Giải quyết vấn đề biển Đông bằng sức mạnh tập thể ASEAN
(Dân trí) - “Những tuyên bố chủ quyền chồng lấn một số vùng biển, đảo ở biển Đông đang đe dọa hòa bình, tạo nguy cơ tiềm tàng bùng nổ xung đột. Để giải quyết việc này đòi hỏi Hải quân ASEAN phải đoàn kết sức mạnh và trí tuệ tập thể”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hiến cho biết, thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp trên biển Đông, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc của Hải quân các nước trong khu vực. Bối cảnh hiện nay đang đặt ra cho Hải quân các nước ASEAN những cơ hội và thử thách mới; đòi hỏi sự đoàn kết, sức mạnh và trí tuệ tập thể vượt qua những thách thức này.
“Trong khu vực đang tồn tại những tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số vùng biển, đảo tập trung trên khu vực Biển Đông. Bên cạnh đó, nhiều hành động vi phạm luật pháp quốc tế và đe doạ chủ quyền đối với một số quốc gia trong khu vực đang đe doạ đến hoà bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, tạo ra nguy cơ tiềm tàng bùng nổ xung đột nếu không có nhận thức chung đúng đắn, quyết tâm cho một giải pháp hoà bình và quản lý xung đột hữu hiệu”, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng phân tích.
Theo ông Hiến, để có thể vượt qua được những thách thức trên, Hải quân các nước ASEAN phải tăng cường hợp tác, đoàn kết, thúc đẩy quan hệ để hỗ trợ cho các giải pháp hoà bình và đối thoại nhằm giảm thiểu các nguy cơ về xung đột vũ trang.
“Chúng ta phải xác định được lập trường chung, kiên định về giải pháp hoà bình, thông qua đàm phán cho việc giải quyết các tranh chấp trên vùng biển có tranh chấp chủ quyền, tuân thủ theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”, ông Hiến nói và cho biết, việc tạo dựng lòng tin giữa các nước bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc minh bạch công khai các chính sách quốc phòng cũng như nhu cầu xây dựng lực lượng của mình, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và giao lưu, hiện có cả trên kênh song phương và đa phương.
“Chúng ta thấy vui trước những diễn biến mới đây nhất là khi ASEAN và Trung Quốc tiến thêm được một bước trên con đường ấy, với việc đạt được thoả thuận về Hướng dẫn thực hiện DOC. Tuy nhiên, những nỗ lực như vậy còn cần sự thống nhất về nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành cho đến từng người dân và sự thống nhất giữa lời nói và hành động”, Thứ trưởng nhận định.
Muốn đạt được điều đó, ông Hiến cho rằng các nước cần đề ra những định hướng hợp tác phù hợp và hiệu quả cũng như có những chương trình hành động cụ thể và thiết thực để đảm bảo có sự tham gia cao nhất của các nước, kể cả những quốc gia không có biển.
Hợp tác hải quân đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nguồn lực, xây dựng khả năng và hoạt động phối hợp của Hải quân các nước ASEAN, làm nòng cốt cho việc hợp tác với hải quân các nước đối tác trong khuôn khổ ADMM + trên các hướng ưu tiên đã được xác định.
Vì vậy, các nước cần bắt tay sớm và nỗ lực để từ định hướng, kế hoạch đến hoạt động là nhanh nhất. Một hành động đơn giản như tàu và máy bay hải quân ASEAN kéo còi và cờ chào nhau mỗi khi gặp gỡ trên biển, hay hoạt động cụ thể như tuần tra liên hợp đa phương, hay diễn tập tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, sẽ có ý nghĩa và tác dụng lớn đối với hợp tác quốc phòng - an ninh ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực.
Philippines mua tàu BRP Gregorio del Pilar của Mỹ để tuần tra
Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, Tư lệnh Hải quân Philippines, ông Alexnder Pama cho biết, tàu BRP Gregorio del Pilar không hẳn là một tàu chiến, Philippines sẽ sử dụng con tàu này chủ yếu trong nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ bờ biển.
"Philippines là một quốc đảo với rất nhiều hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, vì thế việc có một tàu tuần tra mới sẽ giúp chúng tôi có khả năng đảm bảo kiểm soát trên biển và đường bờ biển", ông Alexnder Pama nói. |