1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Cơn bão HIV/AIDS ở bản nghèo:

Đường đến đại dịch “ết”

(Dân trí) - “Từ chỗ hít để có sức làm gỗ đến còng sức kéo gỗ lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện, thành ra bao nhiêu tiền làm ra đều đổ vào ma túy. Khi cấm rừng, những người làm gỗ cũng rút đi, để lại vùng đất này bao nhiêu người nghiện, nhiễm HIV…”, ông Hoàng Văn Thám – công an viên bản Đình Tiến nhớ lại.

Kẻ Nính trước vốn là một cụm dân cư đông đúc nhất của xã Châu Hạnh (Quỳ Châu, Nghệ An). Năm 2012, để thuận lợi hơn trong quản lý, xã Châu Hạnh tách Kẻ Nính thành 4 bản, gồm Kẻ Nính, Tà Cồ, Pà Cọ, Đình Tiến. 4 bản riêng, đã có sự khác nhau trong phát triển kinh tế, xã hội nhưng người ta vẫn nhắc tới Kẻ Nính xưa bởi những “dư chấn” của tệ nạn ma túy, HIV/AIDS để lại trên vùng đất này.

Đường bê tông được mở, chạy giữa các bản của vùng Kẻ Nính xưa. Đây được xem là công trình tạo đà cho sự phát triển của vùng đất này.
Đường bê tông được mở, chạy giữa các bản của vùng Kẻ Nính xưa. Đây được xem là công trình "tạo đà" cho sự phát triển của vùng đất này.

Chiếc cầu treo bắc qua sông Hiếu đã giúp vùng Kẻ Nính thoát khỏi thế cô lập. Từ trên cầu treo nhìn xuống, vùng Kẻ Nính hiện ra êm đềm với những cánh đồng ngô, đồng mía uốn mình bên dòng sông Hiếu lờ đờ nước mùa cạn. Một con đường nhựa lớn cũng đã kịp hình thành, chạy cắt qua Kẻ Nính, “tạo đà” phát triển trong tương lai cho vùng đất này. Trong các bản, một số người dân đang phơi măng – loại lâm sản phụ đặc sản của huyện Quỳ Châu.

Thế nhưng, đằng sau bức tranh yên bình ấy là cuộc chiến dai dẳng nhưng không kém phần khốc liệt với ma túy và đại dịch HIV/AIDS.

Tay không bắt ma túy!

“Tình hình tội phạm ma túy ở vùng Kẻ Nính vẫn còn gay gắt lắm. Anh em căng sức ra mà làm nhưng không xuể. Đối tượng mua bán ma túy phần lớn là nghiện, lại nhiễm HIV, khi bị vây bắt chống đối quyết liệt, sẵn sàng gây thương tích cho công an hoặc gây thương tích cho mình rồi vẩy máu sang anh em công an”, Trưởng Công an xã Châu Hạnh Lương Văn Thuận thông tin khi chúng tôi ngỏ ý nhờ người dẫn vào Kẻ Nính.

Kim tiêm đối tượng nghiện sử dụng cắm vào gốc cây hay vứt trên bãi cỏ ở một cánh rừng trên đường vào bản Đình Tiến.
Kim tiêm đối tượng nghiện sử dụng cắm vào gốc cây hay vứt trên bãi cỏ ở một cánh rừng trên đường vào bản Đình Tiến.

Tôi vẫn nghĩ anh Thuận “nắn gân” mình khi chiếc xe máy chạy bon bon trên con đường nhựa mới làm, vun vút qua những thửa mía xanh um. Đang dẫn chúng tôi đi, anh Lê Anh Tuấn – Phó trưởng Công an xã Châu Hạnh phanh két xe, vẫy chúng tôi xuống một bãi đất trống ven đường. “Đi sâu vào chỗ này là nơi bọn nghiện hay chích ma túy”, anh Tuấn giải thích.

Chúng tôi rón rén bước theo anh Tuấn vào sâu hơn với nỗi sợ hãi xen lẫn tò mò. Dọc lối đi, rải rác những túi bóng đựng xi lanh lẫn vào trong cỏ. Anh Tuấn cúi xuống, vạch những ngọn cỏ quanh gốc keo, chỉ cho chúng tôi xem những chiếc kim tiêm đang cắm vào thân cây, cái mới, cái đã cũ.

“Bọn nghiện tinh vi lắm, không dễ mà bắt được chúng. Tụ tập ở địa điểm này để hút chích mà bị lộ thì ngay lập tức chúng chuyển sang địa điểm khác. Công an xã thì ít người, lại nhiều việc, khó mà đi theo chúng từng bước được”.

Anh Lê Anh Tuấn - Phó trưởng Công an xã Châu Hạnh kể về những lần đi bắt các đối tượng liên quan đến ma túy ở đây.
Anh Lê Anh Tuấn - Phó trưởng Công an xã Châu Hạnh kể về những lần đi bắt các đối tượng liên quan đến ma túy ở đây.

Một tháng trước, tổ công tác 4 người của Công an xã Châu Hạnh phát hiện một đối tượng có hành vi mua ma túy về để bán lẻ và tổ chức vây bắt. Thấy công an, đối tượng nhanh chóng phi lên xe máy bỏ chạy. Anh Tuấn liền bám theo. Khi đuổi kịp, ép xe ngã đối tượng mới chịu dừng lại.

