Cơn bão HIV/AIDS ở bản nghèo:

Giấc mơ Kẻ Nính

(Dân trí) - “Năm 2016, số lượng người nhiễm HIV ở Kẻ Nính nhiều quá, lên đến gần 100 người. Một Câu lạc bộ Hi Vọng không làm hết việc, phải tách ra, thành lập thêm CLB Niềm Tin, mỗi CLB phụ trách 2 bản”. Thông tin chị H. cung cấp về tình hình bệnh nhân nhiễm HIV ở đây khiến chúng tôi bất ngờ.

4 bản, gần 100 người nhiễm “H”

Người đầu tiên nhiễm HIV ở Kẻ Nính được phát hiện là ai không ai còn nhớ nữa. Chỉ biết rằng, ngót 1 thập kỷ trôi qua, cơn bão “ết” đã hủy hoại biết bao phận người, đẩy bao nhiêu gia đình vào cảnh tan nát.

Chị Mạc Thị H. kể câu chuyện buồn của mình. Chị nhiễm HIV từ chồng, con gái chị cũng bị căn bệnh chết người này.
Chị Mạc Thị H. kể câu chuyện buồn của mình. Chị nhiễm HIV từ chồng, con gái chị cũng bị căn bệnh chết người này.

Chị Mạc Thị H. (SN 1984, trú bản Đình Tiến, xã Châu Hạnh, Quỳ Châu, Nghệ An) nhiễm HIV từ chồng. Chồng chị H. từng là phu gỗ, bập vào ma túy rồi mang mầm bệnh HIV trong người. Người đàn ông ấy không biết mình mắc bệnh nên chuyện vợ chồng cũng không thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

Năm 2010, anh ta được phát hiện nhiễm HIV sau một trận ốm thập tử nhất sinh. Lúc này, chị H. cũng mới biết mình đã lây căn bệnh chết người từ chồng. Đau đớn hơn, đứa con gái 3 tuổi cũng bị nhiễm “H”. Năm 2015, sau khi chồng chết, chị H. tái giá với một người đàn ông khác, cũng bị nhiễm H.

Cô con gái thứ 3 của ông Hoàng Văn T. (công an viên bản Đình Tiến) cũng bị nhiễm HIV. Con rể ông từng là thợ làm gỗ rồi nghiện ma túy, nhiễm HIV và lây cho vợ. Anh Vi Văn Đ. (bản Kẻ Nính) cũng nhiễm căn bệnh thế kỷ vì sử dụng chung kim tiêm với bạn nghiện khi đi làm gỗ thuê. Người vợ của anh cũng bị lây nhiễm từ chồng nhưng may mắn là 2 đứa con (SN 2005 và 2009) hoàn toàn khỏe mạnh.

Một góc bản Kẻ Nính sau khi chia tách. Đây là bản duy nhất trong cụm dân cư Kẻ Nính trước đây được công nhân là bản văn hóa nhưng đời sống của đại bộ phận người dân vẫn đang hết sức khó khăn.
Một góc bản Kẻ Nính sau khi chia tách. Đây là bản duy nhất trong cụm dân cư Kẻ Nính trước đây được công nhân là bản văn hóa nhưng đời sống của đại bộ phận người dân vẫn đang hết sức khó khăn.

Năm 2012 thực sự là một năm khủng khiếp trong kí ức của người dân Kẻ Nính khi danh sách những người nhiễm HIV được phát hiện cứ dài thêm ra. Có đợt cứ vài ba ngày lại có người chết khiến dân bản hoang mang, lo lắng. Theo tính toán của ông Hoàng Văn Thám, có khoảng 30% số hộ dân của bản Đình Tiến có người nhiễm HIV.

Bà Lê Thị Nga, Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh cho biết: “Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2018, toàn xã có 126 người nhiễm HIV. Riêng tại 4 bản của Kẻ Nính có 80 người đang uống thuốc điều trị ARV, 25 người đã tử vong vì AIDS”.

Tuy nhiên, theo chị Mạc Thị H., chủ nhiệm CLB Hi Vọng – CLB hỗ trợ người nhiễm HIV đầu tiên ở Kẻ Nính thì con số thực tế sẽ lớn hơn: “Có những gia đình có người qua đời với những dấu hiệu điển hình của nhiễm HIV/AIDS nhưng người thân của họ không chịu đi xét nghiệm dù chúng tôi đã vận động nhiều lần. Họ tái hôn, sinh con, cả nhà ốm yếu triền miên nhưng nhất quyết không đi xét nghiệm.

Năm 2016, số người nhiễm “H” ở đây nhiều quá, xấp xỉ 100 người, 1 CLB thì làm không xuể nên chúng tôi phải tách ra, lập thêm một CLB nữa. Hiện CLB Hi Vọng phụ trách 2 bản Đình Tiến và Tà Cồ với gần 50 thành viên, CLB Niềm Tin phụ trách 2 bản Kẻ Nính và Pà Cọ, có gần 40 thành viên”.

