Giám đốc Công an Bình Dương nói về vụ xô xát, kích động tại chốt kiểm dịch
(Dân trí) - Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết, do nhóm người dân không được "thông chốt" nên đã bị kích động, ném đá vào lực lượng chức năng. Cảnh sát chỉ chống đỡ, không có việc đuổi đánh.
Chiều 2/10, tại Hội nghị cung cấp thông tin báo chí của Bình Dương, Đại tá Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Công an Bình Dương đã thông tin về vụ người dân bị kích động có hành vi chống đối với lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ), dân quân tự vệ tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn phường Bình Hòa (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) vào chiều 1/10.
Theo ông Quyên, khi nghe thông tin Bình Dương nới lỏng giãn cách từ ngày 1/10 nên từ đêm 30/9, nhiều người dân quê miền Tây, Tây Nguyên đã lên mạng xã hội lập nhóm, rủ nhau đi xe máy về quê.
Chiều 1/10, người dân ở nhiều phường trên địa bàn TP Thuận An đã tụ tập đi xe máy về quê, đến chốt kiểm dịch tại khu phố Bình Đáng (phường Bình Hòa) bị chặn lại.
Tại đây, lực lượng chức năng đã vận động, tuyên truyền người dân không tự ý về quê bằng xe máy và nên quay về nơi cư trú, đăng ký theo nguyện vọng để chính quyền bố trí phương tiện đưa người dân về an toàn và đảm bảo phòng chống dịch.
Tuy nhiên, nhóm khoảng 500 người không chịu quay xe mà tập trung lại trước chốt.
Trước tình hình phức tạp, tổ công tác kéo lưới rào chắn lại thì một số người quá khích, kích động đám đông nẹt pô xe, bấm còi inh ỏi và dùng đá ném vào CSCĐ, dân quân tự vệ.
Lúc này, cảnh sát phải dùng khiên che chắn, chống đỡ, đồng thời quay lại hình ảnh làm bằng chứng để có căn cứ xử lý.
"Tôi đã điện thoại chỉ đạo anh em bóc tách những đối tượng quá khích, áp giải về trụ sở để xử lý. Có 3 người (2 nam, một nữ) được đưa về công an phường. Đến khoảng 18h ngày 1/10, thì nhóm người dân đã tự giải tán", Giám đốc Công an Bình Dương thông tin.
Theo ông Quyên, 3 người bị đưa về trụ sở công an gồm Nguyễn Văn H. (24 tuổi, quê Đồng Tháp), Nguyễn Hữu L. (19 tuổi, quê An Giang) và Ngô Thị V. (25 tuổi). Trong đó, V. là người bị ngã do va chạm với lực lượng chức năng.
Vụ việc bắt đầu căng thẳng từ khi thấy V. ngã, nhiều người đã hò hét, kích động cho rằng lực lượng CSCĐ và dân quân tự vệ đã đánh gãy chân V. Tuy nhiên, khi đưa về công an phường Bình Hòa, đội ngũ y tế đã kiểm tra và khẳng định chị V. không bị thương.
Đại tá Trịnh Ngọc Quyên khẳng định: "Công an không hề tấn công người dân, chỉ giữ 3 người có hành vi kích động đưa về phường xử lý. Sau đó, 3 người này đã thừa nhận hành vi vi phạm và xin bỏ qua. Chúng tôi đã để họ về lại nơi cư trú".