1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Thư gửi mẹ nhà báo Hoàng Hùng:

Giận lắm nhưng bà vẫn gọi Liễu là “con dâu tôi”

“Tôi chắc rằng bà có giận, giận người phụ nữ nông nổi, lỗi nghĩa vợ chồng. Vậy mà bà chưa một lần gọi cô ấy bằng mày, hay xưng tao, bà vẫn một mực “con dâu tôi”- sau phiên xử phúc thẩm vụ án nhà báo Hoàng Hùng, LS Trịnh Thanh viết thư gửi mẹ người quá cố.

Thưa bà, cũng như triệu bạn đọc khác trên đất nước này, tôi “biết” bà từ ngày giọt nước mắt đầu tiên của bà rơi xuống, khóc con trai bị người ta đốt khi đang ngủ. Đến nay, thời gian tôi dõi theo bà đã khoảng một năm.

Cũng như bao độc giả khác, tôi xót xa, đau đớn với bà. Tôi sốc nặng và có hơi quá đà, tôi còn căm phẫn người đàn bà đã xuống tay nhẫn tâm tước đoạt mạng sống của chồng - đứa con trai có những thành tựu vẻ vang nhất trong sự nghiệp làm mẹ của bà. Trong khi đó, bà - nhân vật chính, người bị tổn thương nặng nề nhất đã hành xử rất khác lạ, so với những mô-típ tương tự vẫn thường gặp trong xã hội.

Biểu hiện lạ đầu tiên khiến tôi bắt đầu chú ý đến bà là khi kẻ thủ ác tự thú trước cơ quan pháp luật. Thủ phạm cũng chính là con dâu của bà, con dâu mà thi thoảng mới tạt qua thăm bà một lần, cho vài chục, một trăm ngàn đồng, lại nghe đồn đang trục trặc với con mình; không phải là dâu cưng, dâu ngoan, như khái niệm thông thường của các mẹ chồng.

Tại đây, bà đã rót ly trà thay rượu, cạn chén cùng thông gia, bỏ qua cái tội tày đình của con gái họ. Chính bà, người lẽ ra phải được xoa dịu, lại ngỏ lời an ủi ông thông gia đang sám hối. Chính bà, người lẽ ra hoàn toàn có quyền thốt ra những lời cay nghiệt, lại đã rất nhẹ nhàng và văn minh. Bà làm tôi và dân cả nước này đi từ ngạc nhiên đến khâm phục. Trong tất cả những cuộc trả lời phỏng vấn, những câu chuyện chính thức và không chính thức với phóng viên, đỉnh điểm là tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cô con dâu - nay đã thành bị cáo, bà chưa một lần nặng lời với thủ phạm. Theo tôi biết, ở miền Tây Nam Bộ, người lớn hay gọi kẻ nhỏ bằng mày, con trong gia đình bố mẹ cũng kêu bằng mày, điều này rất bình thường.

Sau này, những gia đình trẻ hạn chế gọi con bằng mày, sợ con cái tủi thân. Ở bà, tôi có cảm giác bà đã chọn một cách xưng hô hoàn toàn không theo cái chuẩn của người già Nam Bộ.
Giận lắm nhưng bà vẫn gọi Liễu là “con dâu tôi”
Mẹ cố nhà báo Hoàng Hùng (giữa) bên ngoài phiên tòa phúc thẩm xử vụ nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại. Ảnh: TẤN THẠNH

Tôi chắc rằng bà có giận, giận người phụ nữ nông nổi, lỗi nghĩa vợ chồng. Bà nhất định phải giận, ít ra là buồn lắm, khi người phụ nữ con mình chọn đi cùng trong cuộc đời, người ít nhiều “sở hữu” tác phẩm đẹp nhất của bà, đã hủy hoại nó. Vậy mà bà chưa một lần gọi cô ấy bằng mày, hay xưng tao, bà vẫn một mực “con dâu tôi”. Tôi cho rằng cách xưng hô này của bà không hẳn là ngẫu nhiên mà đó là một sự cân nhắc, là tấm lòng, là tình thương của người mẹ.Tôi càng ngỡ ngàng hơn khi đọc đâu đó thông tin rằng bà ít chữ nghĩa, cả đời chỉ quanh quẩn ruộng vườn. Nhưng cách bà nhìn nhận sự việc, ở góc độ pháp luật, hoàn toàn không hề đơn giản và hời hợt.

Vượt qua những đớn đau, hận thù thông thường, bà hướng tới điều tối quan trọng, là công lý. Ước muốn duy nhất của bà không phải là sự trừng phạt mà là phải đưa những góc tối của vụ án ra ánh sáng. Đó có thể là một đồng phạm giúp sức hoặc một kẻ chủ mưu, hoặc chẳng là ai cả, nhưng mọi việc phải rõ ràng và minh bạch. Cách bà phản ứng trước 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm cho thấy bà không tâm phục khẩu phục những lập luận đi đến phán quyết của tòa án. Ở góc độ nghề nghiệp, tôi cũng cho rằng về mặt nghiệp vụ, còn nhiều điều phải nói trong vụ án này. Án cũng đã tuyên, xử cũng đã xong, nhẹ nhàng và an toàn cho cơ quan tiến hành tố tụng nhưng một lần nữa xát muối vào nỗi đau người mẹ, vào những người theo dõi xuyên suốt vụ án. Tôi nhận thấy bà đã tuyệt vọng bao nhiêu. Sự tuyệt vọng không chỉ của người mẹ mất con mà thấp thoáng đâu đó là tuyệt vọng bởi hao mòn đức tin công lý.

Thưa người mẹ của một nhà báo đã từng có nhiều bài viết để đời, xin lỗi và cảm ơn bà, vì tất cả.

Mong muốn của bà hoàn toàn chính đáng và cũng chính là sứ mệnh của pháp luật. Bởi suy cho cùng, pháp luật không phải chỉ nhằm mục đích tử hình hay phạt tù một cá nhân mà để bảo vệ cái tốt, trừng trị cái xấu. Cái xấu ở đây không dừng lại ở một người vợ thiếu nhân nghĩa, mà còn là sự cẩu thả trong thi hành công vụ, sự bằng lòng với cái gần giống như sự thật mà chưa phải là sự thật, sự dung túng bao che, thói quen đổ thừa cho hoàn cảnh, như khoa học kỹ thuật điều tra yếu kém chẳng hạn. .Thưa bà, tôi không dám nói rằng bà hãy thôi đau khổ. Tôi cũng chẳng dám ngỏ lời an ủi, vì bà mạnh mẽ. Nhưng tôi mong rằng qua câu chuyện rất buồn của gia đình bà, cơ quan tư pháp sẽ phải nghiêm túc nhìn nhận lại toàn cục. Đời sống ngày càng phát triển, càng văn minh thì cái ác càng biến thiên muôn hình muôn vẻ.

Để thực hiện nghĩa vụ của người bảo vệ công lý, diệt trừ cái ác, không chỉ bà, tôi hay những người dân ngoài kia mà cơ quan tố tụng mới giữ vai trò quan trọng. Với trình độ hiện nay, không cần phải kỹ thuật gì cao siêu mà bằng công cụ pháp luật và cái tâm chính trực, khách quan, người chấp pháp sẽ biết và buộc phải biết hành động như thế nào để công lý thăng hoa.

LS.Trịnh Thanh (Văn phòng Luật sư Người nghèo tại TPHCM)
Theo Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm