Giảng viên mê dù lượn, có 800 giờ "lơ lửng" trên bầu trời
(Dân trí) - Đến nay, anh Mỹ đã có 5 năm gắn bó với môn thể thao mạo hiểm - bay dù lượn.
Sáng cuối tuần, sau bữa sáng với gia đình nhỏ, anh Đặng Văn Mỹ nhanh chóng chuẩn bị trang phục, đồ dùng rồi lái xe di chuyển tới khu vực Đồi Bù (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Đây là địa điểm quen thuộc của anh vài năm nay, nhất là thời điểm từ tháng 10 - tháng 12.
"Đây là thời điểm khu vực Đồi Bù có điều kiện gió, thời tiết và cảnh quan lý tưởng cho việc bay dù lượn. Hàng tuần, tôi đều di chuyển khoảng 35km để từ trung tâm thành phố lên đây bay dù, huấn luyện cho học viên hoặc đưa một vài du khách bay trải nghiệm", anh Mỹ cho hay.
Đến nay, anh Đặng Văn Mỹ (1985) - giảng viên Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã có 5 năm gắn bó với môn thể thao mạo hiểm bay dù lượn. Anh là huấn luyện viên, phi công dù lượn có hơn 800 giờ bay và là một trong số ít phi công Việt Nam đạt chứng chỉ P5 do Hiệp hội Dù và Diều lượn Nhật Bản (JHF) cấp.
Cơ duyên bất ngờ với dù lượn
Sau khi tốt nghiệp đại học và trải qua thời gian tu nghiệp tại Nga, anh Mỹ trở thành giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội. Là một người đam mê du lịch, thích khám phá, trải nghiệm, cứ dịp cuối tuần anh Mỹ lại gác lại công việc, lái xe đi phượt khắp nơi.
"Suốt những năm 2012 - 2016, tôi liên tục đi phượt qua nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Một lần, nhóm bạn phượt của tôi có nói chuyện về dù lượn và rủ nhau đi học thử môn thể thao này. Lúc ấy tôi không biết gì về dù lượn cả nhưng thấy tò mò nên đăng kí học theo bạn bè. Khi ấy giá khóa học cũng khá rẻ, chỉ khoảng 6 triệu đồng, bằng một nửa hiện tại. Chúng tôi không cần chuẩn bị dụng cụ, đồ đạc gì mà huấn luyện viên đã chuẩn bị sẵn rồi", anh Mỹ chia sẻ.
Mùa hè năm 2016, anh Mỹ tham gia lớp huấn luyện dù lượn cơ bản. Mỗi học viên cần trải qua ít nhất 50 giờ huấn luyện dưới mặt đất thì mới có thể thực hiện chuyến bay đơn (tự bay một mình) đầu tiên của mình.
"Khởi điểm, tôi học các kỹ năng, thao tác điều khiển vòm dù ở dưới mặt đất. Khi thành thục, cảm nhận được sự chuyển động của vòm dù, tôi mới có thể lên bầu trời", anh Mỹ chia sẻ. Anh tham gia khóa học trong khoảng 2 tháng. Càng học, giảng viên trẻ càng thấy thích thú, đam mê môn thể thao mạo hiểm này. Sau khi học ⅔ khóa, anh quyết định mua một bộ dù cũ để sau này tiện tập luyện. Bộ dù cũ có giá khoảng 30 triệu đồng, tương đương với 3 tháng lương của anh lúc đó.
Sau khi kết thúc khóa học, anh Mỹ lên Mù Cang Chải bay dù lượn vào mùa lúa chín rồi cùng huấn luyện viên sang Malaysia tham gia một cuộc thi về dù lượn. "Chứng kiến kĩ năng điêu luyện, chuyên nghiệp của những phi công nước ngoài, tôi rất ngưỡng mộ. Lúc đó, tôi bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ sẽ theo đuổi dù lượn chuyên nghiệp", anh Mỹ chia sẻ.
Trở về Việt Nam, anh dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu về môn dù lượn. Khi đó, tài liệu về dù lượn ở Việt Nam rất hiếm, anh mày mò đọc, dịch tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga, ghi chép và biên tập. Anh Mỹ trực tiếp liên lạc các tác giả để xin chia sẻ những tài liệu đã dịch sang tiếng Việt tới cộng đồng mê dù lượn tại Việt Nam.
Cuối tuần, anh Mỹ gác lại mọi công việc hay những thú vui khác để dành thời gian luyện tập bay dù. Mùa đông anh thường bay tại khu vực Đồi Bù (Hà Nội) nhưng mùa hè thì phải di chuyển 150 km để tới Hoành Bồ (Quảng Ninh) mới có thể bay. "May mắn, bà xã tôi cũng là một phi công bay dù lượn nên cũng rất ủng hộ tôi theo con đường chuyên nghiệp và luôn sẵn sàng đồng hành cùng tôi", anh Mỹ chia sẻ.