Vĩ thanh

Con ma “ết” không quá đáng sợ; người nhiễm “ết” không thể chết ngay được nếu uống thuốc điều trị đầy đủ; nếu được điều trị, người có “ết” vẫn có thể lao động để tự giúp mình, giúp gia đình. Thông tin cơ bản ấy cũng phải mất một thời gian dài những người có trách nhiệm mới có thể “truyền” được đến với người dân và những người ở 4 bản Kẻ Nính đang mang căn bệnh thế kỷ này.

Người dân bản Đình Tiến phơi măng khô - nguồn thu nhập chủ yếu của họ hiện tại.
Người dân bản Đình Tiến phơi măng khô - nguồn thu nhập chủ yếu của họ hiện tại.

Các thành viên CLB Hi Vọng và CLB Niềm Tin đến từng nhà, gặp từng người, “truyền thông” cho bà con, cho chính những người đang mang mầm chết trong cơ thể. Không những thế, họ còn là chỗ dựa cho chính những người đồng cảnh.

“Có khi chúng tôi phải bỏ tiền túi, bỏ công sức, thời gian để đưa người nghi nhiễm HIV đi kiểm tra. Trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện phát cho chúng tôi tài liệu để tuyên truyền phòng chống đại dịch này. Từ chỗ hoang mang, lo sợ, chúng tôi biết mình vẫn còn nhiều cơ hội, biết cách phòng tránh cho người thân, biết cách sinh con mà vẫn đảm bảo cho con khỏe mạnh”, chị Mạc Thị H. chia sẻ.

Khi tệ nạn ma túy chưa được xóa sổ thì nguy cơ lây nhiễm HIV qua con đường tiêm chích vẫn hiện hữu. Anh Vi Văn Đ. - Chủ nhiệm CLB Niềm Tin gặp từng người nghiện phân tích, động viên, thuyết phục họ không dùng chung kim tiêm với nhau. Anh Đ. mang xi lanh “dự án” phát cho họ rồi tự mình đi thu gom số kim tiêm đã qua sử dụng để tiêu hủy.

Anh Vi Văn Đ. mất khả năng lao động nặng nhọc - những công việc đưa lại thu nhập chính cho gia đình anh, kể từ khi anh bị nhiễm HIV.
Anh Vi Văn Đ. mất khả năng lao động nặng nhọc - những công việc đưa lại thu nhập chính cho gia đình anh, kể từ khi anh bị nhiễm HIV.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng và của chính những người có “H”, những năm gần đây, nhận thức người dân đã tiến bộ hơn trước. Đại dịch HIV đang từng bước được kiểm soát. Theo báo cáo từ Trạm y tế xã Châu Hạnh, từ năm 2017 đến nay, cả xã chỉ ghi nhận thêm 6 trường hợp nhiễm mới.

HIV đang được kiểm soát nhưng cuộc sống của những người có "ết" đang lâm vào ngõ cụt khi thiếu kế sinh nhai. Hiện, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân ở đây phụ thuộc vào trồng mía, trồng keo và thu hái lâm sản phụ phập phù theo mùa. Không có việc làm, không có thu nhập, nhiều người phải rời quê đi làm thuê. Ở xa, bệnh nhân nhiễm HIV khó duy trì đều đặn việc uống thuốc ARV và dễ có nguy cơ tái nghiện ma túy.

“Sức tôi bây giờ yếu rồi, chỉ quanh quẩn làm những việc nhẹ nhàng trong nhà để giúp vợ. Trước, đi rừng, đi làm gỗ cũng có khoản thu nhập kha khá, giờ công việc nặng nhọc không làm được, gánh nặng kinh tế dồn lên vai vợ trong khi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”, anh Vi Văn Đ. thở dài.

Khi tệ nạn ma túy chưa được kiểm soát thì nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn đang hiện hữu ở đây.
Khi tệ nạn ma túy chưa được kiểm soát thì nguy cơ lây nhiễm HIV vẫn đang hiện hữu ở đây.

Chồng chị Mạc Thị H. dẫu đang mang căn bệnh HIV nhưng cũng phải vào tận Quảng Ngãi để làm thuê cho người cậu họ, kiếm tiền trang trải cho cuộc sinh nở sắp tới của vợ. Nuôi một đứa bé đã khó, nuôi một đứa bé không thể bú mẹ để phòng lây nhiễm HIV lại càng vất vả, tốn kém gấp bội.

Nếu không có công việc, không có thu nhập, người nhiễm HIV dễ lâm vào cùng quẫn và sẽ có nhiều hệ lụy khác. Biết là vậy nhưng đào tạo nghề hay tạo việc làm tại chỗ cho người dân ở đây hoàn toàn không dễ dàng.

Trong khi đó, những người làm công tác an ninh trật tự trên địa bàn lại có tâm tư riêng. “Đấu tranh với tệ nạn ma túy thì anh em có đủ quyết tâm nhưng lại thiếu đủ thứ. Nếu có đủ công cụ hỗ trợ, mình khống chế bọn tội phạm ma túy dễ hơn. Hay ít nhất cũng được trang bị những đồ bảo hộ như găng tay cao su để khi bị vây bắt tránh đối tượng manh động, cắn xé, cào cấu để lây HIV cho mình”, ông Lương Văn Thuận – Trưởng Công an xã Châu Hạnh nói.

Hoàng Lam