1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Giải thoát đứa trẻ bị xiềng chân 5 năm

Một đứa trẻ bình thường bỗng nhiên hóa “điên”, mẹ nghèo, cha bỏ đi, không tiền mua thuốc chữa trị, en bị mẹ xiềng xích suốt 5 năm.

Giải thoát đứa trẻ bị xiềng chân 5 năm - 1

Cường bị mẹ đẻ xích chân suốt 5 năm qua
 
Ngày 4/2, công an, UBND phường 10, quận Gò Vấp (TPHCM) cùng đoàn thể địa phương đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Ngọc Mai tháo xích cho con trai là Nguyễn Chí Cường (14 tuổi) và đưa em đi chữa bệnh. Nhiều năm qua, Cường bị xiềng chân giam lỏng tại nhà, tính khí thất thường, ai chọc giận hay nói gì là em cào cắn ngay.

 

Ba năm không ăn cơm?

 

Từ thông tin bạn đọc, chúng tôi đã tiếp cận căn phòng 15 m2 tại khu phố 8, đường Quang Trung (phường 10, Gò Vấp), nơi mẹ con Cường đang tạm trú. Cường có khuôn mặt sáng sủa đang ngồi trong góc phòng với chân trái bị xích lại. Vết xích chân đã hằn thành sẹo. Thấy người lạ, Cường ngoái nhìn rồi gật đầu cảm ơn khi chúng tôi cho bánh kẹo và bao lì xì.

 

Bà Mai kể lúc nhỏ em bị sốt cấp tính, co giật nên mắt bị lé. Em lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên đến tuổi đi học, em vào lớp hay luôn ngắt, véo bạn. Bị nhà trường nhắc nhở, mẹ em nhốt em luôn trong nhà, không cho ra đường. Cùng thời điểm này, ba em bỏ nhà ra đi.

 

Trước đây, căn nhà bà Mai thuê luôn tối tăm, ẩm thấp. Gần đây, bà Mai chuyển thuê phòng tại phường 10, Gò Vấp có gọn ghẽ hơn nhưng Cường vẫn bị xích chân. Khi mẹ vắng nhà, việc sinh hoạt, vệ sinh buộc Cường “xử lý” tại chỗ. Điều đáng nói là khi bà Mai ra ngoài thì khóa trái cửa và tắt điện, mặc cho Cường sống trong bóng tối.

 

“Cách đây ba năm, nó đã không thèm ăn cơm, chỉ ăn bánh mì, thịt kho và uống nước. Hễ đút cơm vào là nó nhả ra rồi cắn người đối diện” - bà Mai nói.

 

Không tiền mua thuốc nên bệnh nặng

 

Mặc dù Cường có biểu hiện bất thường từ nhỏ nhưng đến tháng 6/2007, lúc Cường 11 tuổi mới được mẹ đưa đi khám, chụp điện não. Kết quả chẩn đoán lâm sàng cho thấy Cường bị bệnh chậm phát triển tinh thần, chậm nhận thức và hợp tác kém.

 

Chúng tôi nhìn vào sổ khám bệnh tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM, phát hiện bà Mai chỉ mua thuốc khoảng sáu lần, trong vòng bốn tháng. Theo lời bà Mai, khi uống thuốc vào là em nằm im, tay chân không còn cào cắn nữa. Đến tháng 10/2007 bà ngưng mua thuốc. “Không lấy đâu ra tiền để mua, mỗi lần mua thuốc tốn hết 200 ngàn đồng” - bà Mai than thở. Trước đó, phường có trợ cấp khó khăn cho mẹ con bà mỗi tháng 100 ngàn đồng nhưng hai năm nay không trợ cấp nữa.

 

Lúc chúng tôi trò chuyện với Cường, em tỏ ra có nhận thức nhưng một hồi lâu thì em nổi quạu, rướn người lên cào xé, đòi cắn chúng tôi. Tờ giấy chúng tôi để dưới đất em vò nát và ném đi. Sau lúc giằng co với mẹ, em trở lại ngoan ngoãn, bình thường.

 

Bà Mai giải thích khi bị la rầy hoặc ai làm điều gì đó mà em không thích thì sẽ lên cơn như vậy. “Có khi nó lên cơn, tự cào cấu tay chân mình” - bà Mai vừa nói vừa khóc.

 

Chính quyền vào cuộc

 

Sau khi nhận được phản ánh từ phóng viên, đại diện UBND phường, cảnh sát khu vực đã đến tận nơi nắm tình hình. Lúc đến phòng trọ khóa cửa, bên trong tối đen. Hơn nửa giờ đồng hồ, cửa mới được phá. Một lát sau bà Mai về tới, đại diện chính quyền địa phương nói việc xích chân Cường là vi phạm quyền trẻ em và yêu cầu mở xích cho Cường. Đôi chân được tự do, Cường ngoan ngoãn nằm yên nhìn đoàn khách lạ.

 

Theo thượng úy Nguyễn Chí Hiếu, cảnh sát khu vực, trước đó có nghe thông tin về trường hợp của Cường, công an phường có mời bà Mai đến tìm hiểu và bà Mai hứa sẽ chăm sóc Cường tốt hơn. Công an phường cũng đã hỗ trợ tiền mua giường cho Cường nằm.

 

“Chúng tôi sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho hoàn cảnh khó khăn hiện tại của mẹ con bà Mai, bởi bà thuộc diện tạm trú nên không được hưởng trợ cấp thường xuyên. Cường sẽ được khám và điều trị bệnh miễn phí. Đồng thời, mẹ em phải cam kết không được xích chân con nữa. Nếu tái phạm, phường sẽ đưa Cường vào cơ sở xã hội trên nguyên tắc có sự đồng ý của bà Mai” - ông Phùng Kiên Giang, Phó Chủ tịch phường 10, quận Gò Vấp, cho biết.

 

Theo ông Giang, bà Mai quá chủ quan, nếu tình huống xấu xảy ra thì Cường là người bị thiệt. “Lẽ ra mẹ em phải liên hệ với địa phương, các đoàn thể để được chia sẻ, giúp đỡ thay vì xích chân con lại” - ông Giang nói.

 

 

 

Thạc sĩ Huỳnh Tấn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TPHCM: Giam cầm làm bệnh nặng hơn

 

Chậm phát triển tâm thần là chức năng phát triển trí tuệ không có do khiếm khuyết, tổn thương ở não. Trẻ bị bệnh này có nhiều dấu hiệu dễ phát hiện sớm từ năm, sáu tuổi. Do cảm xúc của trẻ thiếu hòa hợp nên biểu hiện cáu giận, giận giữ. Tâm lý của trẻ, nhất là khi đến tuổi vị thành niên không giống những trẻ cùng tuổi như nhận thức không phù hợp, không biết tự chăm sóc bản thân, không chơi trò chơi như trẻ cùng tuổi mà chỉ có thể biết ăn. Bệnh này không điều trị được, chủ yếu là dùng thuốc ngăn cản rối loạn thần kinh. Nếu trẻ quá hung hãn thì phải đưa vào bệnh viện tâm thần điều trị nội trú về tâm lý, vật lý trị liệu. Chi phí điều trị không cao, nếu gia đình khó khăn thì có thể xin miễn giảm.

 

Dùng biện pháp xiềng xích trẻ bị bệnh vô tình ngăn cản sự tiếp xúc với xã hội bên ngoài sẽ làm trẻ bệnh nặng hơn. Đó cũng là vi phạm pháp luật.

 

Theo Duy Tính
Pháp luật TPHCM