Giám đốc Sở TN-MT: “Tôi cũng kinh lắm, uống nước béo lên không khéo là do nước bẩn”
(Dân trí) - Liên quan đến chất vấn của đại biểu về nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Thanh Hóa thừa nhận: “Tôi cũng kinh lắm, uống nước béo lên không khéo là do nước bẩn. Người dân các huyện giặt giũ rồi bỏ hết các chất thải và xác súc vật chết trôi trên đó”.
Không sàng lọc kỹ công nghệ thì không có môi trường bền vững
Sáng ngày 12/12, tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII diễn ra phiên chất vấn ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN-MT về 2 nội dung: Tiến độ thực hiện kế hoạch hành động số 135/KH-UBND ngày 15/9/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 18/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh còn chậm.
Tình trạng ô nhiễm tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư chậm được xử lý hoặc xử lý không dứt điểm; việc triển khai thực hiện chính sách xử lý rác thải sinh hoạt còn bất cập, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu chất vấn Giám đốc Sở TN-MT một số vấn đề như: Việc đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung tại khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) còn ít; nhiều hệ thống được đầu tư lớn chưa phát huy hiệu quả; cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa linh hoạt.
Hơn nữa, ô nhiễm môi trường tại một số địa phương ngày càng trầm trọng, nhưng hệ thống xử lý rác thải được đầu tư lớn lại chưa đi vào hoạt động, hoặc phải chấm dứt.
Một số vấn đề nữa cũng được các đại biểu quan tâm là ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp (CCN) và làng nghề chưa được xử lý; ô nhiễm môi trường tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chất thải rắn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời; nhiều bãi rác thải nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường...
Theo ông Đào Trọng Quy, công tác xử lý và bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân, của toàn hệ thống chính trị mà chủ trì là các cơ quan Nhà nước. Bộ và Sở TN-MT là cơ quan tham mưu trên cơ sở nhận thức là toàn dân và cả hệ thống cùng làm.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa có thu hút đầu tư lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, cao nhất cả nước; các KCN, CCN triển khai rộng trên khắp cả tỉnh.
Tuy nhiên, mặt trái là vấn đề xử lý, sử dụng tài nguyên nếu không sàng lọc kỹ công nghệ thì không có môi trường bền vững và không thể có cuộc sống tốt được. Tăng trưởng “nóng” đi kèm với nó là khí thải, độ bụi, độ ồn là một câu chuyện.
Một trong những giải pháp ông Quy đưa ra là phải đi kêu gọi các nguồn vốn đầu tư khu xử lý và phải mất cả nghìn tỷ mới làm được.
Đối với các làng nghề đã đề nghị với UBND tỉnh đầu tư, di dời đến nơi sản xuất tập trung. Với những bãi rác gần khu dân cư, phải họp dân bàn và di dời, không để cho dân sống gần bãi rác và yêu cầu các đơn vị phải bảo vệ quyền lợi của dân.
“Nên ăn chín, uống sôi”!
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Hoa hỏi: Trên các phương tiện báo chí nêu tình trạng Kênh Bắc sông Nông Giang thuộc kênh chính đập Bãi Thượng, có nhiệm vụ tưới tiêu cho nhiều huyện; đây cũng là nơi cung cấp nước cho nhà máy xử lý nước sinh hoạt.
Cử tri bức xúc, có kiến nghị về tình trạng ô nhiễm môi trường và lo ngại đến nguồn nước sinh hoạt, không yên tâm đến nguồn nước, nhưng báo cáo của Sở TN-MT chưa đề cập.
Ông Quy trả lời: “Tôi cũng kinh lắm, uống nước béo lên không khéo là do nước bẩn. Người dân các huyện giặt giũ rồi bỏ hết các chất thải và xác súc vật chết trôi trên đó”.
Rồi ông Quy đề nghị: “Cần phải triển khai đường ống khép kín để lấy nước từ huyện Thường Xuân (hồ Cửa Đạt) về, có khi không cần lọc mà cũng có thể ăn được, mà nó sạch hơn là nước hiện nay. Đây là vấn đề giống nòi, do vậy phải khẩn trương làm đường ống kín. Bẩn là đúng, đồng chí Hoa nêu là đúng”.
Sau câu trả lời của ông Quy, đại biểu Nguyễn Văn Tuấn (huyện Vĩnh Lộc) cho rằng trong trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN-MT có một nội dung rất nhảy cảm là nước lấy từ Thường Xuân về có khi sạch hơn là nước sạch, nước lọc.
Đồng thời, ông Tuấn đề nghị Giám đốc Sở TN-MT khẳng định lại thông tin này. Vì cử tri đang theo dõi và hàng vạn người sử dụng nước sạch trên địa bàn.
Ông Quy giải trình: “Ý tôi muốn nói thực ra cần phải khẩn trương đầu tư nhanh hệ thống đường ống khép kín, để về lâu dài chúng ta lấy được nguồn nước sạch ở Thường Xuân. Còn lại nguồn nước như đại biểu Hoa ý kiến, tôi khẳng định là rất bẩn. Còn lại, việc xử lý của các công ty nước hiện nay đảm bảo các quy chuẩn rồi”.
Ông Quy tiếp tục trả lời: “Còn nếu anh Tuấn và các đại biểu băn khoăn thì tôi vẫn cho rằng là về nhà phải ăn chín uống sôi. Không thể tin là cái máy nào lọc mà có thể uống mà ổn định được. Cũng khuyến cáo các vị, cũng phải ăn chín uống sôi thì sức khỏe mới tốt được”.
Ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Nói như thế là các nhà máy nước hiện nay đang xử lý rất đáng lo. Đặc biệt các hộ dùng nước ở thành phố và vùng phụ cận, có cả Sầm Sơn rất lo cái đó”.
Ông Chiến cũng thừa nhận: “Thực ra nước từ hồ Cửa Đạt về trên đường đi thì đúng là có vấn đề thật. Còn dự án nước thì UBND tỉnh đang cho vận hành. Tinh thần tuần tự từng bước xử lý, nhưng phải nhanh”.
Duy Tuyên