1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giám đốc Công an TPHCM nói về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em

(Dân trí) - Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TPHCM, cho biết năm nay xâm hại trẻ em tăng 35 vụ so với cùng kỳ năm ngoái và số vụ được xử lý cũng nhiều hơn năm trước: khởi tố 52 vụ với 44 bị can. Theo ông Phong, công tác quản lý trẻ em trong cộng đồng còn nhiều sơ hở.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp 17 của HĐND TPHCM khóa IX diễn ra sáng 9/12, Giám đốc Công an TPHCM đăng đàn trả lời nhiều vấn đề nóng như tội phạm ma túy, tín dụng đen, đặc biệt là tình trạng xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận.

Giám đốc Công an TPHCM nói về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em - 1

Giám đốc Công an TPHCM trả trả lời về nhiều vấn đề nóng trên địa bàn thành phố

Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cho biết tội phạm xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong đó các đối tượng xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, từ người có nghề nghiệp ổn định đến người có trình độ dân trí cao, kể cả người có địa vị xã hội. 

"Đứng trước thực trạng đó thì ngành Công an có biện pháp nào để đấu tranh phòng chống tội phạm này? Vì việc này gây ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ em", bà Thảo đặt câu hỏi.

Giám đốc Công an TPHCM nói về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em - 2
Đại biểu HĐND TPHCM phản ánh nhiều vấn đề nóng như xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm ma túy, tín dụng đen

Trả lời đại biểu, Giám đốc Công an TP cho biết, xâm hại trẻ em năm nay tăng 35 vụ so cùng kỳ. Qua phân tích, tại các khu vực vắng địa bàn ngoại thành xảy ra 13 vụ; khách sạn, nhà trọ, xưởng làm việc, phòng khám tư là 67 vụ; nơi công cộng là 18 vụ, trong đó 15 vụ là các cháu đi một mình... mà không có cha mẹ hay người lớn chăm sóc.

"Trong năm nay, kết quả xử lý được nhiều vụ hơn hẳn năm ngoái. Theo đó, khởi tố 52 vụ với 44 bị can", ông Phong thông tin.

Về giải pháp thời gian tới, Giám đốc Công an TPHMC cho biết sẽ tập trung chuyên đề đấu tranh phòng chống, tham mưu triển khai kế hoạch để chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của hệ thống chính trị, cán bộ chuyên trách... nhằm phát hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Khi tiếp nhận thông tin về xâm hại trẻ em, các đơn vị liên quan nhanh chóng xác minh, xử lý; cán bộ được tập huấn kỹ năng tiếp xúc trẻ em, bố trí nơi làm việc riêng để các trẻ em ổn định tâm lý và cung cấp lời khai.

Giám đốc Công an TPHCM nói về tình hình tội phạm xâm hại trẻ em - 3

Giám đốc Công an TPHCM cho biết năm 2019 xử lý nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em

Theo ông Phong, phân tích địa điểm xâm hại cho thấy, công tác phòng ngừa, công tác quản lý trẻ em trong cộng đồng vẫn còn nhiều sơ hở... Trong khi đó, Luật Trẻ em có quy định hành vi bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em là hành vi nghiêm cấm. Hành vi này là của cha mẹ, người chăm sóc khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ... 

"Trên thế giới quy định cụ thể trẻ em tuổi nào trở xuống thì khi đi có người lớn đi kèm, đây là điều cần quan tâm. Quy định trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc cụ thể là giải pháp căn cơ để bảo vệ các cháu không bị xâm phạm bởi đối tượng xấu. Ngoài ra trang bị kỹ năng cho các cháu cũng cần thiết", ông Phong nhấn mạnh.

Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em pử TPHCM

Theo báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn TP giai đoạn 2015-2019 của UBND TPHCM, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa bàn TP có 782 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục (43 trẻ em trai và 739 trẻ em gái), trong đó có 695 trẻ bị xâm hại tình dục. Trước đó, từ năm 2011-2014, trên địa bàn thành phố có 691 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Việc xâm hại gây hậu quả cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Trong tổng số vụ xâm hại trẻ em nêu trên, có 6 trẻ em tử vong, 6 trẻ em bị thương tật, 14 trẻ em bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ em có thai, 9 trẻ em phải bỏ học và 661 trẻ em bị tác động khác về thể chất, tinh thần.

Tuy nhiên, con số này có thể chưa hoàn toàn phản ánh thực tế do yếu tố văn hóa, nhiều gia đình chọn cách im lặng và khả năng nhận thức của trẻ về vấn đề xâm hại chưa cao. 

Theo UBND TP, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, có cả người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi từ 18 trở lên.

Thủ đoạn của các đối tượng (phần lớn là nam giới) chủ yếu là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi xâm hại với trẻ em. 

Trước tình trạng trên, UBND TP kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất việc thiết lập các đơn vị cảnh sát chuyên biệt bảo vệ trẻ em.

TPHCM cũng kiến nghị Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định việc chăm sóc thay thế đối với trường hợp trẻ em không thể sống cùng cha, mẹ vì sự an toàn của trẻ em; cha, mẹ không có khả năng bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ em hoặc chính là người xâm hại trẻ em.

Đồng thời, tạo nguồn lực để thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng của công chức, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án trong tiếp xúc, làm việc với trẻ em để tăng cường hiệu quả xét xử đối với các vụ án hình sự xâm hại trẻ em.

Quốc Anh - Phạm Nguyễn