Giao thông Đà Lạt sau khi mất "danh hiệu" thành phố không đèn đỏ
(Dân trí) - Lượng phương tiện ở Đà Lạt ngày càng đông nên cơ quan chức năng phải nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Đặc biệt, thành phố mất "danh hiệu" không đèn đỏ khiến nhiều người dân, du khách tiếc nuối.
Cuối năm 2021, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng chính thức lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông (đèn xanh, đèn đỏ) tại 7 nút giao ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Tổng chi phí đầu tư cho hệ thống này lúc đó khoảng 140 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Gia, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng, cho biết trước khi lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông, tỉnh Lâm Đồng đã tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia, người dân.
Thời điểm đó, nhiều người nêu quan điểm ủng hộ xây dựng đèn tín hiệu giao thông, song cũng có không ít người phản đối vì sợ Đà Lạt mất đi "danh hiệu" thành phố không đèn đỏ.
Đầu năm 2022, hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 7 giao lộ trung tâm thành phố Đà Lạt chính thức đi vào hoạt động.
"Trên mỗi trụ đèn tín hiệu giao thông, cơ quan chức năng thiết kế những cánh hoa mai cách điệu bao quanh bóng đèn để tạo điểm nhấn, phù hợp với cảnh quan, không gian Đà Lạt", ông Nguyễn Văn Gia chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Lâm Đồng, trước khi lắp đặt đèn xanh, đèn đỏ, 7 giao lộ trung tâm thành phố Đà Lạt có các vòng xuyến để đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.
Cơ sở hạ tầng này chỉ đáp ứng cho việc di chuyển của người dân những ngày thường. Đối với dịp lễ, Tết, ngày cuối tuần, do lưu lượng phương tiện đổ về Đà Lạt đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc.
"Việc lắp đèn xanh đèn đỏ để phù hợp với tình hình thực tế. Hiện nay có đèn tín hiệu nên giao thông thuận tiện, an toàn hơn", ông Gia nói.
Ông Lê Văn Vỹ, trú phường 2, thành phố Đà Lạt, cho biết người dân và du khách thường ví von Đà Lạt là thành phố "3 không": không xích lô, không đèn đỏ, không máy lạnh. Suốt thời gian dài, những "danh hiệu" này trở thành nét đặc trưng của thành phố, ăn sâu vào tiềm thức, văn hóa người Đà Lạt.
"Hiện nay, thành phố mất "danh hiệu" không đèn đỏ, nhiều người dân và du khách vẫn tiếc nuối. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông phải thay đổi để phù hợp với lưu lượng người và phương tiện ngày càng đông. Bây giờ ra đường có đường phố rộng rãi, việc đi lại thuận tiện hơn", ông Vỹ nói.
Thiếu tá Nguyễn Huỳnh Quốc Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an thành phố Đà Lạt, cho biết khi đưa hệ thống đèn tín hiệu giao thông vào hoạt động, việc di chuyển trên các tuyến phố đi vào nề nếp, thuận tiện và an toàn hơn. Vấn đề tắc nghẽn giao thông tại các giao lộ trước đây cơ bản đã được giải quyết.
"Trước đây, khi thành phố chưa có đèn tín hiệu giao thông, chúng tôi phải bố trí lực lượng đến các nút giao để làm nhiệm vụ điều tiết phương tiện nên rất vất vả. Bây giờ, các nút giao có đèn nên va chạm giao thông, ùn tắc ít xảy ra, đặc biệt là vào các ngày lễ, Tết", Thiếu tá Trung chia sẻ.
7 đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt tại các nút giao của thành phố Đà Lạt gồm: Giao lộ Kim Cúc (Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 4, Hồ Tùng Mậu, Khởi Nghĩa Bắc Sơn, đường xuống quảng trường Lâm Viên);
Nút giao Trần Phú, Bà Triệu, Đào Duy Từ;
Ngã 5 Đinh Tiên Hoàng, Trần Nhân Tông, Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Công Trứ, Bùi Thị Xuân;
Nút giao Hùng Vương, Trần Quý Cáp;
Nút giao Hải Thượng, 3 Tháng 2;
Nút giao Hoàng Văn Thụ, 3 Tháng 2;
Nút giao Phan Chu Trinh, Lữ Gia, Nguyễn Đình Chiểu.
Theo Thiếu tá Nguyễn Huỳnh Quốc Trung, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ lắp đặt thêm 7 đèn tín hiệu giao thông trong thành phố.
Báo Dân trí ra mắt chatbot AI hỗ trợ hỏi đáp về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các mức phạt khi vi phạm luật trong các tình huống giao thông thường gặp. Bạn có thể trải nghiệm ở ô bên dưới. Xin lưu ý thông tin chỉ mang tính tham khảo.