TPHCM:

Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội

Quang Huy

(Dân trí) - "Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói về đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4.

Chiều 1/11, Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong suốt quãng thời gian thành phố diễn ra đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng vũ trang của Quân khu 7, Bộ Tư lệnh TPHCM cùng các tỉnh, thành tăng cường đã tham gia cùng ngành y về điều trị, chăm sóc F0, khâm niệm, bàn giao tro cốt nạn nhân, đảm bảo trật tự, an sinh xã hội. 

Bày tỏ sự xúc động trước những đóng góp của lực lượng quân đội, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - chia sẻ, trong quãng thời gian dịch Covid-19 bùng phát dữ dội nhất, các chiến sĩ đã để lại những hình ảnh xúc động, không thể quên cho cán bộ, nhân viên ngành y và người dân trên toàn địa bàn. Các chiến sĩ quân đội, bác sĩ quân y cũng giúp ngành y vượt qua những giai đoạn hoảng loạn nhất.

Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội - 1

Trong những ngày căng thẳng nhất của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, lực lượng quân đội đã tham gia giúp sức cho TPHCM trên nhiều lĩnh vực (Ảnh: Nguyễn Quang).

Hình ảnh xúc động nhất

"Khi đợt bùng phát dữ dội diễn ra, các lực lượng quân đội đã hỗ trợ kịp thời ngành y tế tại tầng điều trị thứ 3, nơi nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch. Hình ảnh xúc động, ấn tượng nhất mà lãnh đạo, ban giám đốc các bệnh viện nhớ mãi là lúc các lực lượng vũ trang chăm sóc thi hài bệnh nhân không may qua đời" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhìn nhận. 

Ông Tăng Chí Thượng điểm lại, trong giai đoạn khó khăn đó, nhiều bệnh nhân Covid-19 tử vong trong bệnh viện chưa được đưa đi ngay. Một hình ảnh buồn được nhắc tới là khi các nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 này, nhưng bệnh nhân tử vong khác lại ở gần đó.

Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội - 2

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM (Ảnh: H.K.).

"Anh em y, bác sĩ gần như bấn loạn lúc đó. Nếu không có phương án xử lý thi hài của Bộ Tư lệnh, ngành y không biết xử lý tình huống thế nào", lãnh đạo ngành y tế TPHCM bày tỏ.

Bên cạnh đó, hình bóng của các chiến sĩ, lực lượng vũ trang tham gia từ công tác quản lý, điều hành, đến chăm sóc bệnh nhân như một anh, chị hộ lý ngành y cũng là điểm nhấn không thể nào quên trong đợt bùng phát dịch vừa qua. Các bác sĩ mặc áo lính đến từng nhà dân cũng góp phần giúp mô hình chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng phát huy hiệu quả rõ nét.

"Việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại cộng đồng như một mũi giáp công thứ 2 của TPHCM. Đây là một trong những mô hình cần giữ lại và phát triển trong thời gian tới" - ông Tăng Chí Thượng nêu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, mong muốn, thời gian tới, các lực lượng của Bộ Tư lệnh thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho các trạm y tế lưu động. Khi dịch bệnh tái bùng phát, các trạm y tế lưu động với sự phối hợp của lực lượng y tế, quân đội sẽ kịp thời triển khai để đáp ứng nhu cầu.

Nỗ lực để lo công tác hậu sự chu toàn

Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM, cho biết, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, đơn vị đã xây dựng kế hoạch đảm bảo 3 điểm bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân không may qua đời tại Gò Vấp, bệnh viện dã chiến số 14, Nhà tang lễ thành phố. Những điểm trên được duy trì nhằm tránh tình trạng phải di chuyển bệnh nhân Covid-19 qua đời, giúp các công đoạn được cơ động hơn.

"Trong giai đoạn vừa qua, có thời điểm toàn địa bàn có hơn 3.000 thi hài bệnh nhân chưa được xử lý. Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp với sở Tài nguyên Môi trường khảo sát các lò hỏa táng, đánh giá, phân tích công tác tổ chức để đảm bảo việc xử lý thi hài đúng phong tục tập quán, đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường" - Thượng tá Nguyễn Khắc Tuynh thông tin.

Giai đoạn khó khăn nhất của ngành y và hình ảnh không thể quên về quân đội - 3

Lực lượng quân đội trao trả thi hài bệnh nhân Covid-19 tử vong (Ảnh: Nguyễn Quang).

Ngoài ra, trong công tác vận chuyển, bảo quản, xử lý thi hài bệnh nhân, Bộ Tư lệnh đã phối hợp với các đơn vị trong từng công đoạn. Sau khi thi hài bệnh nhân Covid-19 được đưa từ bệnh viện đến khu tập kết, Sở Thông tin Truyền thông, Công viên Phần mềm Quang Trung đã tích hợp thông tin, gắn mã cho từng trường hợp, giúp công tác khâm niệm, hỏa táng thuận lợi hơn.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Bộ Tư lệnh TPHCM đã phối hợp cùng Sở Y tế, các cơ quan chức năng tham mưu thiết lập và vận hành 101 bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 với quy mô hơn 61.000 giường. Hơn 36.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân đã tham gia phục vụ tại các trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm phong tỏa và chốt kiểm soát dịch.

Lực lượng vũ trang thành phố cũng tổ chức thiết lập 4 khu vực tiếp nhận thi hài nạn nhân tử vong do Covid-19. Tổ chức thành lập 4 đại đội, 12 trung đội, 12 tiểu đội, trang bị công cụ hỗ trợ, vật chất sẵn sàng xử trí tình huống gây mất an ninh trật tự, an toàn tại các khu cách ly, bệnh viện điều trị.