1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Gian nan bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm

(Dân trí) - Nhiều biện pháp, phương tiện bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm - sinh vật ngoại lai được xác định gây nguy hiểm cho sức khoẻ và môi trường của cụ Rùa - đã được các tổ chức, cá nhân công bố, thử nghiệm song mỗi phương án đều gặp những cản trở khó lường.

PGS-TS Hà Đình Đức khẳng định, số lượng rùa tai đỏ đang sinh sôi nảy nở với tốc độ chóng mặt tại hồ Hoàn Kiếm đang tận diệt nguồn thức ăn của cụ Rùa. Chính sinh vật ngoại lai này là tác nhân gây bệnh và đang tiếp tục gặm nhấm những vết thương ngày càng nghiêm trọng trên cổ, mai cụ Rùa.

Trên thực tế, hình ảnh nhiều rùa tai đỏ nhởn nhơ cưõi trên thân mình cụ Rùa đang mang bệnh  khiến các nhà khoa học và đông đảo người quan tâm càng nóng lòng mong đợi thời điểm cơ quan chức năng tiến hành tiêu diệt rùa gây hại.

Vấn đề tiêu diệt rùa tai đỏ ở Hồ Hoàn Kiếm cũng đã được UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Khoa học- Công nghệ tiến hành gấp rút. Tuy nhiên, hiện phương pháp bắt số rùa gây hại này vẫn đang được tiến hành thử nghiệm ở một số khu vực, trong đó có hồ Văn Quán và cũng đang gặp không ít thực tế khó khăn, cản trở.

Gian nan bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm - 1
Rùa tai đỏ chễm trệ trên lưng cụ Rùa. (Ảnh: Đỗ Chiến Thắng)
 
Hiện Sở này đang thử nghiệm hai loại bẫy rùa tai đỏ. Loại thứ nhất dùng để bắt dưới mặt nước. Theo thiết kế, cửa lồng đón rùa tai đỏ có kích thước 30 cm, cao 18cm. Số bẫy lồng này được đặt hàng loạt và có điều khiển từ xa. Theo đó, hàng ngày, nhân viên theo dõi chỉ việc bấm điều khiển theo giờ nhất định, các cửa lồng sẽ tự động sập lại.
 
Tuy nhiên, có chuyên gia bày tỏ lo ngại, với kích thước như vậy, cụ Rùa rất có thể chui đầu vào được. Không loại trừ khả năng lúc đó, cửa lồng lại sập xuống, sẽ rất nguy hiểm cho cụ Rùa. Vì thế cần xem lại thiết kế tránh vô tình gây tai nạn cho cụ.

Loại bẫy thứ hai được thiết kế để bắt rùa tai đỏ trên cạn, khi chúng lên bờ phơi nắng theo thói quen. Chiếc bẫy này có cấu trúc giống như chiếc ô lộn ngược. Khi rùa lên phơi nắng, chỉ cần ấn điều khiển từ xa để lưới tự động trùm lên, không để rùa thoát ra ngoài. Dù vậy, rùa tai đỏ lại là loại rất tinh mắt và nhanh nhạy. Chỉ cần có động nhẹ là chúng tẩu thoát rất nhanh, nên hiệu quả của bẫy bắt rùa trên cạn được đánh giá chưa cao.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng Ban Thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái thành phố Hà Nội cũng hiến kinh nghiệm bắt rùa tai đỏ đã từng thực hiện. Theo ông Khôi, loại rùa này thường ăn tất cả các loại cây, rau nổi, nhưng hầu như không bao giờ ăn các động vật sống và chuyển động. Vì thế, việc bắt rùa tai đỏ cần tiến hành theo hai phần. Thứ nhất dùng lưới đặc chủng để rùa tai đỏ vào mà không ra được. Để dụ rùa vào lưới, cần đặt mồi với lượng vừa đủ để không làm ô nhiễm môi trường nước hồ. Phần thứ là thiết kế của hệ thống là bè tre thanh nơi rùa tụ tập phơi nắng, rồi dùng thuyền bơi ra hồ bắt lại. Theo ông Khôi, vừa dụ cho ăn, vừa dụ cho phơi nắng, trong vòng một tháng gia đình ông đã thu gom gần như toàn bộ số rùa tai đỏ nuôi tại khu riêng từ năm 1997 đến nay…

Gian nan bắt rùa tai đỏ hồ Hoàn Kiếm - 2
Bẫy do ông Nguyễn Văn Thịnh trình bày để bắt rùa tai đỏ ở hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: TT)
 
Vấn đề dụ rùa tai đỏ lên bè rồi bắt cũng gặp vướng mắc bởi khi có động của thuyền bơi ra hồ chẳng hạn, đàn rùa này sẽ lập tức lặn ngay và rúc xuống bùn. Với mực nước không sâu như ở hồ Gươm, quá trình chúng trốn xuống bùn khi có động rất nhanh.
 
Một số ý kiến khác cho rằng cách tốt nhất để tiêu diệt rùa tai đỏ là dùng lưỡi câu có gắn mồi để cầu rùa như câu cá.
 

Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam khẳng định, rùa tai đỏ có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất trên thế giới của Hiệp hội quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và nguồn tài nguyên Thiên nhiên.

Rùa tai đỏ rất dễ phát tán ra các môi trường khác nhau. Chúng cũng thích nghi với điều kiện mới rất nhanh, sinh sôi nảy nở và sống dai.

Theo ông Huỳnh, ngoài việc khẩn cấp tiêu diệt rùa tai đỏ tại hồ Hoàn Kiếm cần triển khai thêm đề tài cấp nhà nước để nghiên cứu về tập tính sinh sống của loài rùa tai đỏ, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết triệt để, tránh tình trạng như ốc bươu vàng.

P. Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm