1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giáo dục thế hệ trẻ cách bảo vệ di sản thế giới

Ngày 21/6, Công ty Panasonic VN phối hợp cùng với Văn phòng UNESCO Hà Nội tổ chức chương trình Giáo dục môi trường toàn cầu - Di sản thế giới UNESCO tại Khu Di sản Thế giới Mỹ Sơn (Quảng Nam) cho các em học sinh THCS trên địa bàn thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên.

Chương trình được tổ chức nhằm hỗ trợ hai địa phương trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo tồn khu di sản quý giá với Giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận trong danh sách Di sản Thế giới từ năm 1999.
 
Giáo dục thế hệ trẻ cách bảo vệ di sản thế giới

 

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chiến lược mới giữa Panasonic và UNESCO nhằm tăng cường hơn nữa cam kết đóng góp cho sự nghiệp giáo dục di sản và môi trường cho thế hệ trẻ; diễn ra vào Tuần lễ Văn hóa và Phát  triển UNESCO 2013 và Lễ hội “Quảng Nam – Hành trình di sản 2013”. Qua chương trình,  các em học sinh được học tập và hiểu sâu hơn về công tác bảo tồn của UNESCO.

 

Được biết, chương trình “Giáo dục môi trường toàn cầu – Di sản thế giới UNESCO” được thực hiện tại VN lần đầu tiên vào năm 2012 do VN là trọng điểm bảo tồn giá trị thiên nhiên và văn hóa. Chương trình năm nay được thực hiện với sự tham dự của khoảng 150 học sinh và giáo viên từ các trường trên địa bàn thành phố Hội An, huyện Duy Xuyên và Thủ đô Hà Nội, cùng với các đại diện của tỉnh Quảng Nam, cơ quan quản lý di sản, phòng giáo dục thuộc thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên.
 
Trong khuôn khổ chương trình, các em học sinh được tham quan Nhà trưng bày Mỹ Sơn và Thánh địa Mỹ Sơn để khám phá phong cách kiến trúc độc đáo đa dạng của những ngôi đền tháp được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13; những nét văn hóa của Vương quốc Chăm Pa cổ, cũng như những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn liên tục qua nhiều thế kỷ. Các em học sinh cũng tham gia một lớp học tương tác về Di sản thế giới UNESCO và được hướng dẫn tham gia Cuộc thi Nhật ký Xanh - một phần của chương trình Panasonic Giáo dục môi trường toàn cầu, được tổ chức trên tòan thế giới nhằm khuyến khích các em học sinh kể lại những trải nghiệm của bản thân thông qua nhật ký và tranh, từ đó rèn luyện khả năng sáng tạo và khơi gợi trí tưởng tượng phong phú của các em.
 
Giáo dục thế hệ trẻ cách bảo vệ di sản thế giới

 

Ông Naoki Sugiura, Giám đốc Kế hoạch công ty Panasonic VN cho biết: “Thực hiện cam kết của tập đoàn Panasonic về bảo vệ môi trường và đóng góp cho sự phát triển của thế hệ trẻ, Panasonic VN luôn nỗ lực hết mình trong việc hỗ trợ các địa phương bảo tồn những giá trị lịch sử và văn hóa nhằm làm phong phú hơn cuộc sống của mọi người. Nhiều hoạt động xã hội do Panasonic VN tổ chức đã đạt được những kết quả khả quan và ngày càng mở rộng. Thông qua quan hệ hợp tác với UNESCO, chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp hơn nữa cho cộng đồng trên khắp đất nước VN”.

 

Song song với chương trình Giáo dục môi trường trên, Panasonic còn thực hiện chương trình đào tạo truyền thông đặc biệt dành cho cán bộ ban quản lý Khu di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn. Chương trình sử dụng các thiết bị của Panasonic để đào tạo cho các học viên tình nguyện về lĩnh vực nhiếp ảnh và kỹ năng dựng phim nhằm quảng bá các hoạt động của chương trình Tình nguyện viên Di sản Thế giới. Chương trình thu thập tư liệu nhằm bảo tồn Di sản thế giới và chứng minh tầm quan trọng của việc gìn giữ những tư liệu trực quan cho thế hệ tương lai.
 
Giáo dục thế hệ trẻ cách bảo vệ di sản thế giới

 

Chương trình Giáo dục môi trường tòan cầu – Di sản thế giới UNESCO được Panasonic phối hợp cùng UNESCO tổ chức từ tháng 6.2011 nhằm nâng cao nhận thức bảo tồn di sản thế giới khỏi tác động của môi trường. Năm 2012, chương trình đã được tổ chức tại khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội với hơn 400 học sinh thuộc các trường trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội tham dự. Trên phạm vi toàn cầu, riêng năm 2012, có khoảng 4.000 học sinh từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự cuộc thi này. Năm 2013, chương trình được tổ chức tại 8 quốc gia trong đó có VN, Campuchia và Trung Quốc.

 

P.V