Thời gian đầu khi mới tốt nghiệp, để có thể tự rèn luyện kĩ năng và tích lũy kinh nghiệm, anh Mỹ kiên trì tận dụng thời gian để thực hiện các chuyến bay. Anh bay từ sáng sớm, ngay khi có thể cất cánh đến tối muộn, khi sắp không thể nhìn thấy đường bay nữa mới ngưng nghỉ. Anh tìm đến những người đi trước có kinh nghiệm để học hỏi. Anh nhớ lại, trong khoảng 30 chuyến bay đầu đời, anh gặp không ít sự cố.
Một lần, do kiểm tra không cẩn thận, khi vừa cất cánh, dù phụ của anh Mỹ đã bị bung ra. Khi cả dù chính và dù phụ đều bung cùng lúc, lại bị gió mạnh đẩy ngược, anh mắc vào ngọn cây, phải gọi cứu hộ từ phía người dân địa phương. Đó là sự cố "hú hồn" với anh Mỹ. Nhiều lần khác, khi gặp gió quá mạnh, anh bị thổi "lùi" ra sau núi, phải hạ cánh khẩn cấp. Anh Mỹ sẽ phải tự thu và vác túi dù hàng chục kg di chuyển để tiếp cận vị trí có thể cất cánh tiếp, hoặc trở về vị trí cất cánh ban đầu.
800 giờ bay lượn trên bầu trời
Năm 2017, sau chuyến tham gia thi đấu và trải nghiệm dù lượn tại Malaysia, anh Mỹ ấp ủ dự định có một cộng đồng dù lượn chuyên nghiệp tại Việt Nam. Anh Mỹ chủ động liên lạc, mời các huấn luyện viên quốc tế có đủ điều kiện cấp bằng dù lượn về Việt Nam mở khóa huấn luyện. Anh Mỹ tự lên kế hoạch tập luyện nghiêm túc, bài bản và dự kiến tham gia các khóa huấn luyện nâng cao tại nước ngoài.
Đến năm 2018, một vị Huấn luyện viên dù lượn thuộc Hiệp hội Dù và Diều lượn Nhật Bản (JHF) đã sang Việt Nam huấn luyện, đào tạo. Anh Mỹ ngay lập tức đăng kí tham gia theo học. Trong 2 năm 2018 và 2019, anh liên tiếp đạt các chứng chỉ từ P1 đến P5 của Hiệp hội Dù và Diều lượn Nhật Bản - đây được coi là hệ thống chấm thi khắt khe bậc nhất châu Á. Thời điểm đó, anh Mỹ là người đầu tiên tại Việt Nam đạt được chứng chỉ P5 do JHF cấp (Cấp độ cao nhất theo tiêu chuẩn quốc tế IPPI của Hiệp hội dù lượn quốc tế).
Khi đạt được các chứng chỉ quốc tế về dù lượn, anh Mỹ bắt đầu tham gia huấn luyện một số học viên, truyền đạt kiến thức, chia sẻ kĩ năng mình tích lũy được cho những người chung niềm đam mê.
Anh Mỹ chia sẻ, để tham gia bộ môn dù lượn, ngoài trang bị đầy đủ một bộ dù có giá từ 40 triệu đến hàng trăm triệu đồng, người tham gia còn phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và phải có đam mê. Môn thể thao này đòi hỏi tư duy logic, sự bình tĩnh, một chút năng khiếu.
Trước mỗi chuyến bay, anh Mỹ luôn phải kiểm tra cẩn thận thiết bị, tình trạng dù và bật ứng dụng ghi lại số giờ bay của phi công. Anh hướng dẫn rất kỹ học viên thao tác này, bởi chỉ cần một dị vật bám vào hay dây dù bị rối đều có thể gây nguy hiểm. "Dù là học viên mới hay phi công dày dặn kinh nghiệm thì vẫn phải tuyệt đối cẩn trọng để đảm bảo an toàn", anh Mỹ chia sẻ.
Anh Mỹ cho biết, bộ môn dù lượn đang ngày càng phát triển tại Việt Nam. "Hai năm trở lại đây, tại Việt Nam đã có các Hội dù lượn có pháp nhân dưới sự quản lý của Nhà nước, nên hoạt động thể thao này được mở rộng và ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Chúng tôi được tham gia các giải thi đấu quốc tế ngay tại Việt Nam. Khi bay dù, chúng tôi cũng đăng ký báo bay với cơ quan chức năng, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Nhà nước", anh Mỹ cho hay.
Hai năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, anh Mỹ và những người bạn đam mê dù lượn phải hoãn không ít kế hoạch bay dù ở các địa điểm nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế. Nhưng không vì thế mà giảng viên này ngừng tập luyện, trau dồi kĩ năng bay dù.