1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Giao thừa rưng rưng của vợ những người “thức cho dân chơi, gác cho dân ngủ”

(Dân trí) - Vợ lính, nghĩa là số lần đón giao thừa có chồng bên cạnh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Là vợ lính, đêm giao thừa ít khi có niềm vui trọn vẹn mà thay vào đó là buồn, là tủi, thương con và lo lắng cho an toàn của chồng đang “thức cho dân chơi, gác cho dân ngủ”.

Từ hồi lấy nhau đến giờ đã 6 năm nhưng chị Linh (Tp Vinh, Nghệ An) mới chỉ được đón giao thừa cùng chồng vỏn vẹn 2 lần. Chồng chị Linh công tác ở một đơn vị thuộc Công an tỉnh Nghệ An. Đến Tết, không phải trực chiến ở cơ quan thì anh Khánh cũng được tăng cường về các phường, xã thuộc thành phố Vinh để cùng công an phường, dân quân tự vệ tại chỗ tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự trong đêm giao thừa và các ngày Tết.

Lực lượng công an Nghệ An đảm bảo an ninh trật tự tại Tp Vinh trong đêm giao thừa (ảnh Trọng Đại).
Lực lượng công an Nghệ An đảm bảo an ninh trật tự tại Tp Vinh trong đêm giao thừa (ảnh Trọng Đại).

“Năm nay anh ấy trực từ đêm giao thừa đến mùng 9. Quen với việc đêm giao thừa không có chồng bên cạnh nhưng cũng không tránh khỏi hụt hẫng, buồn tủi. Năm đầu tiên chồng đi trực, hồi đó chưa có con nên thấy trống trải và tủi thân đến phát khóc. Giờ có hai nhóc rồi, giao thừa vắng chồng cũng buồn nhưng dù sao có con bên cạnh thì cũng nguôi nguôi một chút. Nhiều khi thấy vợ chồng con cái người ta cùng nhau đi đón giao thừa, xem pháo hoa, đi hái lộc mà chạnh lòng, thương các con lắm nhưng biết làm sao được, mình là vợ lính phải xác định tư tưởng trước rồi”, chị Linh tâm sự.

Đêm giao thừa, chị Linh cùng mẹ chồng dọn dẹp lại nhà cửa, sửa soạn mâm cỗ thắp hương. Nhiều khi không dám nghĩ đến chồng vì nghĩ lại thấy thương chồng, thương mình.

Chị Miên (Hưng Nguyên, Nghệ An) nhớ lại giao thừa lần đầu tiên về nhà chồng cách đây 3 năm. Chồng chị Miên cũng công tác ở Công an tỉnh Nghệ An. Năm đó chồng chị Miên trực, bố chồng cũng trực Tết nên thành ra ở nhà chỉ có mấy mẹ con phụ nữ với nhau. Tết vắng đàn ông nên cũng không phải bày vẽ, sửa soạn gì nhiều. Đêm giao thừa không có chồng bên cạnh, thấy mẹ chồng đang ngồi bó gối xem ti vi tự nhiên thấy tủi thân rồi òa lên khóc.

Chồng trực Tết, chị Linh đón giao thừa cùng hai con.
Chồng trực Tết, chị Linh đón giao thừa cùng hai con.

“Giao thừa, chồng tranh thủ gọi điện về chúc Tết và cho biết đang đi tuần. Lần đó chồng được tăng cường xuống địa bàn khá phức tạp nên từ 10h đêm đến 3h sáng gần như phải rảo ngoài đường, vừa đói, vừa lạnh. Nghĩ mà thương chồng, mình dẫu sao cũng được yên ấm trong nhà”, chị Miên kể.

Năm nay chồng chị Miên cũng phải trực Tết từ 28 đến mùng 3. Vắng chồng nhưng nhà có thêm thiên thần nhỏ nên cũng vui hơn. Dẫu quen với cảnh lễ Tết chồng trực nhưng chị Miên cũng không khỏi chạnh lòng. “Tết chỉ ước vợ chồng con cái cùng nhau đón giao thừa nhưng vợ công an mà, phải chấp nhận thôi. Giao thừa chỉ mong chồng luôn vững vàng, khỏe mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, chị Miên tự động viên mình.

Giao thừa vắng chồng nhưng những người vợ lính cũng được an ủi phần nào khi khoảng cách được rút ngắn lại bằng những chiếc điện thoại. Cách đây cả chục năm trời, khi điện thoại di động chưa phổ biến như bây giờ thì giao thừa của vợ lính càng trống trải hơn.

Làm vợ lính nghĩa là phải trải qua những cái Tết vắng chồng.
Làm vợ lính nghĩa là phải trải qua những cái Tết vắng chồng.

“34 năm công tác trong ngành công an, thời gian ông ấy về ăn Tết chỉ chưa đến 10 lần, có lần 3-4 năm mới được về đón giao thừa với vợ con một lần, điện thoại không có, đêm giao thừa chỉ có mấy mẹ con đón Tết với thiếu thốn, buồn tủi. Năm ngoái ông ấy nghỉ hưu, hai năm nay đón giao thừa ở nhà thì hai thằng con trai lại trực Tết ở đơn vị thành ra hiếm hoi lắm cả gia đình mới được đón Tết với nhau”, bà Cao Thị Hiên (Trung Thành, Yên Thành, Nghệ An) tâm sự.

Làm vợ lính nghĩa là phải trải qua những cái Tết vắng chồng. Tết của vợ lính là những chông chênh buồn tủi khi không có người đàn ông của mình bên cạnh trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Là vợ lính, đêm giao thừa niềm vui sẽ không trọn vẹn mà vẫn canh canh nỗi lo khi chồng vẫn đang đôi mưa, đội rét tuần tra các ngã đường để người dân có cái Tết bình yên trọn vẹn…

Hoàng Lam

Giao thừa rưng rưng của vợ những người “thức cho dân chơi, gác cho dân ngủ” - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm