1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Giấc mơ Ve Sầu

Chỉ có thơ mới cho em cánh cửa để bước vào cuộc đời thường, dẫu rất đỗi bình dị. Chỉ khi thành ve sầu mới mong giúp em hoá kiếp tật nguyền vì di hại của chất độc da cam/dioxin...

 Đó là lý do mà nạn nhân chất độc da cam/dioxin Nguyễn Thế Quy đã làm thơ và lấy bút danh Ve Sầu cho tập thơ 117 bài của mình. Nhưng điều lay động lòng người hơn ở “nhà thơ” lê lết tấm thân tàn khắp các nẻo đường quê Duy Xuyên, Quảng Nam để bán hương nuôi thân này là tuổi thơ bị ruồng bỏ, là nghị lực vươn lên không mệt mỏi từng ngày để mưu sinh và khát vọng... 

 

Giấc mơ Ve Sầu  - 1

Quy đã biết đọc, viết, làm thơ và thành thạo cả máy vi tính, dù chỉ tự học. Ảnh: Thanh Hải
 

 

Mẹ đi con còn ấu thơ...

 

Đã khá lâu rồi tôi mới nghe được một bài hát viết về mẹ mà có thể làm rơi nước mắt bất kỳ ai. Giọng cô ca sĩ trẻ Thuỳ Trâm đượm buồn, da diết khi chuyển tải giấc mơ của cậu bé mồ côi về một người mẹ quê tần tảo và đầy những cử chỉ trìu mến. Tình mẹ cụ thể bằng những vòng tay, ánh mắt yêu thương làm người nghe như trở lại bé thơ qua từng ca từ. Rồi vỡ oà ra, rằng đấy chỉ là giấc mơ thôi, vì người mẹ đó đã rời bỏ ra đi khi con (tác giả) tuổi còn ấu thơ... Nỗi ám ảnh từ bài hát ấy không chỉ dừng lại ở đó, mà mở đầu cho một câu chuyện buồn về thân phận cậu bé bị nhiễm chất độc da cam Nguyễn Thế Quy ở thôn Xuyên Tây, Nam Phước, Quảng Nam.

 

Tôi nhờ Thuỳ Trâm hướng dẫn để tìm về nhà Thế Quy. Mùa hè đổ lửa, nhưng bỗng như dịu mát lại bởi màu xanh mượt mà của vùng quê tơ lụa Mã Châu một thời vang bóng. Con đường bêtông ngoằn ngoèo từ thị trấn Nam Phước dẫn vào thôn Xuyên Tây không đến nỗi nhọc nhằn, nhưng đấy là những chặng đường đầy mồ hôi, nước mắt và cả máu của Quy từng in dấu.

 

Người dân nơi đây đã quen với hình ảnh cậu bé tật nguyền, chân tay cong quèo, mặt ngửa lên trời cười ngặt nghẽo, lê lết trên con đường đầy bụi đất để bò đến trường xem bạn đi học. Rồi theo năm tháng, hình ảnh ấy cũng lớn dần khi Quy ngồi trên chiếc xe lắc tay với mớ hương trầm đi bán dạo. Lắm lúc lên cơn động kinh, sùi bọt mép, xe lăn đứng sựng giữa đường... Nhưng ấn tượng là cậu bé này không bao giờ nhận lòng thương hại, bố thí của người qua đường, ngoài việc ủng hộ mua hương.

 

Ông Nguyễn Thế Quyền - bố của Quy, cựu chiến binh trở về từ chiến trường K - cho biết: “Bạn cùng đại đội tôi có ít nhất 8 đứa bị ảnh hưởng nặng nề và bộc phát những di hại của chất độc da cam/dioxin trên thân thể ngay sau ngày xuất ngũ. Tôi tưởng mình may mắn hơn, nhưng không ngờ có đến 2 đứa con phải gánh bệnh thay cha. Thằng Quy vừa sinh ra, lành lặn nhưng lại chết lịm đi gần 1 giờ đồng hồ. Nhiều lần cấp cứu, nuôi lồng kính 4 tháng thì bác sĩ mới cứu được.

 

Nhưng niềm tin về sự nhiệm màu đã vỡ vụn khi cháu lên 3 mà vẫn nằm bất động tại chỗ. Lên 6 tuổi, chân tay co quắp, đầu cổ quặt quẹo. Đến giọng nói, nụ cười cũng không được tròn môi, rõ tiếng. Gánh nặng của gia đình nông dân với 4 đứa con thơ dại lại chồng chất khó nhọc bởi có đến 2 đứa tật nguyền đã chia lìa gia đình tôi. Mẹ của Quy đã bỏ nhà ra đi khi cháu mới 11 tuổi. Lúc ấy cháu cũng chỉ mới biết ấm ớ, bò lết trên nền đất lạnh. Thương cháu, chị gái goá bụa của tôi đã đem về nuôi”.

 

Bởi vậy, ca từ trong bài hát “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Cam Tâm phổ thơ của Quy, không phải là hình ảnh thật về người mẹ của em, mà chính là sự khát khao của Quy: “Mẹ về giữa giấc mơ khuya/ Ôm tôi và bón từng thìa cơm ngon/ Bàn tay nắng cháy héo hon/ Ôm tôi thật chặt vẫn còn xa xôi/ Tôi ôm mẹ, mẹ ôm tôi/ Mẹ ru mẹ hát như hồi ấu thơ/ Đêm khuya sương lạnh sao mờ...” Rồi như oán trách dỗi hờn: “Tôi thầm gọi mẹ, mẹ ơi/ Mẹ đi biền biệt con thời còn thơ/ Dáng mẹ giờ ở trong mơ/ Phải chăng đó chính là bờ vai cô/ Thân gầy tiều tụy héo khô/ Không con sao vẫn lao đao tảo tần...”. Tôi nghẹn lòng khi nhìn bà Nguyễn Thị Nhân - người cô, mẹ mới của Quy - lặng lẽ nước mắt chảy dài, ngồi nghe Thuỳ Trâm hát...

 

Bất tận mùa hè

 

Một điều mà ai cũng nhầm tưởng là Quy bị thiểu năng. Nhưng thực tế, trí não của em vẫn phát triển bình thường. Thậm chí em còn thông minh, sắc sảo hơn chúng bạn. Đặc biệt là những xúc cảm lành lặn và tràn đầy yêu thương có thể thấy qua cả trăm bài thơ em đã viết. Chính vì tàn tật nặng, Quy chỉ lê lết một chỗ, nói năng không rõ và bề ngoài dị dạng của mình đã ngăn bước em đến trường. Quy kể, ngày xưa, ông nội họ của em làm hiệu trưởng mà cũng không thể bảo lãnh cho em đến lớp được.

 

Bởi vậy, chỉ sau thời gian ngắn bò đến lớp, bạn bè trẻ con chưa hết hốt hoảng thì cửa trường đã đóng chặt với riêng em. Khát khao được học, Quy theo em gái đến trường, rồi nghe thầy cô giảng bài từ phía ngoài cửa lớp. Em biết viết, biết đọc và biết làm toán được ở trình độ lớp 6 là nhờ học lén qua cửa sổ Trường Tiểu học Trần Phú. Tôi hỏi Quy vì sao em lấy bút danh Ve Sầu nghe não nề vậy? Quy đáp rất... thơ, rằng cả cuộc đời em là mùa hè bất tận. Em đâu có ngày nào được chính thức đến trường, vào lớp học.

 

Biết được chữ để đọc sách đã là khó, Quy viết được chữ càng quá sức tưởng tượng của mọi người. Nhìn Quy xoay người, đầu bị đập xuống tận sàn, vách tường, lấy cả thân mình đè cuốn vở rồi ráng gân để cầm bút bằng tay mà tôi toát cả mồ hôi. Mỗi chữ em viết ra được phải mất đến vài phút và mệt lả cả người. Bà Nhân kể, lúc đầu nó tập viết bằng chân, nhưng cả năm trời không sao kẹp bút được. Khi chuyển sang tay, chẳng bút viết nào chịu nổi vì bị đè gãy hết. Phải mất cả bó bút chì Quy mới viết được vài chữ mỗi ngày. Bởi vậy, em đã dồn tiền bán hương, mua máy vi tính rồi tự mày mò học. Với sự giúp sức thần kỳ của chiếc máy vi tính mới chuyển tải hết được hồn thơ của Quy.

