1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giao thừa "tạm" của những người lao động xa quê

(Dân trí) – Sau lễ khấn vọng ông bà tổ tiên trong thời khắc giao thừa ở nơi đất khách, ông Thế bê mâm cỗ xuống mời những người cùng khu trọ đến chung vui. Quanh mâm cỗ đạm bạc, những câu chuyện tết quê được hâm nóng khiến lòng người nao nao.

Nhiều năm rời xứ Thanh vào Đồng Nai mưu sinh để nuôi một lúc 3 con đi học Đại học, vợ chồng ông Trần Văn Thế (53 tuổi) chưa một lần được về quê. Mỗi độ tết đến xuân về, nỗi nhớ quê hương lại cồn cào trong tâm thức của họ nhưng khó khăn về mặt kinh tế như sợi xích vô hình quấn lấy chân, lâu dần họ cũng quen với cảnh đón Tết nơi xa xứ.

Ông Thế thành kính khấn vái tổ tiên trước bàn thờ tạm
Ông Thế thành kính khấn vái tổ tiên trước bàn thờ tạm

Không đào, không mai cũng chẳng đèn hoa trang trí, căn phòng trọ rộng chừng 10m2 có lẽ sẽ chẳng khác gì so với ngày thường nếu chiếc bàn dùng làm chỗ để nồi xoong, chén bát hàng ngày không đột nhiên trở thành... bàn thờ ông bà. Cũng bánh chưng, thịt cá, trái cây… và những nén nhang thơm cùng lời khấn nguyện thành kính đối với ông bà tổ tiên nhưng ông Thế vẫn thở dài “sao vẫn thấy nó thiếu thiếu”.

Cái thiếu ấy, có lẽ cũng là chuyện dễ hiểu đối với những con người đã phân nửa cuộc đời gắn bó với vùng thôn quê mộc mạc. “Tết quê vui lắm, mới 27 hoặc 28 tết anh em họ hàng, làng xóm đã í ới rủ nhau đi đánh động (chung nhau - PV) thịt lợn. Thời tiết miền Bắc về cuối năm rét căm căm nhưng nhà nào cũng thả vó, xuống ao bắt những con cá to nhất cho ngày tết. Đến khi gói bánh chưng thì vài nhà hùn lại gói, nấu chung rồi chia nhau. Những ngày chuẩn bị cho Tết cũng là lúc anh em tụ họp nhau nên chuyện say bí tỉ trước giao thừa xảy ra như cơm bữa” - ông Thế chép miệng đưa mắt nhìn xa xăm.

Ông chưa dứt lời thì ông Lê Viết Công cũng vồn vã khoe chiến tích:. “Có những năm tôi đi chúc tết, đến nhà nào cũng uống, say tới mức không còn nhớ đâu là đường về nhà mình. Giờ ngồi đây trong cảnh xa quê, xa gia đình mới thấy thèm cái cảm giác được say trong niềm vui lâng lâng khó tả của những ngày đầu xuân năm mới ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình.”

Phút giao thừa đầm ấm của những người lao động xa quê
Phút giao thừa đầm ấm của những người lao động xa quê

Những câu chuyện tết quê cứ nối dài, mỗi người trong mâm cỗ đều có hoàn cảnh riêng, chẳng ai giống ai nhưng đều có cùng một mục đích - xa quê hương để bươn chải kiếm sống mong cho con cái thoát khỏi cảnh chân lấm tay bùn.
 
Bà Đào Thị Hoa, vợ ông Thế tâm sự: “Từ khi 3 con thi đậu Đại học, vài sào ruộng chẳng thể lo nổi tiền ăn, tiền học cho chúng. Bất đắc dĩ vợ chồng tôi mới phải ra đi. Biết là đời mình khổ nên phải cố gắng để sắp nhỏ có điều kiện được ăn học thành người.”

Nhiều năm qua gia đình bà cứ đến tết, con cái đều tụ họp lại một nơi để ăn tết cùng cha mẹ. Dù không về quê nhưng họ cũng thấy bớt quạnh quẽ. “Mỗi lần về quê tính ra tốn kém lắm, tiền xe đi xe về rồi còn sắm sửa đủ thứ nữa. Nhưng lâu không về gặp mặt bà con họ hàng chòm xóm thì nhớ. Năm nay chúng tôi cũng muốn về nhưng ngặt nỗi lương thưởng eo hẹp nên buộc phải tiếp tục ở lại.”

Cái tết của người lao động thường rất bình dị
Cái tết của người lao động thường rất bình dị

Nói về tết phương Nam bà chia sẻ: “Mỗi vùng miền có một nét văn hóa riêng nên ngày tết cũng có những điểm khác. Như tôi là nội trợ, nếu ở quê thì đã mua sắm đủ thứ nhưng trong này thì ngày tết cũng gần như ngày thường vậy. Thời tiết oi bức, có muốn mua nhiều đồ ăn mà không có tủ lạnh thì để cũng chẳng được nên ăn ngày nào thì đi chợ ngày ấy. Ngày tết ăn uống cũng chẳng bao nhiêu, cái chính là tìm niềm vui để xua đi những mệt nhọc, lấy sức khỏe để bắt đầu một công việc trong năm mới.”

Cái tết của người lao động thường rất bình dị
Khi hơi men đã chuếnh choáng, ông Viết Công cao hứng đọc bài thơ mới sáng tác để diễn tả nỗi nhớ gia đình.

Vân Sơn