Giải phóng mặt bằng Khu kinh tế gặp khó vì loạt cán bộ xin nghỉ việc
(Dân trí) - Trưởng, phó ban, cán bộ của Ban quản lý dự án và giải phóng mặt bằng (GPMB) thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định xin nghỉ việc, chuyển công tác vì áp lực công việc.
Ngày 5/7, trong hội nghị lần thứ 17 (mở rộng) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đặng Vĩnh Sơn đã chia sẻ về những áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 5 dự án thuộc khu kinh tế tỉnh này.
Đến nay, có 3 dự án đã được phê duyệt phương án và đang tiến hành vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ. Tuy nhiên, công tác GPMB đối với 2 dự án tại thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) đang gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Sơn, dự án Vĩnh Hội hiện còn 178 hộ dân không cho kiểm đếm, dẫn đến tiến độ triển khai rất chậm. Tại xã Cát Hải, chỉ có 2 cán bộ địa chính, trong đó 1 người mới luân chuyển nên chưa nắm bắt được công việc.
Vì vậy, Ban Quản lý Khu kinh tế phải thuê thêm một nhân viên thường trực tại địa phương để xử lý công việc.
"Trưởng ban Quản lý dự án và GPMB thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã xin nghỉ việc, Phó ban xin chuyển công tác. Hiện chỉ còn 1 phó ban, ngoài ra 4 viên chức là trưởng phòng, chuyên viên cũng xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Điều này rất áp lực và dẫn đến khó khăn trong công tác GPMB", ông Đặng Vĩnh Sơn chia sẻ.
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cũng cho biết có 5 người trong Ban GPMB của Khu kinh tế tỉnh đã xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, khiến công tác GPMB tại Khu kinh tế trở nên phức tạp.
"Nếu tình trạng này tiếp diễn, không có dự án nào hoàn thành GPMB. Lãnh đạo địa phương, huyện, xã phải vào cuộc, không để việc gì cũng đẩy lên tỉnh. Tỉnh ủy sẽ có cuộc họp để chấn chỉnh, không để tình trạng dự án bị ách tắc vì chờ mặt bằng", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Theo ông Đỗ Văn Ngộ, Bí thư Huyện ủy Phù Cát, khó khăn lớn nhất trong GPMB là vấn đề kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất. Do liên quan đến nhiều thời kỳ, nhiều dự án, trong khi cấp xã chỉ có 1 cán bộ làm nhiệm vụ này.
Ông Ngộ cũng cho rằng, Đoàn công tác GPMB của địa phương đã tuyên truyền rất miệt mài, nỗ lực, nhưng nhiều hộ dân lại tỏ ra bất hợp tác, không muốn gặp gỡ, khiến việc GPMB trở nên phức tạp.
"Nhiều trường hợp, từ năm 1994 đến 2004 rồi 2014, người dân tự lấn chiếm khai hoang để ở. Tuy nhiên, xã xác nhận nguồn gốc đất là đất lấn chiếm nên khi GPMB, người dân không được nhận tiền đền bù. Việc này huyện đang tổng hợp lại để xin ý kiến lãnh đạo tỉnh", ông Ngộ nói.
Trước những vướng mắc mà lãnh đạo Huyện ủy Phù Cát nêu, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, thẳng thắn nói: "Đúng là đất người dân tự lấn chiếm nhưng từ năm 1994, họ ở ổn định, không tranh chấp, phù hợp theo quy hoạch thì công nhận, sau đó mới GPMB. Luật cho phép thì không làm, lại đẩy cái khó cho người dân. Nếu là tôi, tôi cũng không chịu".
Ông Lê Kim Toàn cũng nhấn mạnh, công tác GPMB là việc hết sức phức tạp, khó khăn nên cần phải vận dụng tất cả chính sách, đem lại lợi ích cho người dân. Những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ dự án phải là người hưởng lợi trước hết, vì khi được hưởng lợi, chắc chắn người dân sẽ đồng tình.