Giám sát loạt dự án giao thông: Chậm tiến độ, tăng vốn hàng nghìn tỷ

Hoài Thu

(Dân trí) - Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… là những dự án trong diện giám sát, cùng vướng thực trạng "tăng vốn, chậm tiến độ".

Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về "Việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023", là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp thứ 32, sáng 22/4.

Chậm tiến độ

Theo báo cáo của Đoàn giám sát, các dự án quan trọng quốc gia được giám sát lần này gồm: Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TPHCM; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, theo Nghị quyết số 53 năm 2017 của Quốc hội, thời gian thực hiện hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, đoàn giám sát cho biết đến nay, công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư của toàn bộ dự án (5.000ha) vẫn chưa hoàn thành, dẫn đến ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án thành phần khác.

Giám sát loạt dự án giao thông: Chậm tiến độ, tăng vốn hàng nghìn tỷ - 1

Nhiều dự án thành phần của sân bay Long Thành đang chậm tiến độ (Ảnh: Hoàng Bình).

Chính phủ đã trình Quốc hội chấp thuận cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31/12.

Theo Nghị quyết số 94 của Quốc hội, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 phải hoàn thành và đưa vào khai thác chậm nhất năm 2025. Tuy nhiên, đến nay, các dự án thành phần 1, 2 và 4 dự kiến hoàn thành năm 2025, riêng gói thầu nhà ga hành khách dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.

Tiến độ này, theo đoàn giám sát, chậm một năm so với yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 cơ bản hoàn thành năm 2021, theo nghị quyết của Quốc hội.

Nghị quyết số 117 của Quốc hội nêu rõ với 3 dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nghị quyết số 1213 đưa ra mốc 2023 đưa đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vào sử dụng.

Tuy nhiên, báo cáo giám sát cho thấy, đến nay, có 8/11 dự án thành phần bị kéo dài thời gian thực hiện so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội (trong đó đoạn chậm ít nhất là 12 tháng, có những đoạn chậm gần 29 tháng).

Đối với 5 dự án còn lại, Đoàn giám sát nêu thực trạng việc triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, đều chậm so với các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ.

Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành theo yêu cầu.

Vốn đầu tư tăng hàng nghìn tỷ

Một hạn chế khác được chỉ rõ trong quá trình giám sát loạt dự án quan trọng quốc gia, đó là một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư so với sơ bộ tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định.

Giám sát loạt dự án giao thông: Chậm tiến độ, tăng vốn hàng nghìn tỷ - 2

Quá trình thi công đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Ngọc Tân).

Cụ thể, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư qua địa phận tỉnh Hưng Yên dự kiến tăng khoảng 1.500 tỷ đồng, qua địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến tăng khoảng 2.874 tỷ đồng.

Với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, chi phí giải phóng mặt bằng dự kiến tăng khoảng 3.680 tỷ đồng. Còn Dự án thành phần 1 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự kiến tăng khoảng 123 tỷ đồng.

Cũng theo kết quả giám sát, một số dự án thiếu nguồn vật liệu đắp nền đường, công suất khai thác chưa đáp ứng, đặc biệt là các dự án tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đoàn giám sát nhận định công tác quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản, nhất là khai thác vật liệu xây dựng tại các địa phương có các công trình trọng điểm còn nhiều bất cập.

Đặc biệt, tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung vật liệu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia để khai thác trái phép khoáng sản (cát, sỏi, đất, đá…) làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp.

Đưa ra đánh giá chung, đoàn giám sát cho rằng, tiến độ hoàn thành nhiều dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, công tác chuẩn bị đầu tư dự án hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Công tác đo đạc, khảo sát, dự báo trong bước chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, nghiêm túc, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần trong quá trình thực hiện, một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.

Bên cạnh đó, quá trình đưa vào vận hành, khai thác với một số dự án còn bất cập như các dự án đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vẫn chưa được tổ chức thu phí, chưa đầu tư đồng bộ hệ thống trạm dừng nghỉ, giao thông thông minh (ITS), gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác, bảo trì, tổ chức, điều tiết giao thông.