Thanh Hóa:
Gian nan đời phu đá
(Dân trí) - Đời phu đá với bao hiểm nguy rình rập. Ngay cả khi phải đánh cược cả mạng sống của mình, họ vẫn chấp nhận cam chịu để mưu sinh.
Trước đây khi huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) chưa chuyển một số xã về thành phố, dọc các tuyến đường xã Đông Hưng, thị trấn Nhồi, Đông Vinh... nghề đá là nghề ăn nên làm ra của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện. Nó không chỉ giải quyết việc làm cho mốt số lượng lớn lao động trong huyện mà còn mang lại nguồn thu nhập lớn cho địa phương. Nhiều ông chủ giàu lên từ đá, nhưng những người lao động thì đánh cược cả mạng sống của mình để mưu sinh vì miếng cơm, manh áo, bất chấp rủi ro để theo nghề.
Một ngày làm việc của đội phu đá bắt đầu với lỉnh kỉnh những búa tạ, xà beng, máy khoan, đủ thứ đồ nghề... cõng ngược lên lưng chừng núi mà chẳng có thứ đồ bảo hộ nào. Đàn ông chỉ cần cái mũ cối, phụ nữ thì cái nón che đầu, cái khăn bịt mặt, thế là đủ cho họ đương đầu với một công việc gian nan, nguy hiểm.
Sau tiếng nổ mìn chát chúa, bụi bay mù mịt, những phu đá này bắt đầu bốc những khối đá to cả chục tấn đưa lên các xe tải, xe cẩu cỡ lớn vận chuyển về các bãi tập kết ở xưởng chế biến. Những khối đá nhỏ hơn thì được cho vào xưởng nghiền đá gần đấy. Tiết trời đầu đông lạnh se sắt thế nhưng dường như không ngăn nổi những giọt mồ hôi vẫn nhễ nhại trên khuôn mặt lấm tấm bụi của những người lao động trên núi đá.
Trải lòng với cuộc mưu sinh bằng cái nghề này, một phu đá tên Nam (xã Đông Quang), người có đến gần 10 năm gắn bó với nghề khai thác đá tâm sự: “Gọi là công nhân chứ thực ra đi làm ngày nào trả công ngày đó, chúng tôi có biết đến bảo hiểm, bảo hộ là gì đâu. Chỉ thấy nguy hiểm luôn rình rập thôi. Đời phu đi khoan đá, nổ mìn sợ nhất vẫn là cảnh cheo leo trên núi cao hàng trăm mét mà bảo hiểm chỉ là sợi dây thừng quấn ngang bụng. Tay chân trầy xước, bầm dập, máu đỏ nhuốm đá, thâm tím đến chai sạn là chuyện bình thường”.
Chị Cần (thôn Đồng Cao, xã Đông Vinh, TP Thanh Hóa), một góa phụ có chồng là nạn nhân của vụ tai nạn sập mỏ đá núi Vức xã Đông Quang hồi tháng 6 vừa qua. Thế nhưng, khi chồng mất, người phụ nữ này vì cuộc mưu sinh nuôi các con, chị lại một lần nữa đánh cược mạng sống của mình, chọn cách vào núi đi bốc đá nghiền thuê cho người ta.
Cố gạt đi những dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt già nua, khắc khổ vì những tháng ngày mưu sinh, chị cho biết: “Dù biết là nghề đá nguy hiểm, nhưng nếu không làm thì chẳng biết lấy gì nuôi các con. Mấy mẹ con trông chờ vào vài sào ruộng cấy thì lấy gì mà ăn”.
Chị bảo quanh đây mấy nhà có người thân cũng phải bỏ mạng, có người còn nằm liệt giường nữa. Phụ nữ như chị mỗi ngày 10 tiếng mà công cũng chỉ được 120 nghìn. Tiếng máy xẻ, máy mài... lúc nào cũng ầm ầm bên tai.
Hầu hết những phận đời làm phu ở nơi đây không ai muốn lựa chọn cho mình công việc nhọc nhằn với đầy rẫy hiểm nguy rình rập. Thế nhưng vì nghèo nên đành bán sức để mưu sinh, nhiều đứa trẻ lớn lên cũng theo cha, anh ra bãi đá chấp nhận phận làm phu. Những phận đời nhỏ nhoi như thế cứ mãi tiếp nối như một vòng luẩn quẩn không dễ dứt ra được.
Bà Vũ Thị Biên, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Sơn cho biết: “Hiện tại trên địa bàn huyện vẫn còn gần 1.300 lao động tham gia sản xuất chế biến đá và rất nhiều lao động đi làm nơi khác. Ý thức của chủ sở hữu lao động và nhiều lao động trong việc đảm bảo an toàn còn rất hạn chế, nhiều khi mang tính đối phó. Chỉ khi xảy ra sự việc nghiêm trọng thì đã quá muộn”.
Nguyễn Thùy