“Giải cứu” ùn tắc hầm Thủ Thiêm: Giờ cao điểm thông thoáng
(Dân trí) - Sau 2 ngày phối hợp với Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TPHCM) triển khai điều tiết giao thông qua hầm Thủ Thiêm theo phương án mới, Trung tâm Quản lý Đường hầm cho biết kết quả rất khả quan.
Ngày 14/12, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) cho biết, thời gian gần đây, đường hầm sông Sài Gòn (nối quận 1 với quận 2) thường xuyên xảy ra cảnh ùn ứ, kẹt xe do lưu lượng xe máy lưu thông qua hầm tăng, đặc biệt là giờ cao điểm.
Ngoài ra, tình trạng ùn xe gắn máy tại đầu hầm thường xảy ra khi có sự cố va chạm xe máy trong hầm hoặc hư hỏng, xe máy dẫn bộ trong hầm...
Trước tình trạng nói trên, Trung tâm đã phối hợp với PC67 (Đội CSGT Cát Lái và Đội CSGT Bến Thành) thống nhất, triển khai bổ sung một số biện pháp điều chỉnh và thực hiện ngay từ chiều 12/12.
Theo đó, đối với đầu hầm quận 2, tăng thêm 1 làn xe tiếp cận khu vực đầu hầm dành cho các loại xe gắn máy, điều chỉnh lại bề rộng, kích thước hình học đường dẫn vào hầm; Tăng thêm 1 làn xe cho hướng thoát xe ra khỏi hầm giúp các xe gắn máy lưu thông ra khỏi hầm thuận lợi hơn. Trong trường hợp lưu lượng xe dồn ứ trong phạm vi dừng chờ ra ngoài trạm thu phí, sẽ điều tiết ngăn xe ô tô vào trong hầm để ưu tiên cho xe máy.
Đối với đầu hầm quận 1, khi lượng xe máy vào hầm cao, lực lượng tham gia điều tiết sẽ cho tạm ngưng xe ôtô lưu thông vào hầm (điều tiết, dừng trước cửa hầm tại vị trí biển báo khu vực camera) để xe máy lưu thông vào trong làn ô tô.
“Trung tâm Quản lý Đường hầm sông Sài Gòn cùng PC67 đã triển khai và phát huy hiệu quả. Trong 2 ngày qua, ở các khung giờ cao điểm, không còn xảy tình trạng ùn ứ giao thông tại khu vực trước và trong hầm Thủ Thiêm”, ông Triết thông tin.
Theo ghi nhận của PV Dân trí vào giờ cao điểm sáng nay (14/12) tại đầu đường dẫn vào hầm Thủ Thiêm phía quận 2, dù lượng xe máy dồn dập đổ về để qua hầm vào trung tâm TP nhưng đã không xảy ra cảnh ùn tắc như những ngày trước đó. Nhiều nhân viên Trung tâm hầm và CSGT đã được điều động để phân luồng điều tiết, đồng thời với việc đường dẫn vào hầm tăng thêm diện tích đã “giải cứu” được tình trạng ùn tắc giao thông qua hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á này.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ (quận 2) và đại lộ Võ Văn Kiệt (qua các quận 1, 5, 6, 8) ở TPHCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ vào tháng 9/2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 6/1/2010, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt hầm.
Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2).
Ngày 4/8/2010 đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4/9/2010.
Ngày 21/9/2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm. Từ 6h sáng ngày 21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông.
Đăng Lê