1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Giật mình" con số cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội và TPHCM

Thế Kha

(Dân trí) - Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng chỉ ra con số giật mình: Cải tạo các chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so với tổng số nhà chung cư cũ tại Hà Nội và 1% tại TPHCM.

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo tổng kết thi hành pháp luật liên quan đến dự án Luật Quản lý phát triển đô thị gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Theo báo cáo, đến hết tháng 9, cả nước có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt (Hà Nội, TPHCM), 22 đô thị loại I, 36 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 94 đô thị loại IV, 703 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 42,6% (năm 2015 là 35,7%).

Chất lượng sống tại đô thị từng bước được nâng cao. Diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt 23,2m2/người và ở đô thị đạt 24,5m2/người và bình quân tại nông thôn đạt 22,5m2/người.

Giật mình con số cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội và TPHCM - 1

Toàn bộ đơn nguyên 1 khu nhà A Khu tập thể Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) đã xuống cấp nghiêm trọng, thuộc nhóm nguy hiểm cấp D (Ảnh: Mạnh Quân).

Cải tạo chung cư: Ì ạch

Cải tạo chung cư cũ là một vấn đề quan trọng trong quá trình chỉnh trang, tái thiết đô thị tại các thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Xây dựng chỉ ra con số giật mình: Cải tạo các chung cư cũ chỉ hoàn thành 1,14% so với tổng số nhà chung cư cũ tại Hà Nội và 1% tại TPHCM.

Tại Hà Nội, năm 2020 thống kê có 1.579 chung cư cũ, hầu hết được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1992.

"20 năm qua, mới hoàn thành cải tạo khoảng 1,14% trong tổng số hơn 1.500 chung cư cũ, khu tập thể cũ được sửa chữa, cải tạo, làm mới. Diện tích căn hộ cũ phần lớn từ 30-50 m2/căn; cá biệt tại Khu tập thể Văn Chương (quận Đống Đa), khoảng 70% số căn hộ có diện tích nhỏ hơn 30 m2", Bộ Xây dựng thông tin.

Hầu hết trong số đó đã tự cơi nới, sửa chữa để "sống tạm", khá nguy hiểm và ảnh hưởng xấu tới mỹ quan đô thị. Theo thời gian, do không được duy tu bảo trì thường xuyên, hệ thống hạ tầng đô thị hư hại, dẫn đến nhiều chung cư cũ xuống cấp nghiêm trọng; một số hư hại nặng, nguy hiểm về kết cấu công trình.

"Việc chậm triển khai thực hiện cải tạo chỉnh trang đô thị đẩy nhanh sự xuống cấp của hạ tầng đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân về việc ứng phó trước các tác động do biến đổi khí hậu, triều cường, ngập lụt đô thị; không đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư đô thị khi xẩy ra các sự cố như cháy, nổ, nhiễm độc, dịch bệnh; làm biến mất các đặc trưng văn hóa đô thị gắn với các khu vực định cư đặc trưng; không cải thiện cảnh quan kiến trúc đô thị và làm suy giảm năng lực cạnh tranh của đô thị", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu.

Trong số 401 chung cư cũ được kiểm định có 80 chung cư cũ nguy hiểm mức độ D (cấp độ nguy hiểm nhất) nhưng Hà Nội cũng chỉ mới triển khai được 32 dự án cải tạo chung cư cũ với 18 dự án hoàn thành.

Ở TPHCM, theo thống kê của Bộ Xây dựng, từ khi chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của Thành ủy TPHCM đưa ra từ năm 2016 đến năm 2020 mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới trong số 237 chung cư theo kế hoạch đề ra.

Ngoài ra, có 3 chung cư đang thi công dang dở có quy mô khoảng 260.000m2 sàn với hơn 2.000 căn hộ.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khắp nơi

Bộ Xây dựng phản ánh, hầu hết các đô thị vẫn chưa có hệ thống thoát nước riêng, nước mưa và nước thải chảy chung một hệ thống. Tỷ lệ xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn trước khi xả ra môi trường đạt khoảng 17%. Một số ít đô thị khá cao như TP Lào Cai đạt 40%, thị xã Sapa đạt 50%, TP Đông Hà (Quảng Trị) đạt 40,9%, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) khoảng 33,3%.

Còn lại hầu hết các đô thị nước thải chưa được xử lý do chưa được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý.

"Hiện nay, nước mặt ở các sông, hồ, kênh, mương nội thành, nội thị hầu hết đã bị ô nhiễm do tiếp nhận chất thải từ các hoạt động phát triển đô thị, khả năng tự làm sạch thấp, nhiều hồ đã trở thành nơi chứa nước thải của các khu vực xung quanh", Bộ Xây dựng nêu thực trạng.

Tại nhiều đô thị, hồ đã trở thành nơi chứa nước thải, nước không có sự lưu thông. Ô nhiễm nước hồ xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn (loại đặc biệt, loại I) mà tại các đô thị nhỏ hơn (cấp II, cấp III).

Giật mình con số cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội và TPHCM - 2

Sông Tô Lịch, Hà Nội nhiều năm nay luôn trong tình trạng "nước đen", bốc mùi hôi thối ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân Thủ đô (Ảnh: Nguyễn Hải).

Mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện thông qua các dự án cải tạo nhưng Bộ Xây dựng khẳng định ô nhiễm nước mặt tại các khu vực này vẫn đang là vấn đề nổi cộm tại hầu hết các đô thị. Tình trạng lấn chiếm lòng sông, kênh mương xảy ra khắp nơi khiến diện tích mặt nước thu hẹp, cản trở dòng chảy.

Tại hai đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, mức độ ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng xảy ra nhiều năm và chưa có nhiều cải thiện, điển hình là một số sông, kênh như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét (Hà Nội) và kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Ba Bò, kênh Tham Lương (TPHCM).

Ở các đô thị cấp độ nhỏ hơn, chất lượng nước sông, kênh mương nội thành cũng bị suy giảm với hàm lượng các chất dinh dưỡng, chất hữu cơ vượt Quy chuẩn Việt Nam. Cục bộ tại một số sông, mức độ ô nhiễm đã ở mức khá nghiêm trọng như sông Phú Lộc (Đà Nẵng), sông Bắc Hưng Hải (Hải Dương), sông Nhà Lê (TP Thanh Hóa), kênh Bến Đình (TP Vũng Tàu)...

Nhiều tuyến kênh, đoạn sông sau cải tạo, mức độ ô nhiễm đã giảm, song thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm có xu hướng tăng trở lại. Tại một số khu vực vẫn xảy ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài, điển hình như sông Bắc Hưng Hải; sông Nhuệ - Đáy, nhất là khu vực giáp ranh giữa Hà Nội và tỉnh Hà Nam và các đoạn sông chảy qua nội thành Hà Nội; sông Châu Giang (khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam); lưu vực sông Đồng Nai…