“Tôi lao vào khống chế đối tượng nhưng hắn khỏe hơn, lại bị chảy máu, trong khi đó mình chẳng có găng tay bảo hộ gì cả. Tôi túm được một tay của hắn thì tay kia hắn đút gói ma túy vào miệng, nuốt chửng. Khi anh em chạy đến nơi để hỗ trợ thì hắn nuốt mất ma túy rồi, không còn vật chứng thì không xử lí được, đành phải thả”, anh Tuấn kể.

Ma túy – vui thì vẫn dùng (?!)

Trước đây, Kẻ Nính cũng như bao nhiêu bản làng yên bình khác cho đến khi ma túy theo các thợ làm gỗ từ ngoài Bắc vào. Đó là vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ trước, khi những cánh rừng ở Châu Hạnh vẫn còn nhiều gỗ. Thời điểm đó, một toán thợ gỗ ngoài Bắc vào, tổ chức khai thác gỗ và thuê đàn ông trai tráng ở đây kéo gỗ từ rừng ra bến sông tập kết trước khi gỗ theo dòng sông Hiếu về xuôi.

“Làm gỗ nặng nhọc lắm, họ cho các phu gỗ hít một loại bột trắng. Hít vào, bao nhiêu mệt nhọc tan biến, làm việc cứ phăng phăng. Phu gỗ rỉ tai nhau về “thần dược” không biết mệt mỏi này cho đến khi bị phụ thuộc vào nó. Đến khi hít không đủ liều thì chuyển sang tiêm. Cả chục người dùng chung một chiếc kim tiêm đến khi kim cùn, không đâm được nữa mới vứt.

Ông Hoàng Văn Thám - công an viên bản Đình Tiến nhớ về thời điểm ma túy hoành hành nơi đây, khởi nguồn cho đại dịch HIV/AIDS mà 4 bản của Kẻ Nính đang phải chống chọi.
Ông Hoàng Văn Thám - công an viên bản Đình Tiến nhớ về thời điểm ma túy hoành hành nơi đây, khởi nguồn cho đại dịch HIV/AIDS mà 4 bản của Kẻ Nính đang phải chống chọi.

Từ chỗ hít để có sức làm việc đến quần quật kéo gỗ để lấy tiền mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện, thành ra bao nhiêu tiền làm ra đều đổ vào ma túy. Khi cấm rừng, những người làm gỗ cũng rút đi thì để lại vùng đất này bao nhiêu người nghiện, nhiễm HIV…”, ông Hoàng Văn Thám – công an viên bản Đình Tiến nhớ lại.

Nghiện ma túy, thiếu kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS nên khi liên tiếp người nhiễm HIV được phát hiện, cả vùng Kẻ Nính nháo nhác, phập phồng trong lo sợ. Con số người nhiễm “H”, rồi người chết vì “ết” tăng dần sau từng đợt xét nghiệm. Kẻ Nính xác xơ trong nghèo đói và bệnh tật – hệ lụy khủng khiếp của “cơn lốc” ma túy để lại.

Nói về cuộc đấu tranh với ma túy ở đây, ông Lương Văn Thuận - Trưởng Công an xã Châu Hạnh cho biết, các lực lượng chức năng đã làm rất “rát” nhưng không xử lý được triệt để bởi nhiều cái khó. “Công an xã lực lượng mỏng, thiếu trang bị công cụ hỗ trợ. Đi bắt người nghiện ma túy, lại nhiễm HIV mà bắt tay không thì nguy hiểm lắm”.

Anh Vi Văn Đ. (bản Kẻ Nính) thừa nhận dù đã cai nghiện ma túy nhưng thỉnh thoảng, trong các cuộc vui, được mời ma túy anh vẫn dùng.
Anh Vi Văn Đ. (bản Kẻ Nính) thừa nhận dù đã cai nghiện ma túy nhưng thỉnh thoảng, trong các cuộc vui, được mời ma túy anh vẫn dùng.

Ông Lê Anh Tuấn – Phó trưởng Công an xã Châu Hạnh thì thừa nhận tình trạng sử dụng ma túy trong thanh niên vẫn nhiều, nhất là các cuộc đám cưới, đám hỏi hay ma chay. Sau vài tuần rượu, đám thanh niên phừng phừng hơi men góp tiền đi mua ma túy về dùng.

“Tôi bỏ ma túy rồi, tiền đâu mà hút chích mãi. Thỉnh thoảng ai mời, tôi vẫn dùng nhưng được tuyên truyền nhiều rồi, không dùng chung kim tiêm với nhau đâu. Mình phải giữ cho họ chứ”, anh Vi Văn Đ. (SN 1982, trú bản Kẻ Nính) thật thà nói. Anh Đ. là 1 trong gần 100 bệnh nhân nhiễm “H” ở vùng Kẻ Nính này. Mầm bệnh thế kỷ này len lỏi vào người anh Đ. cũng chính từ những lần phê pha trong ảo giác chết người của ma túy!

Không dùng chung kim tiêm để ngăn lây nhiễm HIV được coi là một biện pháp hữu hiệu. Thế nhưng, trong những cái đầu chếnh choáng hơi men và một cơ thể đang vật vã “đói” thuốc, liệu bao nhiêu người còn nhớ tới biện pháp phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS đơn giản này?

Hoàng Lam

(Còn nữa)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm