sát thành giếng Vua. Xưa nay, tại khu vực giếng Vua luôn có không khí trong lành, thế nhưng, con đường chạy ngang qua giếng Vua cách khoảng 5m đã làm nguy hại đến môi trường, tất nhiên lượng bụi từ đất, cát sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ngọt trong, sạch dưới giếng Vua.

 

Hiện nay, huyện Lý Sơn đã xây dựng nhiều đoạn kè chắn sóng dọc ven biển các xã An Vĩnh và An Hải. Theo thói quen sinh hoạt, hầu hết người dân thường xả rác thải ra biển, lượng rác thải dập dờn ven các đoạn kè chắn sóng. Bên cạnh đó, nước biển đang dần xâm thực đất đảo Lý Sơn, từ năm 1970 đến nay, nước biển xâm thực hơn 500 ha diện tích đất trên đảo. Như vậy, nếu đoạn kè chắn sóng nằm bên trong giếng Vua thì nguy cơ xóa sổ giếng Vua là điều có thể.
 
Giếng Vua hàng trăm năm tuổi đang bị “bức tử”?
Bao năm nay, hàng vạn người dân đảo Lý Sơn vẫn giữ thói quen ăn uống bằng nước giếng Vua

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - cho biết: “Lúc đầu huyện chưa nắm thiết kế đoạn kè bên trong hay bên ngoài, khi chủ đầu tư là Tỉnh đội Quảng Ngãi mở con đường nằm bên trong giếng Vua, chúng tôi đã kiểm tra và đề nghị chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế đưa đoạn kè chắn sóng nằm ngoài giếng Vua, một phần để giữ đất, phần chủ yếu là bảo vệ giếng Vua trước nạn xâm thực và tránh sự uy hiếp từ những đợt sóng hung dữ”.

 

Hiện UBND huyện Lý Sơn đã kiến nghị chủ đầu tư dừng thi công, kiểm tra thiết kế cụ thể, nếu xây dựng kè chắn sóng bên trong giếng Vua thì buộc thay đổi thiết kế kè chắn sóng nằm ngoài giếng Vua.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Hiện nay trên đảo Lý Sơn có 5 giếng cổ, nhưng đặc biệt nhất là giếng Vua bởi giếng mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và cứu khát cho người dân trên đảo. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thành hồ sơ, trình các cấp xét công nhận giếng Vua là di sản văn hóa, để lưu truyền và bảo vệ giếng Vua. Nếu vì một lý do gì khác mà xâm hại hoặc đoe dọa di tích giếng Vua, chúng tôi không chấp nhận điều đó”.

 

Trường hợp giếng Vua bị “khai tử” do hàng trăm mét xây dựng kè chắn sóng, thì quá trình hình thành và các truyền thuyết hàng trăm năm về trước về giếng Vua sẽ bị “đạp đổ”. Hơn tất cả là hàng chục nghìn người dân trên đảo đang canh cánh nỗi lo mỗi mùa nắng hạn kéo dài.

 

Hồng Long