Giàn giụa nước mắt những cử động đầu tiên của bé bỏng vôi
(Dân trí) - Mỗi lần quấn băng vào từng ngón tay, Nguyên đau đớn đến giàn giụa nước mắt, khiến mẹ em liên tục dỗ dành. Những tiếng van xin “đừng quấn”, “dừng lại”, “về thôi” của em liên tục được thốt ra khiến ai cũng xót xa.
Nguyên rất đau đớn khi băng bó ở một ngón tay...
...và lại mím môi trước sự đau đớn khi phải băng bó ở ngón tay khác
Chị Phạm Thị Thủy, mẹ cháu bé Nguyễn Trang Nguyên (nhân vật trong loạt bài cháu bé 3 tuổi bị bỏng vôi toàn thân) báo tin mừng với chúng tôi, Nguyên đã không còn phải điều trị ở khoa Hồi sức cấp cứu Viện bỏng quốc gia nữa mà chuyển xuống khoa Phục hồi chức năng. Đó thực sự là một tin tốt lành, bởi với việc bỏng nặng toàn thân trên diện rộng và sâu, những trường hợp trẻ nhỏ như Nguyên theo các bác sĩ khó mà qua khỏi. Tuy nhiên, ngày 22/3, khi chúng tôi đến thăm cậu bé đang tiếp tục điều trị ở khoa Phục hồi chức năng, mới thấy những di chứng để lại trên người của em vẫn hết sức nặng nề.
Lúc này, Nguyên đang được các y tá quấn băng ở 2 cánh tay, hiện vẫn đang tổn thương nặng mặc dù em đã được cấy ghép da qua các lần phẫu thuật. Nhìn cánh tay Nguyên không được quấn băng trắng, chúng tôi không khỏi xót xa trước sự tàn phá do bỏng vôi gây ra. Cả 2 cánh tay của em đều xám đen như bị đốt cháy, còn những ngón tay thì sưng tấy và mọng nước, mà hễ y tá đụng vào thì cậu bé lại thét lên vì đau đớn.
Cánh tay của Nguyên cháy đen, ngón tay thì sưng to mọng nước, cùng đó là nhiều sẹo xấu xuất hiện
Để tránh vết thương nhiễm trùng, đồng thời giúp cho Nguyên tập cầm nắm trở lại sau hơn 2 tháng nằm không cử động ở khoa Hồi sức cấp cứu, mỗi ngón tay của em được y tá quấn băng thật chặt. Mỗi lần quấn băng vào từng ngón tay, Nguyên đau đớn đến giàn giụa nước mắt, khiến mẹ em liên tục dỗ dành. Những tiếng van xin “đừng quấn”, “dừng lại”, “về thôi” của em liên tục được thốt ra khiến tôi cũng xót xa.
Có điều thật kỳ lạ, mỗi ngón tay được quấn xong, cậu bé lại mím môi chịu đựng, dường như cậu cũng hiểu việc quấn băng của các y tá là đang giúp cho cậu sớm hồi phục sức khỏe, mà hơn 2 tháng qua ít nhiều cậu đã cảm nhận được khi nằm điều trị ở Viện bỏng. Mỗi ngón tay của Nguyên sau khi được quấn băng, các y tá phải làm các động tác bẻ, gập nhằm giúp Nguyên lấy lại cảm giác cầm nắm bình thường. Có điều mỗi động tác này với Nguyên như đang bị “tra tấn”, đau đớn vô cùng. Ở cánh tay phải, là cánh tay bị nặng hơn cả, ngoài phần ngón tay sưng phù nề, mọng nước, phần khuỷu tay da thịt bắt đầu xuất hiện sẹo co kéo khiến tay Nguyên không thể duỗi thẳng ra như bình thường. Các y tá phải bẻ thẳng tay em ra và nẹp gỗ vào để tay em không bị co cứng càng làm em đau đớn.
Cánh tay của em xuất hiện sẹo co cứng làm tay em không thể duỗi thẳng
“Nếu không chịu khó tập luyện cầm nắm, duỗi gập hằng ngày thì tay của em sẽ cong và đơ hẳn ra, mất luôn cảm giác. Việc tập luyện phải ngay từ bây giờ cho đến khi em trưởng thành. Những sẹo co cứng về sau có thể phẫu thuật cắt bỏ và cấy ghép da để giúp chức năng vận động dễ dàng hơn, nhưng hơn cả vẫn phải tập luyện hàng ngày”, y tá tên Huyền ở khoa Phục hồi chức năng cho hay.
Theo các bác sĩ, Nguyên phải điều trị ở khoa Phục hồi chức năng ít nhất một tháng, sau đó sẽ cho về nhà để tự tập luyện tiếp. Việc tập luyện kéo dài đến năm em 18 tuổi, thực sự là cả một quá trình công phu, kiên nhẫn, vất vả rất nhiều cho cậu bé. Hệ quả rõ ràng nhất là khi Nguyên đến tuổi đi học, sẽ không dễ dàng gì cho việc cầm bút viết vẽ, vận động tay chân.
Sau khi băng bó, Nguyên rất chịu khó tập cầm nắm để làm quen trở lại chức năng vận động
Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất, Nguyên thực sự là một cậu bé rất dũng cảm và ngoan ngoãn. Sau màn “tra tấn” hơn nửa tiếng của các y tá, khi nghe các cô bảo đã xong thì em đứng phắt dậy chào rõ to “cháu chào cô ạ” và vui vẻ tập tễnh theo bố mẹ về phòng.
Anh Nguyễn Văn Quyết, bố của Nguyên xúc động gửi chúng tôi lá thư để cảm ơn sự tận tâm của các bác sĩ, y tá ở Viện bỏng quốc gia trong việc điều trị cho con anh. Đặc biệt, trước những tấm lòng hảo tâm của đông đảo bạn đọc Dân trí ủng hộ về cả tinh thần lẫn vật chất, anh Quyết khẳng định đó sẽ là nguồn động viên để anh và con tiếp tục vượt qua những khó khăn trong tương lai lâu dài.