Giải pháp để cán bộ "không thể, không dám, không muốn tham nhũng"
(Dân trí) - Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc để người cán bộ đảng viên, "không thể, không dám, không muốn tham nhũng", ngoài việc siết chặt kỷ luật thì chính sách tiền lương cần sớm được cải thiện.
Những năm qua, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.
Trong đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp luôn được coi trọng. Việc này nhằm lựa chọn những người có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của hệ thống chính trị.
Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Nói về việc cần phải có biện pháp để người cán bộ đảng viên "không thể, không dám, không muốn tham nhũng", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng cho rằng, người cán bộ đảng viên không tự nhiên có mà phải trải qua đào tạo, giáo dục, rèn luyện.
Điều này đã được thể hiện rõ trong quan điểm của Bác về công tác cán bộ. Bác Hồ từng nói "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng".
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về công tác cán bộ. Đảng ta luôn xác định xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng kinh tế là trung tâm, trong đó công tác cán bộ là then chốt của xây dựng Đảng.
Vì sao hàng loạt cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý?
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, đã có nhiều cán bộ cao cấp bị thi hành kỷ luật. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, 20 cán bộ Ủy viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã bị xử lý kỷ luật với nhiều mức khác nhau.
Theo ông, những vi phạm của cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao gây ra những hậu quả nặng nề, làm mất uy tín của Đảng, suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Ông Phúc cho rằng những cán bộ không có thực tài, phẩm chất đạo đức kém, khi ngồi vào vị trí quan trọng rất dễ tiêu cực, tham nhũng.
Hơn nữa, một số lượng không nhỏ cán bộ không trau dồi nghiệp vụ, đạo đức, mà chỉ lo xây dựng "mối quan hệ", sẵn sàng dùng vật chất để giải quyết mọi vấn đề.
Thời gian qua, nhiều cán bộ cấp cao vướng vòng lao lý như, cựu Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng; cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Hay mới đây nhất là cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan; cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái…
"Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng này là một số cán bộ chưa tuân thủ nghiêm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước", ông Phúc nói, đồng thời cho rằng các chính sách pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở để cán bộ, đảng viên lợi dụng tham nhũng, làm sai quy định của Đảng, Nhà nước.
Theo ông, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm là do chưa làm tốt việc tu dưỡng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, lối sống mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Một số tổ chức vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; cá nhân vi phạm quy định của Đảng, vi phạm 19 điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.
Đồng quan điểm trên, song ông Đỗ Đức Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh đến công tác thanh tra còn có hạn chế.
Việc phát hiện, kiến nghị chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra còn chưa kịp thời. Ngoài ra, sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan trong công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự có lúc chưa chặt chẽ.
Ông Hà nhấn mạnh trong công tác quản lý cán bộ đảng viên còn lỏng lẻo, kiểm soát quyền lực chưa chặt chẽ.
Làm gì để cán bộ không muốn tham nhũng?
Đưa ra giải pháp để cán bộ "không thể, không dám, không muốn tham nhũng", ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng cần siết chặt kỷ luật, xử lý nghiêm minh, kiên quyết đưa những cá nhân, tổ chức vi phạm ra ánh sáng.
Theo ông việc xử lý không có vùng cấm bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào…
Tiếp theo, chính sách pháp luật cần được siết chặt, không để xảy ra những kẽ hở trong pháp luật.
Nhất là các chính sách trong quản lý mối quan hệ giữa lãnh đạo quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp, để kịp thời phát hiện các doanh nghiệp làm ăn không đúng đắn, dùng tiền thao túng quyền lực, lôi kéo những cán bộ có chức, có quyền sa ngã.
"Khi kỷ cương và pháp luật được siết chặt, hệ thống pháp luật chặt chẽ, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ không thể lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xem xét, theo dõi, quản lý nghiêm để cán bộ, đảng viên không thể, không dám tham nhũng, không muốn sai phạm", ông Phúc nói.
Bên cạnh đó, ông lưu ý đến việc kiểm soát quyền lực của cán bộ, không để kẽ hở trong công tác quản lý cán bộ, đảng viên. Việc kiểm tra, giám sát đảng viên cần được thực hiện thường xuyên, từ cấp cơ sở đến cấp Trung ương để phát hiện, ngăn chặn kịp thời những vi phạm nếu có.
Ông Phúc cũng đề cập tới việc nâng cao công tác đào tạo, tuyển chọn đội ngũ cán bộ chất lượng. Theo đó, những cán bộ được lựa chọn phải thật sự là người có đức, có tài, liêm chính và thực sự phục vụ đất nước.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói cái "đức" là gốc của cán bộ. Nếu như không đào tạo chuẩn chỉnh, cán bộ, đảng viên sẽ có suy nghĩ lệch lạc, nhận thức chưa đầy đủ, dễ bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa", ông Phúc nói, đồng thời nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên cần phải giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho bản thân để không bị cám dỗ, luôn giữ cho mình danh dự thanh cao, trong sạch nhất.
Ông Phúc dẫn lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất của mỗi đảng viên"; "Phải giữ cho được tư cách, đạo đức, danh dự của người đảng viên, người cán bộ cách mạng".
Với hàng loạt các giải pháp đưa ra, ông Phúc không quên đề cập đến vấn đề tiền lương, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ. Bởi theo ông, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần được đảm bảo những yếu tố đó để họ an tâm công tác. Khi họ không phải lo cơm áo, gạo tiền sẽ không xảy ra tình trạng "tham nhũng vặt".
Nhìn từ thực trạng trên, ông Phúc chia sẻ, Đảng và Nhà nước ta đã có những điểm mới về chính sách cải cách tiền lương và dự kiến từ ngày 1/7 tới sẽ tăng mức lương bình quân chung cho cán bộ, công chức, viên chức lên khoảng 30%.
Đồng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, song ông Đỗ Đức Hồng Hà với tư cách là Đại biểu Quốc hội còn chỉ ra một bộ phận cán bộ còn chưa trung thực trong việc kê khai tài sản. Vì lẽ đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kê khai tài sản, truy nguồn thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để phát hiện điểm bất thường.
Ông Hà nhấn mạnh, cần kiểm soát tài sản của cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu qua tài khoản ngân hàng để từ đó, kịp thời truy vết và ngăn chặn khi có dấu hiệu bất thường.
Ông viện dẫn, với cách làm trên, nước Nga đã ban hành văn bản về chống tham nhũng.
Theo đó, nước này sẽ sa thải khỏi vị trí đang được bổ nhiệm và (hoặc) sa thải người đang giữ một vị trí trong cơ quan Nhà nước nếu không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch về thu nhập, chi phí, tài sản và nghĩa vụ tài sản cũng như cố ý cung cấp thông tin sai sự thật về thu nhập, chi phí, tài sản, nghĩa vụ tài sản của vợ, chồng và con chưa thành niên.
Theo ông Hà, ở Việt Nam, cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, khắc phục ngay những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng quan điểm trên, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng Nguyễn Trọng Phúc nhìn nhận, công tác đào tạo cán bộ có vai trò rất quan trọng. Đó là cái gốc của mọi công việc.
Quyền lực có được sử dụng đúng hay không phụ thuộc rất lớn vào cán bộ. Để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao tính nêu gương đối với cán bộ, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu, để cán bộ "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".