Giải quyết điểm nghẽn để nông sản ĐBSCL "cất cánh"
(Dân trí) - Trung tâm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ vùng ĐBSCL dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp.
Chiều 15/9, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên năm 2023 với chủ đề "Vai trò và giải pháp liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Trung tâm liên kết, tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL tại Cần Thơ có vai trò gì?
Ông Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, có địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước.
Mặc dù có điều kiện vị trí tự nhiên, tuy nhiên việc phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL còn gặp nhiều mặt hạn chế như: Quy mô phát triển phân tán, nhỏ lẻ, nguồn nhân lực qua đào tạo thấp so với các vùng trong cả nước, hạ tầng giao thông nội và liên vùng yếu,…
Theo ông Trường, Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ có nội dung thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ
Theo lãnh đạo UBND TP Cần Thơ việc xây dựng Trung tâm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ vùng ĐBSCL (gọi tắt là trung tâm) tại TP Cần Thơ là một việc hết sức cần thiết, sẽ đóng góp vào phát triển kinh tế ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng.
Trung tâm sẽ là hạt nhân của kinh tế hiện đại có vai trò gắn kết 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu.
Ngoài ra, trung tâm này sẽ tập hợp các nguồn lực có khả năng giải quyết các bài toán lớn của vùng như: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế, logistics hậu cần, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tạo thế và lực để TP Cần Thơ thực hiện vai trò là điểm kết nối giữa ĐBSCL và TPHCM, kết nối giữa các nước nằm trong lưu vực sông Mê Kông", Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường nhấn mạnh.
Báo cáo về đề án thành lập trung tâm, ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện KT-XH thành phố Cần Thơ, cho biết trung tâm sẽ có 2 khu với tổng diện tích 250ha. Khu 1 rộng 50ha được quy hoạch tại khu vực phường Long Hòa, quận Bình Thủy; Khu 2 rộng 200ha được quy hoạch xã Thạnh phú, huyện Cờ Đỏ.
Trung tâm dự kiến thu hút đầu vào cơ sở hạ tầng khoảng 6.600 tỷ đồng và hơn 9.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư vào khai thác thứ cấp trong thời gian tới. Trung tâm sẽ góp phần tăng kim ngạch xuất nhập khẩu cho các mặt hàng ĐBSCL, đặc biệt là giúp người dân, doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản thông qua việc nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản.
Việc thành lập trung tâm liên kết vùng rất cần thiết
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự trường đại học Nam Cần Thơ nhận định việc thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng là hết sức cấp thiết.
Tuy nhiên theo ông Xuân, trung tâm liên kết vùng ĐBSCL cần một big data (dữ liệu lớn), cụ thể về số liệu sản xuất ở các vùng được cập nhật theo từng mùa vụ, từng tháng.
"Liên kết vùng rất cần thiết nhưng điều kiện để liên kết rất phức tạp. Muốn liên kết vùng tôi nghĩ trung tâm này cần một big data cụ thể về số liệu sản xuất ở các vùng được cập nhật theo từng mùa vụ, từng tháng. Big Data này ngoài số liệu sản xuất, tiêu thụ của vùng ĐBSCL còn có thể mở rộng trên địa bàn toàn quốc", ông nói.
Ông Xuân cũng cho rằng trung tâm liên kết ĐBSCL cần kế hoạch cụ thể để sưu tập tất cả các điều kiện có thể liên kết được từ sản phẩm đến bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ,…
"Chúng ta liên kết để người nông dân nắm được tình hình sản xuất trong quy mô cá nhân và quy mô trên toàn quốc gia thậm chí là các quốc gia lân cận", ông Xuân nói thêm đồng thời cho rằng vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là địa phương trong việc liên kết vùng rất quan trọng.
"Nhà nước và địa phương cần phải có sự hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, người nông dân cần đồng lòng với doanh nghiệp. Tiếp theo đó, nhà nước cần đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi vay vốn, cải tiến máy móc", ông Xuân nhấn mạnh.