Giám đốc Sở Lao động bị "quay" về vụ xâm hại trẻ em ở Trung tâm Hỗ trợ xã hội
(Dân trí) - Trả lời đại biểu HĐND TPHCM về vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, đây là sự việc rất đau lòng, cần rút bài học kinh nghiệm. Hiện tại, Sở đang tổ chức kiểm điểm các cá nhân và tập thể liên quan.
Tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ kỳ họp 17 của HĐND TPHCM khóa IX chiều 7/12, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố bày tỏ lo ngại về tình trạng tội phạm gia tăng trong thời gian qua, nhất là tội phạm xâm hại trẻ em.
Đại biểu Nhung nhắc lại vụ dâm ô xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội (thuộc Sở LĐ-TB&XH). Đánh giá đây là sự việc đáng tiếc, bà Nhung đặc vấn đề: "Chúng ta đã làm hết trách nhiệm ở các trung tâm nuôi dưỡng đối tượng yếu thế trong xã hội chưa? Việc kiểm soát, đánh giá lại thực trạng hoạt động của các trung tâm như thế nào?".
Trả lời đại biểu, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết, vụ việc được Công an quận Bình Thạnh thụ lý và khởi tố vụ án.
Ông Tấn cho biết, hiện nay, cán bộ lãnh đạo từ cấp sở đến các phòng, Trung tâm và cả kíp trực thời điểm xảy ra vụ việc đang làm kiểm điểm.
"Đây là việc rất đau buồn và cũng là bài học kinh nghiệm. Sự việc không may xảy ra ở Trung tâm là ngoài ý muốn của Sở", ông Tấn nói.
Báo cáo các đại biểu, ông Lê Minh Tấn cung cấp thêm thông tin về tình hình chăm sóc trẻ em và các đối tượng yếu thế tại thành phố.
Theo đó, trong nhiều năm qua, thành phố xây dựng nhiều đề án, chương trình thành phố thân thiện với phụ nữ và trẻ em.
"Thành phố hiện nay có trên 2 triệu trẻ em được chăm sóc khá chu đáo. Trong đó có đối tương trẻ em lang thang, bị bỏ rơi. Hiện, Sở quản lý 6.300 đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em ở 17 trung tâm bảo trợ xã hội của thành phố. Đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị", ông Tấn nói.
Theo ông Tấn, tại 17 cơ sở bảo trợ xã hội có 1.874 cán bộ, công nhân viên chức... chăm sóc người già, trẻ em, trong đó có người không còn khả năng tự chăm sóc mình. Riêng tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội là nơi "trung chuyển", các đối tượng lang thang được quản lý 30 ngày trong khi chờ xác minh, xử lý để gửi về địa phương hoặc chuyển vào các trung tâm bảo trợ chăm sóc.
"Cán bộ trung tâm rất vất vả và có người làm chưa tốt. Sở tổ chức tổng kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh nội quy, quy chế cũng như các chế độ chăm sóc. Với quyết tâm của toàn thành phố, sở quyết tâm làm tốt hơn trong thời gian tới", ông Tấn nói.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh và băn khoăn vì chưa thấy có giải pháp phòng chống dịch bệnh một cách căn cơ.
"Cử tri thành phố quan tâm tình hình dịch bệnh hiện nay, sốt xuất huyết 2 năm liền kề đều tăng, như năm 2019 tăng hơn 74%, với gần 60.000 ca/năm", bà Nhung nói.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cũng nhắc lại số ca bệnh sốt xuất huyết mà đại biểu nêu và cho rằng, bệnh này tăng theo chu kỳ 5 năm. Thành phố có 9 ca tử vong, trong đó hầu hết là người lớn.
"Sốt xuất huyết là nỗi lo của ngành y tế. Khó nhất trong dự phòng là làm thế nào để chuyển đổi nhận thức cho người dân. Do đó, về lâu dài là phải tác động nhận thức của người dân để có hành vi đúng. Điều này rất cần sự can thiệp của chính quyền địa phương. Trong một khu phố mà một hộ dân làm không tốt thì muỗi vẫn có thể bùng phát, nguy cơ gây dịch bệnh", ông Thượng nói.
Quốc Anh