Giải phóng mặt bằng: 1.001 "đòn" ép dân
Gần một năm trôi qua nhưng việc đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực 3 mặt tiền đường Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Hải Triều (TPHCM) để xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng tài chính vẫn bế tắc. Chính quyền bao nhiêu lần "ra đòn" nhưng vẫn chưa thuyết phục được dân.
Người dân khu vực giải tỏa (phường Bến Nghé, Q.1, TPHCM) than có quá nhiều uẩn khúc và "đòn phép" đã được tung ra để hạn chế tối đa mức đền bù trong dự án này. Bất bình lên tới đỉnh điểm khi chính quyền ra quyết định: Tất cả các hộ trong khu vực giải tỏa... không được buôn bán! Quyết định vô lý này, có hiệu lực từ ngày 1/4, đã cắt mất chiếc "cần câu cơm" của người dân, buộc họ phải bước ra khỏi nhà...
Cắt "cần câu cơm"!
Những ngày này, đi ngang đường Hải Triều, khu vực bán rượu Tây lớn nhất thành phố, dễ dàng bắt gặp quang cảnh bất thường: Mmột loạt dãy ki-ốt đóng cửa, nhiều tấm bảng chỉ dẫn di chuyển địa điểm bán hàng được mọc lên.
Một số hộ kinh doanh vì mưu sinh nên vẫn lén lút bán hàng, người ra vô thậm thụt. Người dân phải tuân theo một quyết định vô lý trong khi các hộ kinh doanh ở đây đều có giấy phép kinh doanh, đóng thuế đầy đủ theo luật doanh nghiệp.
Bà Xuân, chủ một ki-ốt rượu tại số 8 Hải Triều bức xúc: "Cấm bán hàng thì lấy gì để tôi sống đây?". Trước đây, thu nhập một ngày từ bán rượu của bà Xuân được trên dưới 1 triệu đồng. Theo bà, lý do chính quyền ép người dân đóng cửa hàng, cấm buôn bán là để giải phóng mặt bằng trong khi người dân chưa nhận được một cắc bạc nào của ban đền bù dự án.
Chị Toàn, nhà tại số 10 Hải Triều than thở: "Trong khi đang lo lắng từng ngày chờ đợi một chính sách đền bù thỏa đáng thì quyết định này đã cắt nốt thu nhập chính đáng của chúng tôi. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu và chúng tôi sẽ sống thế nào?”.
Chị Th. ở 19 Hồ Tùng Mậu cho biết, ki-ốt rộng 20m2 nhà chị có giá thị trường khoảng 3 tỉ nhưng mức đền bù chỉ được gần 600 triệu đồng.
Nhà mặt tiền biến thành “nhà trong hẻm”
Việc cho đóng cửa "chợ rượu" mới chỉ là một trong những "đòn phép" tình thế mà chính quyền đưa ra để "giúp" nhà đầu tư nhanh chóng giải tỏa được mặt bằng.
Anh Tùng, một thương binh thời kháng chiến chống Mỹ hiện đang sống tại ngôi nhà số 45 Ngô Đức Kế, cho biết, để hạn chế tối đa mức đền bù, họ quy cho nhà anh và các hộ bên cạnh là "nhà trong hẻm". Theo đó, từ mức đền bù 28 triệu/mét vuông (với nhà mặt tiền), ban đền bù đã tự hạ giá xuống còn 20 triệu/mét vuông.
Từ khi vướng chuyện đền bù, anh Tùng nghiên cứu rất kỹ luật đất đai. Lôi ra một đống sách luật, anh bức xúc: "Không quy được chúng tôi là "nhà trong hẻm", họ quay sang "vặn" cách khác: nhà ở... không đúng công năng (!?). Chúng tôi hỏi thế nào là không đúng công năng thì cả chính quyền lẫn nhà đầu tư đều không trả lời được".
"Đòn phép" khác: 5 hộ dân từ số 6 - 14 Hải Triều đã được Nhà nước cấp giấy tờ đầy đủ từ năm 1975. Sau này chính kiến trúc sư trưởng thành phố ký quyết định cho các hộ ở đây được phép sửa sang, xây dựng nhà để kinh doanh, sinh sống. Đến khi lên kế hoạch giải tỏa, ban đề bù lại tuyên bố: Nhà thuộc diện vi phạm lộ giới, phải di dời!.
Ngoài ra, ban đền bù còn biến nhà số 4 Hải Triều thành nhà không có tầng trệt (thực chất là có). Biến tầng trệt nhà thành tầng 1, biến tầng 1 thành tầng hai. Bằng cách này, họ đã giảm tiền đền bù từ 19 triệu/mét vuông còn 11 triệu/mét vuông.
Dự án... ép dân
Theo quyết định 1207/QĐ-UB ký ngày 23/3/2005 thì UBND TPHCM đồng ý thu hồi hơn 5.000m2 đất tại phường Bến Nghé, Q.1 để giao cho Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại văn phòng dịch vụ tài chính. Ông Phó chủ tịch UBND Q.1, Nguyễn Quang Chúc đã nói với dân rằng đây là một dự án kinh tế!.
Theo Luật Đất đai, tại chương II, điều 40 thì với dự án kinh tế, không thể có quyết định thu hồi đất. Nhà đầu tư chỉ được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất... mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Cũng theo QĐ này, các sở chức năng phải phối hợp với UBND Q.1 hướng dẫn Công ty sản xuất kinh doanh XNK Bình Minh lập phương án di dời, bồi thường GPMB cho người dân. Thông báo 66/TT-UB ngày 30/5/2005 của UBND Q.1 còn nói rõ "chủ đầu tư phải lập phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư". Nhưng thực tế, việc này đã được giao cho Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.1.
Nghĩa là, người dân đã không được trực tiếp bàn bạc giá cả bồi thường với nhà đầu tư. Từ đó, "ban bồi thường" đã đưa ra nhiều mức giá đền bù mang tính áp đặt, o ép người dân trong khi nhà đầu tư được lợi.
Ông Nguyễn Thế Mão, ủy viên Ban bồi thường, đại diện cho 61 hộ dân trong khu phố bị giải tỏa cũng bức xúc: "Nhiều người dân hỏi, Ban bồi thường đã ký hợp đồng "làm thay" chủ đầu tư bao nhiêu tiền?".
Ngày 10/4/2005, khi dân chưa biết tí gì về chủ trương giải tỏa thì nhà đầu tư đã cho xe, người đến đập phá nhà cửa. Khi dân khiếu kiện thì "cấp trên" mới cho họp dân để... thông báo.
Ngày 24/4/2005, dự án được khởi công xây dựng nhưng tới tận ngày 30/5/2005 quận mới ra thông báo chủ trương quy hoạch, di chuyển! Một sự áp đặt coi như "sự đã rồi". Bà Liên, 45 Ngô Đức Kế, bức xúc: "Tiền trảm hậu tấu, công trình này ép dân nhiều quá!".
Theo Thiếu Gia
Thanh Niên