1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giếng cổ Chămpa và nguồn nước thanh ngọt lạ kỳ

(Dân trí) - Du khách đến với xã đảo Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam, không mấy người biết bên cạnh vách núi Bàn Than có hai giếng nước cổ xuất hiện từ thời Chămpa. Chính nguồn nước này đã làm nên vị ngon lạ lùng của rượu gạo Bàn Than.

Hằng ngày trên con đường qua thôn Thuận An luôn hiện diện hình bóng của các cô, các chị từ khắp các thôn trong xã Tam Hải đèo sau xe những can, thùng đi chở nước. Từ gần 5 năm nay, hầu như hộ gia đình nào trên xã Tam Hải cũng đến hai giếng nước người Hời (người Chăm) để lấy nước về nấu cơm, đun nước uống thay cho nước giếng, nước máy ở nhà.

 
Giếng cổ Chămpa và nguồn nước thanh ngọt lạ kỳ - 1

Cả xã Tam Hải đều dùng nước giếng này để ăn uống.

“Bọn tui hay đến đây lấy nước về nấu cơm, nấu nước uống vì các giếng ở xã Tam Hải đều có vị lợ, mùi phèn, nhưng riêng hai giếng cổ của người Hời thì nước ngọt và trong cực kỳ”, chị Trịnh Thị Bốn (42 tuổi) cười tươi chia sẻ.

 

Dù tồn tại lâu đời nhưng đến nay lịch sử hình thành và nguồn gốc, hay như cái tên của hai giếng cổ này vẫn là một ẩn tích. Vì thế người dân nơi đây vẫn chỉ gọi là giếng nước người Hời ở thôn Thuận An để phân biệt với các giếng khác. Cụ Trần Thị Cừ - một trong những người già nhất làng - kể rằng giếng đã có từ hơn bốn trăm năm trước, trước cả khi người dân xã Tam Hải về đây khai làng lập ấp, làng Thuận An còn chưa được đặt tên. Qua thế hệ người xưa ở làng truyền miệng lại, trước đây bên cạnh hai giếng có lưu bút tích là hai tấm bia đá cẩm thạch, có khắc chữ nhưng không một ai trong làng có thể dịch hay hiểu ý nghĩa viết trên đó. Và qua thời gian hai tấm bia đã bị mất, đến nay không còn bất cứ tài liệu nào về hai giếng cổ này ngoài lời của người dân làng Thuận An: “Giếng này trước đây là của người Hời”.

 

Giếng sâu khoảng 12m, đường kính trên miệng là 2m. Giếng có mạch nước ngầm rỉ ra từ chân núi Bàn Than nên suốt bốn mùa nước giếng luôn xanh trong, đặc biệt có vị rất ngọt. Mùa hè nước cạn hơn những mùa khác. Chỉ cần thả dây gàu xuống là chiếc gàu tự lăn vào vách đá theo nguồn nước. Trước kia chỉ có mỗi nhân dân làng Thuận An dùng nước từ hai giếng này, nhưng từ khoảng năm 2007 tới nay, cả xã Tam Hải đều tìm đến nguồn nước “đặc biệt” này bởi nó không có mùi lẫn vị khó uống đặc trưng của mảnh đất bốn bề là biển.

 

Trưởng thôn Trần Đình Nam cho biết: “Theo hương ước, văn hóa làng thì hai giếng này chỉ được dùng để nấu ăn, nước uống chứ tuyệt đối không được tắm giặt”. Phong tục này được người già trong làng dạy lại cho lớp trẻ ý thức “gìn giữ nguồn nước thiêng không được quấy đục”.

 

Bà Lê Thị Hồng (62 tuổi) được ban nhân dân thôn ủy quyền quản lý hai giếng nước, cho biết: “Người dân thường đến giếng bên Nờm lấy nước vì giếng gần và đường dễ đi lại”. Trước đây bà Hồng làm nghề gánh nước thuê từ hai giếng này cho những hộ gia đình trong thôn, mỗi gánh nước bà được trả 2 nghìn đồng. Sau này có nội quy: người dân trong thôn được sử dụng nước miễn phí, những hộ dân ở thôn khác cứ lấy mỗi can 30 lít thì nộp vào quỹ thôn 1.000đ.
 
Giếng cổ Chămpa và nguồn nước thanh ngọt lạ kỳ - 2
Bà Hồng bên một giếng cổ. Phía ngoài là bảng nội quy về việc lấy và sử dụng nước giếng

 

“Chúng tôi khoán công cho chị Hồng, sau mỗi tháng chị trích đưa thôn 1 triệu đồng, số tiền đó chúng tôi lưu quỹ để sửa sang lại đoạn đường vào hai giếng cho bà con dễ đi lại, chứ hai giếng nằm gần vách núi nên nước rỉ chảy ngập đường khiến đi lại rất khó khăn”, ông Nam cho hay.

 

Hằng năm người dân thôn Thuận An cũng đều đến quét dọn, phát quang cây cối để giữ gìn cho giếng được sạch sẽ.
 
Theo lời kể của một số bậc cao niên trong làng, vào khoảng năm 1964 khi quân Mỹ đến chiếm đóng tại làng thấy nguồn nước từ hai giếng rất ngọt nên đã đào thêm giếng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nhưng lạ một điều, tất cả những giếng mà lính Mỹ đào đều không tìm được nguồn nước ngọt, thanh như hai giếng kia. Đến năm 1970, Sư đoàn 2 thuộc Quân đội Sài Gòn tiếp tục đào một giếng khác cách giếng bên Nờm khoảng 1km nhưng cũng không tìm được mạch nước như mong muốn. Sau giải phóng, giếng này được bộ đội pháo binh (đơn vị C10) dùng trong lúc đóng quân tại làng. Đến nay, giếng được các hộ gia đình gần đó sử dụng, trên giếng vẫn còn khắc năm “khai sinh” và “người sáng lập”.
 
Giếng cổ Chămpa và nguồn nước thanh ngọt lạ kỳ - 3
Giếng do Sư đoàn 2 (Quân đội Sài Gòn) đào cũng không có mạch nước như mong muốn.

  

Thu Hiền