1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu

Đức Văn

(Dân trí) - Đền Trúc Ngũ động Thi Sơn - nơi thờ anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, có vườn trúc cổ tồn tại cả nghìn năm nay. Nơi đây cũng được xem là nơi phát tích hát Dậm Quyển Sơn lan tỏa tới tận 16 nước trời Âu.

Vườn trúc cổ nghìn năm tuổi quanh năm xanh tốt

Từ thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam), theo quốc lộ 21, chạy về đến Khu du lịch đền Trúc Ngũ động Thi Sơn, thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, người dân, du khách có thể được tận mắt thấy vườn trúc cổ đã tồn tại cả nghìn năm qua. Khu di tích này được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1994.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 1

Biển chỉ dẫn đường vào ngũ động và đường vào đền Trúc.

Đền Trúc nằm bên bờ sông Đáy, ngay dưới chân núi Cuốn Sơn (trước đây là núi Cấm), với phong cảnh Ngũ động kỳ thú. Sở dĩ có tên là đền Trúc bởi vì xưa kia xung quanh đền là một khu rừng trúc rậm rạp rộng tới hàng chục mẫu. Ngày nay, rừng trúc không còn nữa nhưng bao quanh đền vẫn còn một vườn trúc khá dày và rộng lớn.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 2

Trúc hai bên đường tạo thành một cổng vòm xanh mát dẫn vào đền Trúc.

Kể về giai thoại của đền Trúc cũng như vườn trúc nghìn năm tuổi này, bà Trịnh Thị Phương Lâm (Câu lạc bộ hát Dậm người cao tuổi Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc, 86 tuổi) đọc vanh vách về lịch sử truyền lại của khu đền Trúc linh thiêng này.

Bà Lâm cho biết, căn cứ sắc phong, thần phả còn lưu giữ, đền Trúc được khởi dựng cách đây khoảng nghìn năm. Đền Trúc là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, người có công với đất nước, với người dân nơi đây. Ngôi đền này được làm từ gỗ lim gồm năm gian với tiền đường và ba gian hậu cung. 

Đặc biệt, ở giữa tiền đường và hậu cung có hai con rồng tạc bằng đá có niên đại khoảng một nghìn năm. Có nhiều người đã đến đây xem xét, nghiên cứu và cho rằng con rồng phía bên phải nhìn từ ngoài vào là rồng thời Lý, còn con rồng phía bên trái là rồng thời Trần.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 3

Đền Trúc được làm từ gỗ lim gồm năm gian. Ở giữa tiền đường và hậu cung có hai con rồng tạc bằng đá có niên đại khoảng một nghìn năm.

Tương truyền, xưa kia vùng Quyển Sơn này có tên là trại Canh Dịch. Ngày ấy, trúc mọc như rừng từ bờ sông Đáy ra sát đường cái (quốc lộ 21 bây giờ). Có hai mẹ con nhà nọ không biết từ nơi đâu đến đây không may bị chết, làm động đến làng. Dân làng góp tiền của, công sức xây dựng một miếu nhỏ sát bờ sông để thờ cúng.

Theo dòng sông Đáy, năm 1069, Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, khi qua trại Canh Dịch đoàn chiến thuyền của Lý Thường Kiệt gặp một trận cuồng phong lớn. Gặp gió to, Lý Thường Kiệt cho thuyền dừng lại bên sông, sát cạnh rừng trúc để tránh gió. Trận cuồng phong đó đã bẻ gãy cột buồm, cuốn lá cờ lên trên đỉnh núi.

Đêm đó, trong giấc ngủ, Lý Thường Kiệt nằm mơ thấy một người mẹ trên tay bế con đứng ở đầu thuyền và nói: "Trận này cất quân đi đánh giặc sẽ giành thắng lợi". Mơ thấy điềm lạ, sáng ra, Lý Thường Kiệt cho quân lên bờ sửa soạn lễ vật tế trời đất cầu chiến thắng.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 4

Bà Trịnh Thị Phương Lâm dù tuổi đã cao nhưng vẫn kể vanh vách về giai thoại đền Trúc và vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt.

Ông đặt tên ngọn núi có lá cờ bị cuốn lên trên là núi Cuốn Sơn, trại Canh Dịch thành làng Cuốn Sơn, sau này được đổi thành làng Quyển Sơn. Ngôi miếu nhỏ giữa rừng trúc xanh được ông đặt tên là đền Trúc.

Đúng như điềm báo trong giấc mộng, lần xuất quân ấy dưới sự chỉ huy tài tình của Lý Thường Kiệt giành thắng lợi lớn. Trên đường trở về, qua vùng Quyển Sơn, ông cho quân dừng lại bên rừng trúc, làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ, mở hội khao dân làng ăn mừng chiến thắng.

Bà Trịnh Thị Phương Lâm cho biết: "Không thể tính được chính xác trúc nơi đây có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ năm 1069, khi đoàn thuyền của Lý Thường Kiệt đi qua, trúc đã mọc xanh tốt như rừng. Nếu tính từ năm 1069 đến nay, thì tuổi của rừng trúc đã lên tới trên nghìn năm tuổi".