 

Những vần thơ không tật nguyền

 

Thơ của Quy không hay, nhưng tràn đầy tình người. Nó chứa chan tình yêu quê hương, gia đình, bè bạn, là những khát vọng cháy bỏng, là niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Những vần thơ chân chất và đầy nghị lực như chính Quy. Đáng khâm phục hơn khi biết Quy chưa từng được đến trường, chưa từng học hành, ngay cả quãng đời ấu thơ, tật nguyền cũng thiếu bàn tay chăm bẵm của bố mẹ. Đói thiếu cả cơm ăn áo mặc, vậy mà vẫn yêu đời, làm thơ.

 

Quy không hề mặc cảm. Đánh vật với bàn phím vi tính, em đã gửi thư cho tôi những suy nghĩ chững chạc: “Dị thường, khác biệt cũng là cái thú vị mà tạo hoá ban tặng. Đời em như cái sọt rác, bóng đêm luôn phủ kín. Nhưng chính vị thần bóng đêm ấy đã mang đến cho em những giấc mơ kỳ lạ, ban cho em người bạn tinh thần vô giá. Những vần thơ đã xua tan đi mọi muộn phiền, cay đắng và đã đưa em đến một chân trời mới lạ, tràn đầy hạnh phúc”... Bởi vậy, thơ của Quy là những tình cảm chảy ra từ trái tim đầy khát khao về cuộc sống bình dị.

 

Hằng ngày, không quản nắng mưa, Quy vẫn nhẫn nại lắc xe lăn khắp các nẻo đường quê để bán hương trầm. Đồng tiền lời ít ỏi, Quy góp thêm cho cô để đỡ những bữa cơm cà dưa mắm. Còn lại, em mua sách để tự học. Nhưng ước mơ không dừng lại ở đấy. Quy đã tìm đến cơ sở tình thương của võ sư Nguyễn Đức Cường để giao lưu với bạn đồng cảnh ngộ, để học vẽ. Những bức hoạ đầy mồ môi và nỗ lực khó tin của Quy cũng đẹp đẽ như thơ em - không thấy dấu vết tật nguyền.

 

Võ sư Cường - người đã nhận cưu mang cả chục trẻ em khuyết tật, đào tạo nghề miễn phí giúp các em - cho biết: “Tôi đã “nhặt” Quy từ một lần tình cờ. Lúc ấy, em trông rách rưới và như vô hồn, đang đứng bên mép đường xem một đám tang qua làng. Cũng như mọi người lần đầu tiếp xúc, tôi tưởng em bị thiểu năng nên mang về để cưu mang. Không ngờ, suy nghĩ em sáng suốt lạ thường. Em lại có năng khiếu bẩm sinh về thơ. Có được đi học đâu mà lại lắm ngôn từ bay bướm.

 

Mới đặt chân đến Cội Nguồn (tên của cơ sở tình thương - quán càphê của anh Cường), Quy đã đề tặng ngay bài thơ làm chết lặng mọi người: “Cội nguồn hai tiếng thân thương quá/ Lạc bước đến đây ngỡ về nhà.../ Xin hãy tách rời tàn và phế/ Hoạ - phúc hoàn toàn ở nơi ta”. Và rồi em đã tìm được bạn, được thầy, được tình thương yêu của mọi người nơi đây. Bao tháng ngày bẻ nát từng bó cọ, bút vẽ, bây giờ Quy đã có thể tự vẽ và bán được tranh cho du khách.

 

Anh Cường kể câu chuyện xúc động về nghị lực và hoàn cảnh thương tâm của Quy đã được nhiều người biết và ngưỡng mộ. Họ quyên góp, gửi về cho Quy được 25 triệu đồng để em mua máy tính, sách. Nhưng Quy đã nhường lại số tiền đầy ý nghĩa ấy, tặng cho một em bé bất hạnh khác để mổ tim. Không chỉ có nghị lực, sự tự trọng, mà lòng nhân ái của Quy cũng khiến thiên hạ ngả mũ chào. Bây giờ Quy đã 22 tuổi, có thể tự mưu sinh, dẫu còn lắm nhọc nhằn. Nhưng nhìn cảnh bố em - ông Nguyễn Thế Quyền - cũng ngồi trên xe lăn vì bị tai nạn, gãy xương đùi, đám con nheo nhóc giờ bám víu hết vào người cô của Quy, làm tôi ái ngại trước lúc ra về.

 

Theo Thanh Hải

Lao động