Gia Lai:

Giao rừng trên giấy, hàng nghìn hecta rừng "không cánh mà bay"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Từ nhiều năm trước, việc giao và nhận quản lý rừng ở tỉnh Gia Lai còn khá lỏng lẻo, chưa đúng với hiện trạng khiến cho hàng nghìn hecta rừng "không cánh mà bay".

Ngày 10/11, Thanh tra tỉnh Gia Lai thông tin kết luận phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thanh tra công tác quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất lâm nghiệp; quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ (BQL Đức Cơ) giai đoạn 2011 - 2018.

Giao rừng trên giấy, hàng nghìn hecta rừng không cánh mà bay - 1

Giai đoạn 2011 - 2018, hơn 9.000 ha rừng bị mất tại khu vực giao cho BQL Đức Cơ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Cụ thể, BQL Đức Cơ được giao quản lý, bảo vệ gần 15 nghìn ha rừng tại huyện Đức Cơ, Gia Lai. Trong diện tích này, có hơn 13 nghìn ha đất có rừng. Thế nhưng, từ 2011 đến 2018, có hơn 9 nghìn ha đất có rừng tại đây bị mất. 

Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định việc để mất diện tích đất có rừng lớn nêu trên liên quan trách nhiệm quản lý, bảo vệ của nhiều đời lãnh đạo, Trưởng ban, Phó BQL Đức Cơ và nhân viên bảo vệ rừng.

Giao rừng trên giấy, hàng nghìn hecta rừng không cánh mà bay - 2

Nhiều diện tích rừng trên bản đồ chưa đúng với thực tế, hiện trạng. Việc này là một phần là do bàn giao rừng trên giấy (Ảnh: Phạm Hoàng).

Nói về kết luận của Thanh tra tỉnh, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó trưởng Ban quản lý RPH Đức Cơ - cho biết: "Ngay khi Thanh tra về làm việc và đưa ra những con số 9 nghìn ha rừng bị mất, tôi đã trình bày quan điểm chưa đồng ý. Theo tôi, nói đúng là giảm qua các năm chứ không phải mất"

Theo ông Đồng, trong hơn 9 nghìn ha rừng bị mất theo kết luận của Thanh tra, có khoảng 3 nghìn ha đã bóc tách ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng. Nhiều diện tích rừng được chuyển đổi để thực hiện xây dựng các trụ sở, công trình. Đồng thời, việc bàn giao cũng chỉ trên giấy nên khi nhận bàn giao thì diện tích và hiện trạng rừng vẫn chưa trùng khớp.

Giao rừng trên giấy, hàng nghìn hecta rừng không cánh mà bay - 3

Những cánh rừng tự nhiên đã biến thành rẫy điều. Tuy nhiên, việc mất rừng từ bao giờ và ai làm mất thì rất khó xác định (Ảnh: Phạm Hoàng).

Trong diễn biến liên quan, Thanh tra tỉnh Gia Lai chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra hồ sơ vụ mất hơn 9 nghìn ha rừng thuộc BQL Đức Cơ.

Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại BQL Đức Cơ.

Trước khi có quyết định khởi tố vụ án, Công an, Viện kiểm sát cùng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đức Cơ nhiều lần lập đoàn đi thực địa kiểm tra, đánh giá diện tích rừng bị mất. Tuy nhiên, việc xác định diện tích rừng bị mất của từng giai đoạn là khó khăn.

Điển hình, tại các tiểu khu 680 và 675 thuộc BQL Đức Cơ, Thanh tra kết luận có gần 10ha rừng "không cánh mà bay". Hiện trạng trên bản đồ lâm nghiệp được xác định là rừng sản xuất. Tuy nhiên thực tế tại đây có hàng nghìn cây điều xanh tốt, có độ tuổi khoảng vài chục năm.

Theo ông Lý Việt Nam - Trưởng BQL Đức Cơ, việc để mất cánh rừng này, không ai xác định được thời gian và số lượng cây rừng thực tế như thế nào. Chỉ biết hiện trạng rừng đã mất được thay thế bằng rẫy điều như trên. Hiện cơ quan công an đang điều tra vụ việc.

"Theo quan điểm của tôi, việc xác định về rừng hỗn giao còn nhiều tranh cãi, khi hiện trạng có thể là cây cỏ, tranh nứa, sau mỗi mùa nắng có thể bị cháy, làm thay đổi hiện trạng đất rừng. Chính vì vậy, nhiều năm qua, đơn vị đã thực hiện kiểm đếm thực tế, tránh việc bàn giao trên giấy", ông Nam nói.

Giao rừng trên giấy, hàng nghìn hecta rừng không cánh mà bay - 4

Gần 10ha rừng đã biến thành rẫy điều trong hàng chục năm qua (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai - cho hay tình trạng giao rừng trên giấy chỉ xảy ra ở các giai đoạn trước.

Trong các giai đoạn từ  2011 đến 2018, các ban quản lý rừng, chủ rừng chỉ căn cứ vào các kết quả đo đạc để làm căn cứ bàn giao. Lãnh đạo giữa các thời kỳ bàn giao rừng còn lỏng lẻo, chưa cụ thể, chưa có văn bản khi tiếp nhận, bàn giao.

Từ đó, xảy ra việc nhiều diện tích rừng bị mất nhưng không xác định được thời gian, người chịu trách nhiệm.

Trước những bất cập nêu trên, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tiến rà soát, kiểm kê lại 3 loại rừng. Sở này cũng đã tham mưu để UBND tỉnh ban hành Nghị Quyết số 45 và Quyết định 527, về việc kiểm đếm diện tích đất rừng căn cứ thực địa, chấm tình trạng giao rừng trên giấy.