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 5

Đền Trúc nằm dưới chân núi Cuốn Sơn.

Điều kỳ lạ là không mất công chăm sóc, nhưng trúc xanh tốt quanh năm. Hằng năm, vào mùa hanh khô, thủ từ lên đền xin dọn vườn, bỏ những cây bị sâu, cây bị chết khô, bị gãy đổ. Rừng trúc không vì thế mà bị thưa đi, bởi đến mùa xuân, muôn vàn mầm trúc mới lại bật dậy, vươn cao.

Bà Lâm chia sẻ thêm, các cụ xưa kể lại, trúc nơi đây cũng rất thiêng, trâu bò vào phá hoại, ăn lá trúc, khi về đều lăn ra chết. Nhiều người, các cơ quan, đình chùa thấy trúc nơi đây đẹp có tới đền xin về trồng; nhưng khi trồng ở nơi khác trúc đều không lên được.

Gốc tích 38 làn điệu hát Dậm Quyển Sơn

Hát Dậm (hay còn gọi là hát Dặm) là loại hình ca múa nhạc độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim bảng, tỉnh Hà Nam. Hát Dậm có những nét độc đáo riêng và đã được các nghệ nhân đem đi giới thiệu tại 16 quốc gia trên thế giới.

Hát Dậm Quyển Sơn là một loại hình ca múa nhạc dân gian vô cùng độc đáo, qua hơn 1.000 năm, đến nay đã sưu tập được 38 làn điệu. Mỗi làn điệu lại có một nội dung và nghệ thuật thể hiện khác nhau.

Múa hát Dậm là lối múa hát được Lý Thường Kiệt bày cho dân trong vùng khi ông thắng trận trở về dừng lại nghỉ ở đất này.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 6

Cổng đền Trúc trước sông Đáy.

Tương truyền, khi Lý Thường Kiệt đánh thắng trận trở về, trên đường trở về, qua vùng Quyển Sơn, ông cho quân dừng lại bên rừng trúc, làm lễ tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sĩ, mở hội khao dân làng ăn mừng chiến thắng. Trong thời gian ngắn lưu lại mảnh đất này, Lý Thường Kiệt cho tuyển những cô gái trẻ, có nhan sắc trong làng tới dạy múa hát; chọn những chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ dạy đua thuyền.

Ông còn dạy dân nơi đây trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Những điệu múa, lời ca ca ngợi chiến công đánh giặc giữ nước, thể hiện tình yêu với con người, với quê hương… mà ông dạy cho người dân nơi đây được gọi là hát Dậm. Để tưởng nhớ công ơn của ông đối với đất nước, với người dân địa phương, sau này, dân làng lập đền thờ ông ngay tại đền Trúc.

Từ đó, vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát Dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 Âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát Dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát Dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 7

Đội múa hát Dậm Quyển Sơn tập trong sân đền Trúc.

Sau nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hát Dậm Quyển Sơn dần mai một theo dòng thời gian. Nhất là từ khi thực dân Pháp bắt đầu nổ súng xâm lược nước ta, cũng từ đó những cô gái trong làng lớn lên cũng chỉ thuộc vài ba câu hát.

Nhận thấy việc phục dựng lại lễ hội tưởng nhớ công ơn to lớn của vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt và những điệu hát Dậm đã mai một cùng thời gian là điều hết sức cần thiết. Các cấp chính quyền đã bắt tay ngay vào việc phục dựng lại.

Bắt đầu từ nghệ nhân Trịnh Thị Răm, báu vật nhân văn của hát Dậm Quyển Sơn, người đã dành ra rất nhiều tâm huyết trên chặng đường khôi phục lại hát Dậm. Từ cụ Răm, hát Dậm đã bay xa, lan tỏa tới tận 16 nước trời Âu. Thế giới đã biết đến hát Dậm Quyển Sơn và ghi nhận nó như là báu vật của nhân loại. Năm 2019, hát Dậm Quyển Sơn được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia.

Giai thoại vườn trúc nghìn năm và 38 làn điệu hát Dậm đi 16 nước châu Âu - 8

Để tưởng nhớ công ơn của Lý Thường Kiệt đối với đất nước, người dân địa phương, sau này, dân làng Quyển Sơn đã lập đền thờ ông ngay tại đền Trúc.

Ông Đinh Văn Lĩnh, cán bộ UBND xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng cho biết: "Hiện nay đội múa hát Dậm Quyển Sơn gồm có 14 nữ tân và bà trùm là 15 người. Hàng năm, hội đền đều được tổ chức theo quy ước, cứ 5 năm một thì tổ chức lễ hội lớn gồm phần hội và phần lễ, có các trò chơi dân gian, đua thuyền rồng. Các năm sau thì sẽ tổ chức với quy mô nhỏ. Theo lịch trình thì vào năm 2020 sẽ diễn ra lễ hội lớn, nhưng do dịch bệnh nên lễ hội năm 2020 phải tạm dừng".